Từ vụ nữ sinh ngân hàng bị sát hại: Cần chế tài mạnh hơn với người nghiện ma túy

Hàng trăm người dân theo dõi tìm kiếm thi thể nữ sinh bị sát hại ở Thường Tín (Hà Nội)
Hàng trăm người dân theo dõi tìm kiếm thi thể nữ sinh bị sát hại ở Thường Tín (Hà Nội)
TP - Gần đây, nhiều vụ trọng án xảy ra có nguyên nhân sâu xa từ tình trạng nghiện ma túy của tội phạm. Nhiều ý kiến cho rằng cần áp dụng chế tài mạnh hơn đối với người nghiện. 

Những ngày gần đây, dư luận hết sức căm phẫn và tỏ ra lo ngại khi hàng loạt vụ án liên quan đến các đối tượng nghiện ma túy gây ra. Điển hình là vụ nữ sinh năm thứ nhất Học viện Ngân hàng bị sát hại, cướp tài sản xảy ra tại huyện Thường Tín, TP Hà Nội.

Tối 23/10, trên đường đi học về, nữ sinh Trần Thúy Hiền (SN 2002, trú tại xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín) đang nghe điện thoại ven đường thì bị hai đối tượng nghiện ma túy tìm cách sát hại để cướp chiếc xe đạp điện và điện thoại. Điều đáng nói, một trong hai đối tượng đã nhẫn tâm dìm chết nữ sinh dưới sông Nhuệ bỏ mặc lời van xin tha mạng của nạn nhân, bởi mục đích chỉ để có tiền thỏa mãn "cơn khát" ma túy của bản thân.

Ông Trần Trung Úy (bố nạn nhân Hiền) khi tìm thấy thi thể con gái đã hết sức căm phẫn nói rằng: “Nếu cơ quan công an đã tìm ra thủ phạm cần xử lý nghiêm minh trước pháp luật. Còn để những sự việc tương tự xảy ra thì con em chúng ta lúc đi làm, đi vui chơi vào đêm tối sẽ rất nguy hiểm…”.

Đại tá Nguyễn Thanh Tùng - Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội, người trực tiếp chỉ đạo điều tra vụ án chia sẻ: Chỉ có một chiếc xe đạp điện trị giá 2,8 triệu đồng và 1 chiếc điện thoại trị giá 500 nghìn đồng mà đối tượng đã tấn công nạn nhân, đẩy xuống bờ sông. Khi nạn nhân kêu thét xin tha nhưng kẻ thủ ác vẫn nhảy theo để dìm chết giữa đoạn sông Nhuệ, lấy tài sản mang bán để có tiền mua ma túy sử dụng.

Không chỉ hại người ngoài, những đối tượng nghiện ma túy còn sát hại cả chính những người thân trong gia đình hay hàng xóm láng giềng. Mới đây, tháng 8/2020, TAND tỉnh Thái Nguyên tuyên phạt bị cáo Hoàng Văn Chín (SN 1976, trú tại xã Sơn Phú, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên) án tử hình về tội "Giết người". Theo cáo trạng, Chín là đối tượng nghiện ma túy. Sáng 26/12/2019, sau khi xảy ra mâu thuẫn với vợ, đối tượng đã dùng hung khí chém vợ cùng người khác là người thân, hàng xóm tử vong.

Quản lý tốt người nghiện bằng cách nào?

Dẫn lời Bộ trưởng Bộ Công an, đại tá Nguyễn Thanh Tùng nói, “tội phạm ma túy là nguồn gốc, là nguyên nhân của các loại tội phạm khác”. Theo ông Tùng, hiện nay, Quốc hội cũng có rất nhiều quan điểm về biện pháp, phương pháp và cách xử lý đối với người nghiện. Tuy nhiên, việc quản lý người nghiện cần có một chế tài mạnh hơn.

