Tượng đài và luật pháp

Tượng đài và luật pháp
TP - Một tượng đài chiến sỹ trận vong gần trăm tuổi ở Mỹ có nguy cơ bị phế chỉ vì lý do tôn giáo. Toà vừa phán tượng hình chữ thập là vi hiến cho dù nó lừng lững từ năm 1925 ở một nơi cách thủ đô Washington 14 km. Phán quyết có nguy cơ bùng phát thành chiến tranh tôn giáo và văn hoá ở nước này.

Tượng cao 12m yên bình suốt 93 năm qua ở thị trấn Bladensburg, bang Maryland. Chân đế của “Peace Cross” (Thánh giá Hoà bình) có bảng ghi danh 49 tử sỹ và lời của tổng thống Woodrow Wilson (1856-1924). Giao điểm thánh giá gắn tấm triện bốn mặt của American Legion, quân đoàn Mỹ dựng tượng đài này, với bốn từ ở bốn mặt “dũng cảm, kiên trung, can đảm, tận hiến”.
Bỗng một ngày đẹp trời năm 2014, nó bị chụp mũ thiên vị tôn giáo. Ba công dân Maryland đại diện cho Hiệp hội Nhân văn Mỹ (AHA) nại rằng tượng đài hình thánh giá là thiên vị cho Cơ Đốc Giáo trong khi có nhiều tôn giáo khác và, như thế, phạm luật vốn quy định cấm thiên vị tôn giáo. Bằng chứng được AHA chỉ ra là tượng đài đặt ở trung tâm sầm uất nhất của thị trấn 10.000 dân và chính quyền có quỹ 200.000 USD chỉ để duy tu tượng đài.

Ngạc nhiên là toà đã bị nguyên đơn thuyết phục sau bốn năm đằng đẵng ngâm cứu. Để công tâm, toà nói có mời cả nhân chứng phi tôn giáo qua ngắm nghía, chiêm nghiệm rồi cho biết tượng đài có gây ấn tượng tôn giáo không. Chẳng biết thu thập thông tin và thảo luận thế nào, cuối cùng phán phá với chênh phiếu 8-6. Nguyên đơn AHA đề nghị đẽo lại tượng đài hoặc di nó đi chỗ khác.

Nếu chuyện này xảy ra, hàng trăm công trình văn hoá khác sẽ ra sao? Tôn giáo chính thống ở Mỹ khởi thuỷ là Tin Lành, một nhánh của Cơ Đốc. Cả hai đều có biểu tượng thánh giá và chỉ khác nhau có hoặc không hình chúa Jesus. Nói riêng Arlington National Cemetery, nghĩa trang quốc gia 253ha do Cục Quân lực Liên bang quản lý, là nơi an táng 290.000 người trong đó chủ yếu là tướng sỹ hy sinh từ thuở lập quốc tới giờ. Tại nghĩa trang toạ sát trụ sở Lầu Năm Góc ấy, có hai thánh giá to vật. Một công trình kỷ niệm binh sỹ Mỹ tử trận ở Pháp suốt đệ nhất thế chiến. Cái còn lại tưởng nhớ binh sỹ lưỡng quốc Mỹ-Canada trong các trận chiến phối hợp.

Các cựu binh Mỹ sốt vó trước phán quyết kỳ lạ của toà phúc thẩm. Tuần rồi họ cầu Toà án Tối cao cứu xét. Thật không thể hiểu ở một đất nước cái gì cũng có thể kiện và toà “công tâm” đến mức vô cảm trong khi luật do người làm ra chứ đâu phải thánh thần. 

MỚI - NÓNG