Thắp nhang tưởng niệm đoàn y bác sĩ bị fulro sát hại tại Cổng Trời |
Ngành Y tế Lâm Đồng và chính quyền huyện Lạc Dương vừa tổ chức lễ viếng và dâng hương tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh tại khu vực Cổng Trời (xã Lát, huyện Lạc Dương).
Sau khi thắp hương và mặc niệm, lãnh đạo Sở Y tế Lâm Đồng thay mặt đoàn bày tỏ lòng biết ơn chân thành, nguyện làm hết sức mình để thể hiện sự tri ân sâu sắc những người đã dũng cảm hy sinh.
Đoàn cán bộ Sở Y tế và huyện Lạc Dương dâng hương tại Nhà bia tưởng niệm |
Khói hương nghi ngút trước tấm bia khắc tên 11 liệt sĩ ngành y tế tỉnh đã hy sinh trên đường đi làm nhiệm vụ, bao gồm các bác sĩ Nguyễn Phú Cường, Nga Ra Đôn, Vũ Công Thìn; các y sĩ Nguyễn Đình Giao, Trần Mạnh Canh, Nguyễn Văn Quang, Phan Văn Hoàn; y tá K' Téo; lái xe Phạm Duy Hải và 2 du kích của huyện Lạc Dương.
Ông Lê Văn Đường, nhân chứng sống sót trong chuyến xe lịch sử ở Cổng Trời cũng đến dâng hương tưởng niệm các đồng đội tại Nhà bia.
Ông Lê Văn Đường (ngoài cùng bìa trái) tưởng niệm các đồng đội |
Theo lời ông Đường, nhận được tin báo dịch đang hoành hành ở khu vực Đầm Ròn, Sở Y tế điều động đoàn cán bộ cấp tốc lên đường chống dịch, bao gồm người của trạm sốt rét và trạm phòng dịch. Lúc đó, ông Đường đang làm kỹ thuật viên, tổ phó tổ côn trùng ở trạm sốt rét.
Sáng sớm ngày 21/8/1980, đoàn hăm hở lên đường làm nhiệm vụ; trong đó, nhiều người còn rất trẻ, chưa có gia đình như các y bác sĩ Đôn, Thìn, Canh, Hoàn, K’Téo và y tá Quang.
Đường đến vùng dịch khá xa, phải băng qua rừng già, xe cộ dễ bị hư hỏng vì sa lầy, sập hầm hố và nhiều nguy cơ chạm trán với fulro.
Chiếc xe vượt đường rừng cứ nhào lên, hụp xuống, nhiều lúc tưởng chừng hất văng những người đang ngồi trên thùng xe xuống đất. Trên đường đi, đoàn gặp chiếc xe của ngành lâm nghiệp đi cùng hướng. Tuy nhiên, khi đến một ngã ba, xe của ngành lâm nghiệp rẽ phải, đi về hướng Suối Vàng.
Đoàn xe chống dịch tiếp tục vượt qua những dốc núi quanh co, gập ghềnh sỏi đá, bên núi cao, bên vực sâu hun hút. Đến dốc Cổng Trời, chiếc xe đang tăng ga vượt đèo dốc thẳng đứng thì bất ngờ có tiếng súng nổ dội vào taluy bên đường.
"Tôi và bác sĩ Cường đang ngồi trên bửng xe, thấy mui xe đã thủng lỗ chỗ, anh em trong xe trúng đạn la hét. Biết đã bị fulro phục kích để cướp thuốc, tôi tuột khỏi xe rồi nằm sát vào taluy để tránh đạn. Y sĩ Giao cũng trườn ra khỏi xe, nằm cạnh tôi nhưng bị thương rất nặng do trúng đạn M79; chiếc ô tô bốc cháy dữ dội. Phải 10 phút sau, tiếng súng mới ngưng hẳn", ông Đường đau xót.
Ông nghẹn ngào: "Tôi chết lặng khi thấy anh em người thì cháy đen, người nằm dưới đất, người rớt trên mui xe. Theo lời anh Giao, tôi cố nén cơn đau, luồn rừng tìm về ngã 3, nơi chia tay chiếc xe lâm nghiệp hồi sáng. May mà đoàn cán bộ lâm nghiệp đã hạ trại cách ngã 3 khoảng 200m. Tôi chỉ thốt lên một câu “hãy cứu anh Giao” rồi ngất xỉu. Lúc tỉnh lại, tôi nhận ra đang nằm ở bệnh viện tỉnh, trên người có 11 vết đạn và biết tin anh Giao đã mất khi chiếc xe chở anh đi cấp cứu còn cách bệnh viện 3km".
Nhà bia tưởng niệm được xây dựng ở nơi các y bác sĩ bị fulro phục kích, sát hại |
Cũng theo ông Đường, ban đầu 11 người trong đoàn được chôn cất trên đồi 3 cây ở Tùng Lâm, sau đó chuyển về nghĩa trang liệt sĩ. Địa điểm đặt Nhà bia tưởng niệm này chính là nơi đoàn y bác sĩ bị fulro phục kích, sát hại.