Tướng Giáp - Người chiến thắng ở Điện Biên Phủ (tiếp)

Tướng Giáp - Người chiến thắng ở Điện Biên Phủ (tiếp)
TP - Trong vòng tuyến này (sau “phòng tuyến De Lattre” do quân đội Pháp lập ra nhằm bảo vệ vùng châu thổ sông Hồng bị tạm chiếm - TP) ban đêm các đồn bốt được canh gác cẩn mật rơi vào tay Việt minh còn ban ngày lại được quân Pháp lấy lại.

> Tướng Giáp - Người chiến thắng ở Điện Biên Phủ
> Tướng Giáp - Người chiến thắng ở Điện Biên Phủ
> Làm theo lời Bác 'Dĩ công vi thượng'

Châu thổ sông Hồng cũng bị du kích xâm nhập nặng nề, người ta có thể coi nó như một cộng đồng đất đai được Việt minh và Pháp cùng cai quản.

Ngay cả khi bị đe dọa ông Giáp cũng có thể biến nguyên tắc của ông thành lợi thế. Năm 1952, Salan tìm cách phá bỏ phòng tuyến De Lattre và đánh vào căn cứ của Việt minh ở Hòa Bình. Ông Giáp đối phó với hiểm họa đó bằng cách cắt đứt mọi con đường dẫn đến vị trí trong thế trận nhằm tập dượt cho trận Điện Biên Phủ sau này, và với cái giá tổn thất khá lớn về quân đội của mình, ông làm cỏ quân Pháp khi họ phải rút lui nhục nhã.

Trong cuốn sách “Con đường không vui”, Bernard Fall tả lại cảnh xích tăng của Pháp nghiền nát hàng chục cái đầu, chân tay, lồng ngực khi chúng từ từ lăn đi như những con voi bị buộc vào dây xích, trên một khu đất hẹp lộ thiên trong đồn. Nhưng ngay sau đó hàng chục cánh tay bám ghì lấy cánh cửa của tháp súng trên xe tìm cách mở nó ra. Quân địch nhét lựu đạn cháy vào họng súng đại bác, bắn tiểu liên qua các khe hở của xe tăng, cuối cùng chĩa thẳng ba-dô-ca vào tiêu diệt.

Đạn ba-dô-ca làm bật tung vỏ xe tăng thành từng mảnh kim loại nóng sáng trắng. Mùi thịt nướng bốc lên trong không khí, toàn thể các đội lính lái 5 chiếc xe tăng chết hết và bị thiêu sống trong xe.

Đi với ông Giáp an toàn hơn

Trước trận đánh, tướng De Lattre De Tassigny bất thình lình phải về Pháp vì bị ung thư. Ông đã thất bại ở Đông Dương, nếu ông đã sống sót qua trận đánh ở Hòa Bình thì cuối cùng danh tiếng của ông chắc chắn đã bị tiêu ma dưới bàn tay ông Giáp.

Ông Giáp đang đạt tới thời kỳ rực rỡ nhất của ông: Thành đạt của ông trở nên chắc chắn. Vào năm 1953, sau chiến tranh Triều Tiên, ông nhận được sự viện trợ ồ ạt của Trung Quốc: xe tải, trọng pháo, cao xạ. Năm trước, ông đã nhận được 40.000 súng trường và 4.000 súng máy, ông tổ chức thêm 1 sư đoàn trọng pháo trang bị bằng đại bác 105 mm. Những cỗ súng này đã làm lính Pháp ở Điện Biên Phủ bất ngờ. Ông có 5 sư đoàn với tổng số 110.000 người.

Ông cũng xây dựng lực lượng hỗ trợ về chính trị ở nông thôn, và có thể luôn luôn dễ dàng huy động hơn 200.000 người vận chuyển súng đạn và lương thực cho ông.

Còn về phần người Pháp, họ nhận trang bị của Mỹ. Chính phủ Laniel từ chối không chi tiền cho cuộc tấn công mới của tướng Navarre (người thay thế De Lattre De Tassigny) cho đến khi Eisenhower trả cho ông ta 100 tỷ phrăng. Nhưng ở Việt Nam, nhân dân đã thức tỉnh trước lý tưởng độc lập và quân đội viễn chinh của Pháp có thể không giành được bao nhiêu sự hợp tác để thu lượm tin tức và giữ quyền kiểm soát về quân sự, chính trị.

