Tưng tửng kiểu Tô Hoài

Tưng tửng kiểu Tô Hoài
TP - Ông làm ơn hay làm mếch lòng ai đều cứ tưng tửng, dường như chả quan trọng gì. Sau này, gần hơn, tôi học cái thói ấy, đến giờ ăn kiếm rượu, đem chén đến đặt trước mặt ông, không nói gì.
Nhà văn Tô Hoài
Nhà văn Tô Hoài.

Nhiều người bảo Tô Hoài ít bạn thân, tôi cũng thấy thế. Nhưng “thân” thế nào được khi chả ai cùng trà văn nghệ còn nữa. Dù thế, cánh viết lách hậu sinh vẫn cảm nhận được sự quan tâm của bậc trưởng thượng, với cái cách tỏ ra luôn luôn là “tôi nói thế đấy, còn cậu thấy thế nào cũng được”.

Lần đầu tôi được ngồi gần ông cụ là ở đại hội những người viết văn trẻ năm 1985. Đang nói chuyện với Châu Hồng Thuỷ ở Sơn La về, ông quay sang tôi, nhắc đến một truyện ngắn của tôi, ra ý cũng biết quan sát thói tục này nọ.

Tất nhiên tôi rất thích. Nhưng lần sau ông làm tôi ngượng chín mặt: “Ông Nguyễn Tuân là ông ấy viết về phở chín”. Đấy là về cái bài viết về phở tái của tôi, ký tên rất vớ vẩn. Trời ơi, ông cụ soi đến cả báo kia à?

“Viết là đạo đức của nhà văn”, dường như có câu ấy. Sức đọc sức viết của Tô Hoài có lẽ ít ai dai và lỳ bằng. Mò vào bệnh viện thăm, thấy trên giường ông có sách về người Dao.

Anh em ở báo Người Hà Nội còn giữ nhiều ký ức về những “pha” ông “cứu nguy trông thấy” khi sắp bị tuyên giáo “cạo”. Ông làm ơn hay làm mếch lòng ai đều cứ tưng tửng, dường như chả quan trọng gì. Sau này, gần hơn, tôi học cái thói ấy, đến giờ ăn kiếm rượu, đem chén đến đặt trước mặt ông, không nói gì.

Dịp nghe chuyện lý thú nhất là ở trụ sở Hội Văn nghệ 19 Hàng Buồm, cách nay hai chục năm. Trời rét buốt, chả nhớ có sự gì mà cái hội nghèo rớt ấy bày đặt ăn uống, tất nhiên đơn giản lắm.

Ông cụ kể về Nguyễn Bính, đoạn làm báo Trăm hoa, đoạn về Nam Định, lấy vợ lấy con, hay vô cùng mà lại hết cái uống. Tôi nhấp nhổm mãi, nhờ người mua bia Tầu Quả táo về chỉ sợ cụ chê. Nhưng không. Rồi đến lúc mang rượu quán độc hại lắm về, cụ vẫn uống.

Lần đầu tiên tôi có cái cảm nhận về thi sĩ thành Nam lạ đến vậy: Chỉ có cái đẹp là trọng, còn như không có quan niệm gì về những thứ như đạo đức, chính trị...?Hỏi có phải là vậy, thì ông cụ “Ừ”.

Sau này đọc những “Cát bụi chân ai” với “Chiều chiều”, thấy chuyện ấy về Nguyễn Bính cả, nhưng cảm giác thì không thể bằng cái buổi trưa rét buốt nọ. Mới đây đọc sách Lê Hoài Nam, từng “hầu điếu” các đấng bậc văn nghệ Nam Định bị và không bị “đánh”, anh kể có vài chỗ khang khác.

Mấy năm trước Hội Nhà văn Hà Nội mừng thọ bậc trưởng lão, tại nhà trên tập thể Nghĩa Đô. Bàn viết lỉnh kỉnh năm cặp kính, mà cái nào cũng chỉ còn một bên mắt. “Bố em hơn năm nay viết lách gì đâu”, Sông Thao, con gái ông cụ bảo.

Phòng ngoài tí tách chụp ảnh, râm ran chúc mừng, nhưng tôi chỉ để ý chỗ để sách. Hầu như ngăn nào cũng có quả phật thủ, để lâu rồi nhưng tưới rượu lên vẫn thơm, cung cấp một không gian cho những câu văn bò ra. Ông cụ có viết nữa hay không, thật chả biết ra thế nào, vì mấy hôm sau lại nghe “có cái mới sắp ra”, lại là “gừng già” hẳn hoi...

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG