Ai có thể là người tư vấn cho trẻ nhiễm HIV?
Người tư vấn cho trẻ em nhiễm HIV có thể là người chăm sóc trẻ như: Bố, mẹ, ông, bà, người giúp việc, thầy cô giáo đang trực tiếp chăm sóc trẻ hàng ngày; người bảo trợ cho trẻ là cán bộ, nhân viên y tế, cán bộ chăm sóc tại nhà, người hỗ trợ trẻ; trẻ em vị thành niên có cùng hoàn cảnh và cùng tuổi với trẻ nhiễm HIV (tư vấn đồng đẳng). Để có thể tư vấn, trẻ vị thành niên cần được tập huấn để trở thành tư vấn viên đồng đẳng.
Tùy theo độ tuổi và nhận thức của trẻ, người tư vấn có những hình thức và nội dung thích hợp. Có một số hình thức mà người tư vấn cần áp dụng khi tư vấn đó là: Tư vấn trực tiếp (là hình thức tư vấn mặt đối mặt với trẻ nhiễm HIV).
Trong tư vấn trực tiếp, lại chia ra thành các hình thức tư vấn trực tiếp cá nhân từng trẻ hay tư vấn theo nhóm...; tư vấn qua điện thoại, qua thư, Internet là những hình thức thường gặp. Hình thức này thích hợp với trẻ lớn như thanh thiếu niên, nhất là hiện nay các phương tiện này khá dễ dàng tiếp cận với giới trẻ.
Trong quá trình tư vấn về HIV/AIDS, người tư vấn sẽ động viên, khuyến khích người được tư vấn, bày tỏ những vấn đề mà họ đang đối mặt trên cơ sở lắng nghe và đồng cảm với họ để từ đó giúp họ nhận biết những suy nghĩ, tình cảm, hành vi, tình trạng... của họ một cách rõ ràng hơn, giúp họ tự tin hơn khi đưa ra các quyết định hay kế hoạch giải quyết và hành động theo những quyết định/kế hoạch đó. Vì thế, tư vấn không phải chỉ đơn thuần là khuyên bảo khách hàng nên làm gì, mà là một quá trình giúp khách hàng nâng cao nhận thức và tính tự tin để tự giải quyết vấn đề của chính bản thân họ.
Người tư vấn cho trẻ nhiễm HIV: Cần có kiến thức về HIV và tâm sinh lý của trẻ
Người tư vấn không chỉ cần có kiến thức tốt về HIV/AIDS mà còn cần có kiến thức, hiểu biết về sự phát triển tâm sinh lý của trẻ cũng như các kiến thức về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục; có các kỹ năng tư vấn như kỹ năng như lắng nghe, quan sát, đặt các câu hỏi cho trẻ, thấu cảm, quan tâm, động viên khuyến khích trẻ nói lên những điều các em thắc mắc.
Phải tôn trọng trẻ, bởi dù còn nhỏ các em cũng cần được tôn trọng. Do vậy, người tư vấn phải luôn thể hiện sự gần gũi, thân thiện, quan tâm và yêu thương trẻ, không tỏ thái độ thương hại, chỉ trích, phê phán hay áp đặt theo ý kiến chủ quan của mình.
Một đức tính người tư vấn cần có nữa, đó là kiên nhẫn, bởi việc tư vấn cho trẻ thường cần nhiều thời gian hơn người lớn, do đó cần phải kiên trì và nhiệt tình với trẻ. Việc bảo mật các thông tin cá nhân của trẻ cần là vô cùng cần thiết và phải được giữ bí mật theo đúng quy định.
Trong nhiều trường hợp người tư vấn cần kiềm chế cảm xúc của mình, nhất là khi làm việc với trẻ bị lạm dụng, mồ côi cha mẹ. Người tư vấn không nên dùng những kinh nghiệm bản thân về văn hóa, truyền thống, tín ngưỡng của mình để gây ảnh hưởng hoặc áp đặt cho trẻ.
Tư vấn là một hình thức giao tiếp đặc biệt, do đó người tư vấn là ai cũng cần đảm bảo một số nguyên tắc sau: Cần tạo ra và duy trì mối quan hệ tốt với trẻ ngay từ ban đầu. Tạo ra sự gần gũi, thân thiện giúp trẻ dễ dàng thổ lộ vấn đề, nhu cầu của mình.
Xác định đúng nhu cầu và nguyện vọng của trẻ. Đồng cảm với trẻ, lắng nghe để thấu hiểu trẻ, giúp xác định rõ nhu cầu của trẻ để đáp ứng thông tin, cung cấp giải pháp phù hợp nhất. Cung cấp đủ thông tin và nguồn hỗ trợ cho trẻ, từ đó giúp trẻ lựa chọn cách giải quyết vấn đề hiệu quả nhất.
Đặt lợi ích của trẻ là trọng tâm. Cần tôn trọng nhân phẩm và sự lựa chọn của trẻ, không áp đặt. Chân thành, cởi mở, tôn trọng trẻ, tôn trọng quyết định của trẻ.
Tạo điều kiện và khuyến khích tính chủ động và sự tham gia tối đa của trẻ. Khuyến khích sự tham gia của trẻ vào buổi tư vấn nhằm phát huy tiềm năng của trẻ, tư vấn cho trẻ đôi khi cần nhiều thời gian và sự kiên trì hơn là tư vấn cho người lớn. Giữ bí mật thông tin cá nhân và bảo đảm tính riêng tư khi tư vấn theo đúng nguyên tắc.