'Tư vấn dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng không chuyên nghiệp'

TPO - Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng công ty TNHH tư vấn xây dựng Meinhardt Việt Nam, một trong ba thành viên trong liên danh Tư vấn giám sát hợp đồng dự án chống ngập 10.000 tỷ, không phải là một nhà tư vấn chuyên nghiệp.

Trao đổi với báo chí ngày 4/10, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia, Chủ tịch Hội Trọng tài Thương mại TPHCM cho rằng, công ty TNHH Tư vấn xây dựng Meinhardt Việt Nam (công ty Meinhardt), một trong ba thành viên trong liên danh Tư vấn giám sát hợp đồng (TVGSHĐ) Dự án Giải quyết ngập do triều có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu, giai đoạn 1, không phải là một nhà tư vấn chuyên nghiệp.

“Những biểu hiện vừa qua cho thấy Meinhardt Việt Nam không phải là một nhà tư vấn chuyên nghiệp”, ông Hậu nhận xét.

Theo chuyên gia này, công ty Meinhardt không trung thực ngay từ đầu. Quá trình ký hợp đồng thực hiện gói thầu TVGSHĐ, các thành viên trong liên danh, trong đó có công ty Meinhardt, có bản cam kết không bị kết luận phá sản và có nợ không có khả năng chi trả bởi theo quy định của Luật Đấu thầu, các đơn vị dự thầu không được có nợ quá hạn.

Theo LS Hậu, Luật phá sản quy định các khoản nợ từ ba tháng trở lên tính từ thời điểm phải trả là mất khả năng thanh toán. Nếu căn cứ vào các quy định trên, công ty Meinhardt đã có nợ mất khả năng thanh toán tại thời điểm ký bản cam kết. Cụ thể: Cục thuế TPHCM có văn bản xác định công ty này còn nợ gần 28 tỷ đồng. Cơ quan BHXH cũng thông báo còn nợ tiền BHXH hơn 4 tỷ. Chưa kể, công ty Meinhardt còn nợ Cục Thuế Hà Nội hơn 33 tỷ.

'Tư vấn dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng không chuyên nghiệp' ảnh 1 Siêu dự án chống ngập mắc cạn nửa năm qua 

“Như vậy, công ty Meinhardt đã mất khả năng thanh toán. Do đó, ngoài những hành vi như không trung thực, không cung cấp những hồ sơ cần thiết cho bên mời thầu thì công ty này còn vi phạm cam kết”, ông Hậu phân tích và nói thêm, công ty Meinhardt không còn đủ uy tín, đang vi phạm pháp luật về thuế, nợ BHXH của những người làm công ăn lương thì không thể hành nghề tư vấn pháp luật.

“Mình không làm chặt chẽ từ đầu nên bây giờ dự án đang tắc. Lẽ ra, thành phố nên buộc tư vấn phải ký quỹ. Nếu TVGSHĐ làm sai, gây thiệt hại thì có điều kiện bồi thường. Trường hợp Meinhardt, bây giờ có kiện ra tòa chưa chắc họ có khả năng bồi thường vì đang còn nợ thuế rất nhiều”, ông Hậu phân tích.

Trước đó, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đã yêu cầu Sở Tư pháp TPHCM chủ trì phối hợp với Cục Thuế TPHCM làm rõ và có ý kiến cụ thể về việc công ty Meinhardt nợ thuế kéo dài có đủ tư cách để thực hiện các hợp đồng tư vấn hay không.

 
'Tư vấn dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng không chuyên nghiệp' ảnh 2 Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM, Chủ tịch Hội Trọng tài thương mại TPHCM
 
Chính phủ chỉ đạo TPHCM giải quyết

Trong công văn hỏa tốc gửi UBND TPHCM 4/10, Văn phòng Chính phủ đã truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, chỉ đạo UBND TPHCM phải có trách nhiệm giải quyết vướng mắc của dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng. Dự án do UBND TPHCM là cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định đầu tư. Do đó, UBND TPHCM chịu trách nhiệm toàn diện về việc đầu tư và hiệu quả của dự án.

Việc tổ chức triển khai thực hiện dự án trên và giải quyết các vướng mắc trong quá trình thưc hiện dự án là thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của UBND TPHCM. Chủ tịch UBND TPHCM cần tập trung chỉ đạo, kịp thời giải quyết các vướng mắc để triển khai thực hiện dự án đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả, không để xảy ra thất thoát, lãng phí trong quá trình thực hiện.

Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hâu - giai đoạn 1 sau khi hoàn thành sẽ kiểm soát tình trạng ngập do triều cường cho khu vực 750 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TPHCM.

Dự án do Tập đoàn Trung Nam làm chủ đầu tư đã bị ngừng thi công 5 tháng, do không được giải ngân vay vốn. Giữa chủ đầu tư và đơn vị tư vấn giám sát hợp đồng cũng liên tục bất đồng quan điểm.

MỚI - NÓNG
Sắp có 100.000 ha lúa chất lượng cao ở Kiên Giang
Sắp có 100.000 ha lúa chất lượng cao ở Kiên Giang
TPO - Tỉnh Kiên Giang đặt mục tiêu, đến năm 2025 triển khai Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đạt 100.000 ha, tăng lên gấp đôi đạt 200.000ha vào năm 2030.