“Nếu đối tượng nghiện giảm đi, tôi chắc chắn tội phạm, tệ nạn xã hội sẽ giảm. Chính vì vậy, Chính phủ, Bộ Công an đang đề nghị Quốc hội cần có chế tài, biện pháp và phương pháp xử lý, hạn chế thấp nhất các đối tượng nghiện ma túy gây họa cho xã hội” - đại tá Tùng thông tin.

Cùng quan điểm, luật sư Nguyễn Thanh Tùng - Cty Luật ICC cho rằng, vụ nữ sinh bị sát hại vừa qua đã một lần nữa nhắc lại cho chúng ta thấy tác hại của tệ nạn ma túy đối với xã hội. “Giờ đây có thể người dân cảm thấy bất an hơn trước việc sống chung với người nghiện, mặc dù việc những người nghiện đi lang thang, tụ tập ngoài đường trước đây đã diễn ra thường xuyên”, luật sư Tùng nói.

“Bộ luật Hình sự sửa đổi bổ sung năm 2009 đã bỏ xử lý hình sự đối với người nghiện ma túy. Do vậy, người dân mong muốn chính quyền phải có biện pháp quản lý chặt chẽ, mạnh tay hơn nữa để những sự việc đau lòng, đáng tiếc không còn tái diễn trong tương lai” - luật sư Tùng chia sẻ.

Theo luật sư Tùng, việc cai nghiện tự nguyện tại gia đình hoặc cộng đồng đạt hiệu quả rất thấp và không hề dễ dàng. Còn nếu đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hiện nay đang yêu cầu người nghiện phải đáp ứng những điều kiện nhất định như tái nghiện nhiều lần hoặc không có nơi cư trú. Và sẽ tồn tại những người nghiện trong khoảng trống giữa hai biện pháp cai nghiện tự nguyện và bắt buộc này.

“Chính những khoảng trống đó, nếu không quản lý, hạn chế việc đi lại hoặc thậm chí là cách ly những người nghiện này xác suất họ phạm tội để đạt mục đích có tiền sử dụng ma túy sẽ rất cao. Chưa kể đến những vụ phạm tội man rợ, vô nhân tính do người nghiện bị ảo giác sau khi sử dụng các loại ma túy tổng hợp” - luật sư Tùng nói.

Cũng theo luật sư Tùng, cần áp dụng các biện pháp thống nhất như cai nghiện tập trung, bắt buộc tại cơ sở cai nghiện, đồng thời bãi bỏ hình thức cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng. Đơn giản hóa về căn cứ để áp dụng biện pháp đưa đi cai nghiện bắt buộc. Chỉ cần phát hiện người có sử dụng ma túy, không phân biệt là nghiện lần thứ mấy, có nơi cư trú hay không bởi những yếu tố này không hề loại trừ tính nguy hiểm của tệ nạn ma túy hay của người nghiện ma túy…

“Tuyệt đối không thể để người nghiện ma túy sống chung trong cộng đồng và đi lại tự do như hiện nay. Tôi chắc chắn rằng 100% người dân khi được hỏi sẽ trả lời là họ không muốn trong khu phố của mình có xuất hiện 1 người nghiện ma túy” - luật sư Tùng nói.

Thượng tá Ngô Thanh Bình, Phó cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về mà túy (C04- Bộ Công an) cho biết, từ trước đến nay, trong Luật Phòng chống ma túy chúng ta đã “bỏ ngỏ” đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy. Đối với các hành vi sử dụng trái phép chất ma túy chỉ xử phạt từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng khi không xác định được người nghiện; còn nếu xác định đây là đối tượng nghiện sẽ áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc hoặc đưa đi điều trị.

"Hiện nay có cơ chế, chính sách xã hội hóa tạo mọi điều kiện khuyến khích người nghiện tham gia cai nghiện hoặc điều trị thuốc được khai thác triệt để, phù hợp với tình hình sử dụng trái phép chất ma túy. Đồng thời có những ưu đãi cho các đơn vị tham gia vào việc tổ chức cai nghiện tự nguyện giúp người nghiện ma túy"- thượng tá Bình chia sẻ.

MỚI - NÓNG