Tướng Giáp với Đặng Tiểu Bình, McNamara và Brezjinski

Tướng Giáp với Đặng Tiểu Bình, McNamara và Brezjinski
TP - Huyền thoại của Việt Nam đã kể với hai nhà báo Pháp là Daniel Roussel và Dominique Bari về những thời khắc khó khăn nhất trong sự nghiệp lẫy lừng của vị tướng khiến cả bạn bè và đối thủ đều kính trọng.

> Đại tướng Võ Nguyên Giáp và ba lần xuất hiện trên trang bìa tạp chí Time
> Ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp tràn ngập trên báo quốc tế

“Quyết định khó khăn nhất đời tôi”

Đại tướng Võ Nguyên Giáp bộc bạch nhiều điều với nhà báo, đạo diễn lừng danh Daniel Roussel, người từng gặp ông hàng chục lần trong 30 năm. Năm 1953, tướng Henri Navarre, tư lệnh mới của quân đội Pháp tại Đông Dương đã quyết định lập một căn cứ thép tại Điện Biên Phủ mục tiêu nhằm cắt đứt con đường quân Việt Minh sang Lào.

Tuy nhiên theo phân tích của tướng Võ Nguyên Giáp, mục tiêu của viên tướng Pháp hòng thu hút quân kháng chiến, giăng ra một cái bẫy nhằm buộc đối phương phải quyết chiến xa căn cứ địa quen thuộc.

“Căn cứ Điện Biên Phủ kiên cố tới mức Navarre khoe với tướng Mỹ Daniels rằng nó bất khả xâm phạm. Đó là lý do tại sao tướng de Castries lớn tiếng thách thức chúng tôi dám tấn công”- Tướng Giáp nói.

 Chiến thắng pháo đài bay B-52 là chiến thắng của trí tuệ Việt Nam trước công nghệ và tiền bạc. Nhân tố con người là quyết định. Đó là lý do tại sao khi một quan chức Mỹ hỏi tôi ai là vị tướng giỏi nhất, tôi đã trả lời ông ta đó chính là nhân dân Việt Nam.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Đương đầu với một kẻ thù được trang bị tốt hơn, có cả xe tăng và máy bay, lại cố thủ trong một căn cứ kiên cố như vậy, các cố vấn Trung Quốc khuyên tướng Giáp nên sử dụng chiến thuật biển người để đè bẹp quân Pháp.

Tướng Giáp nhớ lại: “Tất cả những người xung quanh tôi, ban tham mưu, các cố vấn đều nhất trí với kế hoạch tấn công kiểu “tất tay”. Tôi không thể lùi bước, ngày tấn công đã được dự kiến là 25/1.

Ngày 24, do xảy ra sự cố nên cuộc tấn công phải hoãn lại một ngày. Sáng 26/1, khi chỉ còn vài giờ nữa sẽ phát lệnh khai hỏa, tôi quyết định thay đổi kế hoạch và rút quân về tuyến sau vài cây số bởi phát hiện nhiều điểm bất lợi.

Trước khi bắt đầu chiến dịch, Hồ Chủ tịch đã bảo tôi: “Chú với tư cách tư lệnh tối cao có toàn quyền ngoài mặt trận, nhưng đây là một trận đánh cực kỳ quan trọng, chỉ được phép đánh thắng. Chúng ta phải chắc thắng mới đánh, nếu không chắc thắng chúng ta sẽ không đánh”.

Tướng Giáp thông báo quyết định hoãn với các cố vấn Trung Quốc, nhưng trước hết phải thuyết phục được ban tham mưu của mình. Ông hỏi: “Các đồng chí có chắc chắn 100% sẽ thắng lợi với kế hoạch tác chiến của chúng ta không? Nếu các đồng chí không dám chắc 100%, chúng ta phải quyết định một kế hoạch khác!”.

Tướng Giáp nói: “Đó là quyết định khó khăn nhất trong đời tôi. Bộ đội đã gian khổ hàng tuần, sẵn sàng đợi lệnh tấn công mà giờ lại đột ngột hủy bỏ kế hoạch khiến có dư luận xầm xì rằng bộ tổng tham mưu bất tài, ban hành một mệnh lệnh phản động”.

Kế hoạch mới hoạch định một chiến dịch kéo dài hơn 3 tháng. Tướng Giáp tâm đắc với câu nói của Napoleon Bonaparte “Nơi một con dê lọt qua, một người có thể vượt qua; nơi một người vượt qua, một tiểu đoàn có thể vượt qua”.

Trải khắp núi rừng Tây Bắc Việt Nam, dưới những trận mưa bom napalm không ngớt, 260.000 dân công, 20.000 chiếc xe đạp thồ có thể chở tới 3 tạ hàng mỗi chiếc được huy động để vận tải nhu yếu phẩm cho trận quyết chiến chiến lược. Bộ đội của tướng Giáp ngày này qua ngày khác đã đào hàng trăm cây số hào giao thông, vây chặt căn cứ Điện Biên Phủ.

Lúc 9 giờ ngày 13/3/1954, tướng Giáp hạ lệnh giội mưa đại bác xuống căn cứ của quân Pháp. Trong nhiều tuần lễ, bộ đội Việt Minh dần dần xiết chặt chiếc thòng lọng.

Ngày 7/5/1954, trong tiếng hô “xung phong” vang dội, những người lính của tướng Giáp xông lên từ những chiến hào cắm cờ lên căn cứ Điện Biên Phủ của quân đội Pháp sau 55 ngày đêm chiến đấu ác liệt. Chỉ huy căn cứ Điện Biên Phủ là tướng de Castries bị bắt làm tù binh. Thắng lợi hoàn toàn đã dẫn tới việc ký kết Hiệp định Genève, kết thúc chiến tranh ở Đông Dương.