Trường hợp có làng xóm nào đó hợp tác với Pháp chống lại Việt minh thì Việt minh có thể đột kích và để lại đó một đội bắn tỉa. Khi họ rút đi, đằng nào quân Pháp cũng nổi điên lên với làng đó. Các cuộc hành quân kiểu tìm và diệt mà Pháp tiến hành, thường quá tàn bạo và sai trái đến mức bất kỳ ai dưới 50 tuổi đều thấy đi với Việt minh an toàn hơn là ở lại làng.

Để đánh phá “vùng tự do”, Pháp chọn Điện Biên Phủ

Tướng Henri Navarre là người bị trách cứ về thảm họa ở Điện Biên Phủ. Ông đến Việt Nam năm 1953 với danh tiếng là một nhà chiến lược tuyệt vời, và liên tiếp phạm một loạt sai lầm khủng khiếp. Tại Pháp, rõ ràng người ta không quan tâm đến chiến tranh. Navarre chỉ hi vọng không bôi nhọ đất nước ông, không làm cho quân đội viễn chinh bị nguy hại. Cần phải xây dựng lại đội quân này và kế hoạch của Navarre là hạn chế hoạt động của nó.

Nhưng ông ta muốn đánh vào vùng tự do của ông Giáp ở châu thổ và ông trở nên bận bịu với việc giữ không cho ông Giáp vào Lào, do những mệnh lệnh mập mờ lộn xộn, miễn cưỡng của chính phủ Pháp. Để thực hiện mục đích đó ông chọn thung lũng Điện Biên Phủ làm bàn đạp tấn công.

Ngay sau khi ông đến Việt Nam, Navarre cố gắng khai thông con đường số 1, “con đường không vui” có tính chất truyền thuyết, nhưng thất bại. Trong tháng đó, ông rút quân khỏi Nà Sản và Lai Châu vào tháng 11, sau khi lính dù của ông đã nhảy xuống thung lũng Điện Biên Phủ. Đó là một sai lầm nữa mà ông ta không thể tránh được vì thiếu người.

Ngay lập tức ông Giáp chiếm Lai Châu, biết chắc rằng Navarre có thể bị lôi vào trận chiến đấu tại cái bẫy chết người Điện Biên Phủ, nếu ông có thể thực hiện một cố gắng quan trọng tiến vào Lào.

Ông Giáp bắt đầu ra sức đắp con đường từ Trung Quốc đi Tuần Giáo qua Lai Châu. Tuần Giáo là căn cứ hoạt động của ông phục vụ Điện Biên Phủ vì ông đã quyết định đánh một trận lớn ở đấy. Đó là một chủ trương nhìn xa trông rộng, có tính chất quyết định. Ông Giáp cầu trời cho quân Pháp đến đóng ở đó.

Nhưng có một vấn đề: Các vùng tự do của ông Giáp bị đe dọa. “Kế hoạch Navarre” dự định tiêu diệt du kích trong một cuộc hành quân lớn ở châu thổ sông Hồng, và điều đó đặt ông Giáp trước thế tiến thoái lưỡng nan. Ông viết: “Địch đang tập trung quân ở châu thổ sông Hồng và tiến đánh vùng tự do của chúng ta. Bây giờ liệu chúng ta nên tập trung lực lượng đối phó với địch hay điều động lực lượng đi đánh nơi khác? Bài toán này khó giải.

Tập trung lực lượng của chúng ta để đánh địch ở châu thổ, chúng ta có thể mở rộng vùng tự do. Nhưng ở đây địch còn mạnh và chúng ta dễ bị tiêu hao. Mặt khác, đánh ở nơi khác với chủ lực quân của chúng ta, chúng ta có thể khai thác những chỗ yếu của địch để tiêu diệt bộ phận lớn của chúng nhưng vùng tự do của chúng ta có thể bị đe dọa”.

Còn nữa

James Fox
The Sunday Times Magazine - 1972

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG