Tuấn Ngọc và những danh ca của... ngày mai

Tuấn Ngọc (bìa phải) quả là “riêng một góc trời” so với với ba nam ca sĩ chung chương trình. Ảnh: Trần Hiệp.
Tuấn Ngọc (bìa phải) quả là “riêng một góc trời” so với với ba nam ca sĩ chung chương trình. Ảnh: Trần Hiệp.
TP - Ngoài việc gọi Tấn Minh, Trọng Tấn, Tùng Dương là ba nam ca sĩ hay nhất miền Bắc, Tuấn Ngọc còn coi họ là những giọng ca của hôm nay và ngày mai. Chả gì ông cũng bước sang tuổi 70. Cả bốn ca sĩ vừa chung show Danh ca Việt Nam. Thoạt nghe cái tên này, không khỏi giật mình, liệu có bị quá không?

Một trong những lý do làm nên thành công của đêm Danh ca Việt Nam chính là nhờ sự liệu cơm gắp món của người biên tập - NSƯT Tấn Minh. Trên thị trường, Tấn Minh có thể không nổi bằng ba giọng ca kia nhưng anh vẫn là tên tuổi đang lên. Không chỉ thành công trên bước đường quan lộ (hiện là Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long), mật độ xuất hiện của Tấn Minh trong các chương trình lớn ngày càng dày đặc. Còn với những người đã nổi tiếng nếu không phấn đấu gấp đôi gấp ba, đương nhiên sẽ chững lại.

Nói về hit, tạm hiểu là bài hát gắn liền với tên tuổi ca sĩ, xem ra Trọng Tấn lại hơi “non”. Anh hát hay quá nhiều bài và thường là bài cũ, những bài từng gắn với tên tuổi của nhiều người đi trước. Tấn Minh may mắn “độc quyền” một số bài của Đỗ Bảo mà không sợ ai “cướp”. Ngoài việc Đỗ Bảo đo ni đóng… ca khúc riêng cho ca sĩ, còn vì độ khó của nhạc Đỗ Bảo. Chỉ những giọng hát chỉn chu, chắc về kỹ thuật như Tấn Minh mới tải nổi. Liên khúc Bức thư tình 1-3-5 anh thể hiện trong đêm Danh ca Việt Nam chứng tỏ hùng hồn điều này.

Trẻ nhất trong bộ tứ, Tùng Dương cũng là giọng ca nghệ sĩ tính nhất, năng nổ nhất, đâm ra cũng sở hữu khá nhiều bài hát riêng. Tùng Dương cũng có cách hát bộc lộ cảm xúc mạnh nhất mà anh thường tự gọi là “lên đồng”. Khi Dương đứng cạnh ba anh còn lại, khán giả không khỏi bật cười. Vì ba ca sĩ kia mặc vest lịch lãm không phá cách gì mấy. Trong khi Dương quần da, áo đuôi dài, đính kim loại, gù vai… các kiểu. Nhưng khi Tùng Dương trình diễn, liên tục lắc vai (để các sợi tua rua được đà tung bay) khi hát, mới thấy trang phục của anh hợp lý.

Riêng Tuấn Ngọc ở tuổi tròn thất thập không ai kỳ vọng ông có bài mới. Vì trong gần nửa thập kỷ hát nhạc Việt (Tuấn Ngọc hát chuyên nghiệp từ trước đó nhưng toàn chơi tiếng Anh) ông đã đóng dấu ấn khó phai lên quá nhiều bài hát. Người ta thường liêt kê một số giọng nam chịu ảnh hưởng cách hát Tuấn Ngọc nhưng có điều lạ là hiếm ai trong số họ thực sự có một cái tên riêng. Ngoại trừ Quang Dũng cũng được coi là chịu ảnh hưởng Tuấn Ngọc nhưng là về phong cách hơn chất giọng.

Với những người yêu mến Tuấn Ngọc, chỉ cần ông còn đứng trên sân khấu đã là quá đủ. Đây lại còn hơn thế nữa, Tuấn Ngọc giữ phong độ tốt một cách đáng ngạc nhiên. Đặc biệt không có dấu hiệu bạt giọng như các ca sĩ hay phải áp dụng kỹ thuật để hát to hát cao. Tuấn Ngọc ém hơi cực tốt và chuyên bỏ nhỏ khi lên cao. Tức là không bao giờ cùng lúc hát cao hết cỡ và to hết cỡ (Khánh Hà cũng áp dụng triệt để lối hát này). Bất cứ bài hát nào ông cất lên cũng trở thành câu chuyện tâm tình với khán giả.

Với các khán giả quen với cách hát nhiều màu sắc của ca sĩ ngày nay, cách hát của Tuấn Ngọc có phần đơn điệu. Thậm chí một số người nghe bằng cảm tính cho là ông “phều phào” hết hơi. Nhưng hoàn toàn không phải. Có thể hiểu chính với việc trung thành với một kiểu kỹ thuật hát phù hợp với tạng của mình mà giọng hát Tuấn Ngọc bền bỉ đến vậy. MC Nguyễn Hữu Chiến Thắng nói không nhiều trong đêm Danh ca Việt Nam nhưng cũng được câu đắt: “Giọng hát Tuấn Ngọc như cơn mưa phùn bay qua thành phố” (lời hát của Đức Huy - PV). Phải chăng vì thế mà nó ngấm lâu hơn những cơn mưa rào của miền nhiệt đới”.

Tuấn Ngọc có sự cách biệt với ba ca sĩ đàn em không chỉ về kỹ thuật thanh nhạc hay tuổi tác, mà còn ở vẻ lịch lãm, quý ông, khó nam ca sĩ nào ở Việt Nam sánh bằng. Từ cái lưng thẳng băng, cái chân khuỳnh khuỳnh, điệu cười nửa miệng, động tác đút tay vào túi… tất cả đều toát lên vẻ chững chạc và tự nhiên. Giống như không phải ông đứng trên sân khấu mà đang ở trong phòng khách nhà mình. Còn khán giả là những người bạn đến chơi. Và tất nhiên khả năng ăn nói pha trò trên sân khấu của Tuấn Ngọc thì khỏi nói, nhiều MC khó lại chứ đừng nói ca sĩ.

Tôi dùng chữ “danh ca” lần đầu năm 2011 cho Bạch Yến nhân dịp bà lần đầu về hát ở Hà Nội. Bạch Yến xứng với danh xưng này vì độ phủ sóng, không chỉ khán giả người Việt ở hải ngoại biết đến mà còn phần nào cả người nghe Âu, Mỹ. Bà kể: “Cho tới khi chen chân được vô Hollywood, mới thấy ca sĩ lên sân khấu phải biết kể chuyện cười, biết nhảy múa…” Ngoài khẩu khiếu, bà và Tuấn Ngọc còn có điểm chung là 70 tuổi hát vẫn sung. Với những người ngự trị trên đỉnh cao sự nghiệp lâu bền đến thế, gọi danh ca là lẽ đương nhiên. So với họ, các ca sĩ nổi tiếng dù U40-50 thì thời gian “thử thách” vẫn còn dài...

MỚI - NÓNG