Hãng Interfax ngày 11/7 dẫn nguồn tin từ Lầu Năm Góc cho biết, đề xuất do Đại tướng Raymond Odierno đưa ra, quy mô là một lữ đoàn bộ binh, được bổ sung vũ khí hạng nặng, và có thể “kịp thời di chuyển tới Đức một khi xung đột xảy ra ở châu Âu”.
Đại tướng Raymond Odierno cũng ủng hộ các đề xuất về việc triển khai khí tài quân sự, xe bọc thép Mỹ nhằm sẵn sàng đối phó với các cuộc khủng hoảng có thể xảy ra ở châu Âu.
Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ cũng khẳng định: “Người Nga không cố tình tạo ra cuộc khủng hoảng”, tuy nhiên, theo Đại tướng Raymond Odierno: “Chúng ta phải sẵn sàng, và quyết định phải làm thế nào để củng cố vị trí dẫn đầu”.
Quan điểm của Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ trái ngược với tuyên bố trước đó 1 ngày của tướng thủy quân lục chiến Joseph Dunford hôm 9/7, cho rằng Nga tạo ra mối đe dọa lớn nhất tới an ninh quốc gia Mỹ.
"Nếu muốn nhắc đến một quốc gia có thể tạo ra mối đe dọa hiện hữu với Mỹ, tôi xin chỉ ra đó là Nga", tướng Dunford, ứng viên hàng đầu vào vị trí chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, nói ông xếp Trung Quốc, quốc gia đang mở rộng quân đội khiến Lầu Năm Góc báo động, ở vị trí thứ hai trong danh sách này, tiếp đó là Triều Tiên và phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS).
Trong khi đó, tại buổi họp báo cùng ngày, Josh Earnest, người phát ngôn Nhà Trắng, cho biết Washington quan tâm đến Nga nhưng bình luận của tướng Dunford chỉ phản ánh "quan điểm cá nhân, không phải kết quả phân tích từ đội an ninh quốc gia".
Ngoại trưởng John Kerry sau đó xác nhận không coi Moscow là mối đe dọa hiện hữu đối với Washington, trái ngược với quan điểm với tướng thủy quân lục chiến Joseph Dunford,
"Ngoại trưởng không nhất trí về đánh giá cho rằng Nga, hoặc Trung Quốc, là mối đe dọa hiện hữu đối với Mỹ", Reuters dẫn lời Mark Toner, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, nói.