“Vị tướng giỏi nhất là nhân dân”

Trong cuộc phỏng vấn độc quyền trên tờ L’Humanité do nhà báo Dominique Bari thực hiện năm 2004, đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định thời điểm năm 1946, nếu phía Pháp có thiện chí thì đã có thể tránh được cuộc chiến và không bị thảm bại trong trận Điện Biên Phủ. Về chiến thắng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đại tướng cho rằng người Mỹ đã quá tự mãn với sức mạnh của mình đến nỗi phớt lờ lời khuyên của người Pháp vốn đã có kinh nghiệm cay đắng ở Việt Nam.

Tướng Giáp nói: “Mỹ ồ ạt đưa quân vào Việt Nam. Khi đó có rất ít người tin chúng tôi có thể thắng họ. Nhưng người Mỹ không hiểu chút nào về truyền thống lịch sử, văn hóa, tính cách con người Việt Nam chúng tôi. Năm 1995, khi gặp cựu bộ trưởng quốc phòng Mỹ McNamara, tôi nói với ông ta rằng: “Các ông đã sử dụng sức mạnh ghê gớm của đại bác, máy bay, chất độc hóa học chống Việt Nam nhưng các ông không hiểu dân tộc tôi khao khát độc lập, tự do và muốn làm chủ đất nước mình”.

Vị tướng huyền thoại nhấn mạnh đó là sự thật mà lịch sử mọi thời đại đã minh chứng qua suốt hơn 1.000 năm bắc thuộc đến tận thế kỷ thứ X mà Việt Nam vẫn không bị đồng hóa. Tướng Giáp nói: “Chiến thắng pháo đài bay B-52 là chiến thắng của trí tuệ Việt Nam trước công nghệ và tiền bạc. Nhân tố con người là quyết định. Đó là lý do tại sao khi một quan chức Mỹ hỏi tôi ai là vị tướng giỏi nhất, tôi đã trả lời ông ta đó chính là nhân dân Việt Nam”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhấn mạnh thắng lợi là của nhân dân Việt Nam, ông chỉ đóng góp phần khiêm tốn trong đó. Tướng Giáp kể: “Khi chúng tôi gặp nhau ở Alger, Brezjinski cũng thắc mắc lý do tại sao chúng tôi thắng Mỹ, ông ta hỏi tôi: “Chiến lược của ngài là gì?”. Câu trả lời của tôi hết sức đơn giản: “Chiến lược của tôi là hòa bình, tôi là một vị tướng của hòa bình, không phải của chiến tranh”.

Ông nói với Dominique Bari rằng thời ấy có rất ít người, ngay cả các đồng chí các nước khối XHCN cũng không tin Việt Nam có thể thắng Mỹ. Tướng Giáp hồi tưởng lại: “Nhiều nước bày tỏ tình đoàn kết nồng nhiệt nhưng ít hy vọng nhìn thấy thắng lợi của chúng tôi. Khi tôi cùng đoàn đại biểu do Hồ Chủ tịch dẫn đầu sang Bắc Kinh, Đặng Tiểu Bình đã vỗ vai tôi, bảo: “Các đồng chí hãy nắm lấy và củng cố vững chắc miền Bắc. Muốn giải phóng miền Nam, các đồng chí phải mất cả ngàn năm!”.

Một lần khác, tôi tới Mátxcơva và có cuộc gặp với toàn thể bộ chính trị Liên Xô. Kossyguine hỏi tôi: “Này đồng chí Giáp, đồng chí nói với chúng tôi sẽ thắng Mỹ. Cho phép tôi hỏi đồng chí có bao nhiêu phi đội máy bay chiến đấu và Mỹ có bao nhiêu?”. Tôi đáp: “Bất chấp leo thang quân sự, tôi có thể nói với đồng chí rằng nếu chúng tôi chiến đấu theo cách của các đồng chí, chúng tôi không thể trụ nổi 2 tiếng đồng hồ. Nhưng nếu chúng tôi chiến đấu theo cách của mình, chúng tôi sẽ chiến thắng”.

Dominique Bari hỏi tướng Giáp làm sao ông có thể trở thành một vị tướng lỗi lạc khi mà ông chỉ học luật, kinh tế chính trị và là giáo viên lịch sử bình thường, hơn nữa lại chẳng qua bất cứ trường đào tạo quân sự nào? Tướng Giáp trả lời: “Điều này phải hỏi Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chính Người đã chọn con đường binh nghiệp cho tôi. Người đã tin tưởng giao cho tôi thành lập quân đội. Khi chúng tôi nóng lòng muốn chiến đấu chống Pháp chiếm đóng, Người nói với chúng tôi thời điểm nổi dậy vẫn còn chưa tới.

Với Hồ Chủ tịch, một đội quân cách mạng có khả năng chiến thắng là một đội quân nhân dân. Trước hết, phải động viên nhân dân tham gia cuộc cách mạng, có nhân dân sẽ có tất cả. Chính nhân dân là người đã làm nên chiến thắng”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhấn mạnh thắng lợi là của nhân dân Việt Nam, ông chỉ đóng góp phần khiêm tốn trong đó. Tướng Giáp kể: “Khi chúng tôi gặp nhau ở Alger, Brezjinski cũng thắc mắc lý do tại sao chúng tôi thắng Mỹ, ông ta hỏi tôi: “Chiến lược của ngài là gì?”. Câu trả lời của tôi hết sức đơn giản: “Chiến lược của tôi là hòa bình, tôi là một vị tướng của hòa bình, không phải của chiến tranh”.

Đ.V.Hạnh
Theo L’Humanité

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.