Từ vụ giáo viên lạnh nhạt: Trường học cần gì ở một người hiệu trưởng?

Những ngày qua, câu chuyện một nữ sinh bật khóc khi nhắc đến giáo viên dạy Toán “suốt một học kỳ không nói câu nào với học sinh, khiến tụi em phải tự học, tự làm bài tập”, tại buổi đối thoại giữa lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM với 110 học sinh tiêu biểu của TP diễn ra hồi cuối tuần trước, đã thu hút chú ý của nhiều người trong và ngoài ngành giáo dục.

Xác nhận với báo chí, ông Bùi Minh Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Long Thới (huyện Nhà Bè) - đơn vị xảy ra câu chuyện nói trên, cho biết trường đã làm việc với Sở GD-ĐT về sự việc này.

Được biết cô giáo mà nữ sinh này nhắc đến trước đây từng công tác tại Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (quận 4). Đầu năm 2012, cô từng nhận quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo với lý do có lời lẽ không đúng mực, gây ảnh hưởng tới môi trường sư phạm.

Sau đó, Sở GD-ĐT đồng ý cho cô chuyển công tác về Trường THPT Long Thới theo nguyện vọng. Sự việc học sinh phản ảnh cô không giảng bài là có thật, và đã diễn ra từ tháng 11-2017. 

Trả lời câu hỏi tại sao để sự việc không hay kéo dài đến thế, hiệu trưởng nhà trường cho biết không nhận được bất kỳ phản ánh nào từ giáo viên, học sinh, cũng như tổ chuyên môn, cho đến khi có học sinh nói ra tại buổi đối thoại.

“Chúng tôi đã làm việc với cả giáo viên và học sinh. Phần đông ý kiến các em không muốn trường đổi giáo viên khác dạy môn Toán. Riêng về phía cô giáo cũng đã hứa sẽ thay đổi, cởi mở, thân thiện hơn với học trò để tương tác tốt hơn với các em. Nhà trường sẽ tổ chức họp để đưa ra biện pháp xử lý phù hợp trên quan điểm không bao che, ai làm sai thì sẽ phải chịu trách nhiệm”, ông Bình cho biết.

Câu chuyện xảy ra khiến nhiều người đặt câu hỏi hiệu trưởng ở đâu khi học sinh phải đơn độc xử lý khó khăn các em gặp phải với giáo viên? Lẽ nào trong tất cả các kênh phản ảnh ở trường như hộp thư “Điều em muốn nói”, phản ảnh qua giáo viên chủ nhiệm, giáo viên tư vấn tâm lý đều không thể giúp các em giải tỏa được uất ức đến mức phải bật khóc tại buổi đối thoại? Nếu không có buổi đối thoại mỗi năm chỉ tổ chức một lần đó thì liệu những bức xúc này có được giải quyết? 

Trong vụ giáo viên phải quỳ gối xin lỗi phụ huynh ở Trường Tiểu học Bình Chánh (tỉnh Long An), cô giáo này đã gửi tín hiệu cầu cứu đến hiệu trưởng nhưng vị này bỏ ra ngoài, khiến cô giáo tội nghiệp một mình đối mặt với cơn thịnh nộ của phụ huynh. Sự việc này từng khiến dư luận rất phẫn nộ. 

Làm giáo viên đã khó, làm sao để “tròn vai” hiệu trưởng càng khó hơn. Mâu thuẫn giữa các thành viên trong một tập thể ở đâu cũng có, nhưng một người thuyền trưởng vững vàng phải là người có đầy đủ cả hai yếu tố lương tâm và trách nhiệm. Chỉ khi hiệu trưởng làm được điều đó, mới không xảy ra những chuyện đáng buồn như thời gian qua.

Theo Theo Sài Gòn Giải Phóng
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.