Dừng chi trả trợ cấp 14 trường hợp
Năm 2010, căn cứ các hồ sơ, bệnh án, Hội đồng Giám định y khoa (GĐYK) Phú Thọ xác định ông Sáu mắc một trong 17 nhóm bệnh do đi-ô -xin gây ra. Biên bản giám định y khoa số 1135/GĐYK ngày 9/12/2010 do Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng GĐYK Phú Thọ Trần Văn Ngợi ký, xác định ông Sáu bị ung thư vòm họng. Biên bản không ghi tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do bệnh tật.
Ngoài ra, tại phiếu sao hồ sơ bệnh án (ngày 15/4/2010) tại Bệnh viện K (Hà Nội) chẩn đoán ông Sáu bị ung thư vòm họng; chẩn đoán giải phẫu bệnh: khí quản biểu mô không biệt hóa. Trên cơ sở đó, ngày 1/4/2011, Sở LĐTB&XH Phú Thọ có quyết định trợ cấp với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học cho ông Sáu. Mức trợ cấp hằng tháng là 1.277.000 đồng.
Năm 2019, Thanh tra Bộ LĐTB&XH tiến hành thanh tra, rà soát lại các trường hợp người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học trên địa bàn tỉnh Phú Thọ (có 3.781 hồ sơ được rà soát).
Ngày 11/5/2020, Chủ tịch Hội đồng GĐYK tỉnh Phú Thọ Trần Văn Ngợi (người ký biên bản xác nhận ông Sáu có mắc một trong 17 nhóm bệnh do đi-ô-xin 10 năm trước) ký ban hành Biên bản GĐYK số 20/GĐYK-ĐCCĐHH thay thế Biên bản GĐYK số 1135/GĐYK ngày 9/12/2010. Tại biên bản này, ông Sáu được xác định mắc “ung thư vòm họng” không thuộc 1 trong 17 bệnh có liên quan phơi nhiễm chất độc đi-ô-xin. Tỷ lệ tổn thương cơ thể là 0%.
Từ các căn cứ trên, ngày 24/8/2020, Sở LĐTB&XH tỉnh Phú Thọ ra quyết định đình chỉ trợ cấp hằng tháng người bị nhiễm chất độc hóa học đối với ông Sáu từ ngày 1/9/2020; thực hiện truy thu số tiền trợ cấp cho ông Sáu là 196.077.000 đồng (từ ngày 1/4/2011 đến 31/8/2020). Được biết, tại Phú Thọ ngoài ông Sáu, có 13 trường hợp khác bị nhiễm chất độc hóa học bị đình chỉ và thu hồi số tiền đã trợ cấp hằng tháng.
Sai sót về chuyên môn
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Trần Văn Ngợi thừa nhận, Hội đồng GĐYK tỉnh Phú Thọ (năm 2010) có sai sót. Khi đó, trung tâm chưa có giám định viên nên bác sỹ tự xem hồ sơ, dựa trên trình độ chuyên môn đưa ra đề xuất.
Ông Ngợi cho biết, theo quy định, Hội đồng GĐYK có quyền thu hồi để hủy bỏ hoặc thay thế biên bản GĐYK thuộc thẩm quyền ban hành khi phát hiện biên bản GĐYK của mình không phù hợp quy định của pháp luật tại thời điểm khám giám định và ban hành.
Đại diện Sở LĐTB&XH Phú Thọ cho biết, hiện tại chưa có chế tài, quy định rõ ràng bắt buộc, cưỡng chế trả lại số tiền như nêu trên. Đối với trường hợp ông Sáu, Sở mới có văn bản thông báo dừng chi trả trợ cấp người bị nhiễm chất độc hóa học. Tuy nhiên, ngày 1/10, UBND phường Tân Dân đã tổ chức làm việc, thông báo đình chỉ trợ cấp, có biện pháp thu hồi số tiền trên. Ông Sáu cho hay, dù đã trình bày hoàn cảnh khó khăn, không đồng ý nhưng tháng vừa qua tiền lương thương binh của ông đã bị giữ lại, không được chi trả.