Tụ tập, quậy phá làm xấu hình ảnh Việt Nam

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm tiếp xúc cử tri quận Thủ Đức. Ảnh: H.T.
Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm tiếp xúc cử tri quận Thủ Đức. Ảnh: H.T.
TP - Đó là ý kiến của nhiều cử tri quận 9 tại buổi tiếp xúc với Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm và Tổ Đại biểu Quốc hội đơn vị 7, Đại biểu HĐND TPHCM đơn vị 26 để báo cáo kết quả kỳ họp thứ 5 của Quốc hội và chương trình kỳ họp thứ 9 HĐND TPHCM diễn ra chiều 22/6.

Gây rối, đập phá không thể là hành động yêu nước

Hôm xảy ra những vụ lộn xộn, ông Trần Lịch (phường Tăng Nhơn Phú B) có mặt ở ngay Nhà thờ Đức Bà, thấy đoàn người tụ tập đi trên đường rất đông. Ông cũng muốn đi theo, nhưng tự mình không cho phép.

Cử tri Trần Lịch cho rằng ngay ở các nước được cho là có “dân chủ, nhân quyền”, nếu người dân biểu tình không đúng thì bị xử lý thẳng tay theo pháp luật. Mọi hành vi trong xã hội đều phải được điều chỉnh bằng luật pháp. Tụ tập đông người rồi kích động đập phá như vừa qua đã diễn ra tại một số địa phương cần phải xử lý nghiêm.

“Trước kỳ họp vừa qua, lẽ ra các đại biểu đi tiếp xúc cử tri và giải thích cho người dân rõ thì chắc chắn lòng yêu nước của nhiều người sẽ không bị các đối tượng thù địch lợi dụng. Nhưng chúng ta đã không dự báo được tình hình xảy ra. Chúng ta đã không hướng được lòng yêu nước của tất cả nhân dân đi đúng hướng, thậm chí để họ bị lợi dụng đập phá tài sản của nhà nước và nhân dân. Việc này tôi thấy có một phần trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội”, ông Lịch bày tỏ.

Cử tri Nguyễn Duy Nhiên (phường Long Thạnh Mỹ) đồng tình: “Đập phá, cản trở gây tê liệt giao thông khiến nhiều người bị trễ chuyến bay không thể coi là hành động yêu nước. Tôi không đồng tình với cách hiểu người dân yêu nước nhưng bị kẻ xấu lợi dụng. Yêu nước thì không bao giờ làm những việc gây hại cho đất nước, làm xấu hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè thế giới”.

Theo một số cử tri, Việt Nam trong mắt bạn bè thế giới là một quốc gia thân thiện, an toàn và an ninh, dù đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh khốc liệt. Các nguyên thủ quốc gia như Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Canada, Australia… khi đến Việt Nam có thể tự do chạy bộ ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (TPHCM) hay đến các nhà hàng, quán ăn bình dân ở Hà Nội để thưởng thức mà không cần các biện pháp bảo vệ đặc biệt.

Nhiều trăn trở về dự luật đặc khu

Một số cử tri cho rằng đặc khu kinh tế là vấn đề mới, nhạy cảm. Nếu cơ quan soạn thảo dự luật này thông báo đầy đủ để dân biết dân bàn, tranh thủ sự đồng tình của dân thì sự việc đáng tiếc vừa qua sẽ không xảy ra.

Cử tri đề nghị làm rõ đối với dự luật đặc khu kinh tế, cơ quan soạn thảo phải thông báo cho người dân biết luận chứng cho thuê đất 70 năm hay 99 năm thì sẽ được gì, mất gì, các nhà đầu tư có được quyền chuyển nhượng đất trong đặc khu kinh tế hay không. Bởi nếu được quyền chuyển nhượng thì những nước giàu, mạnh sẵn sàng bỏ tiền và biến đặc khu kinh tế trở thành lãnh địa của họ.

Cử tri Nguyễn Văn Nghĩa (phường Hiệp Phú) lo lắng: Thời gian cho thuê đất kéo dài, nhà đầu tư có quyền đem công dân sang làm ăn, lấy vợ, lấy chồng với người Việt rồi sinh con đẻ cái ba bốn đời. Khi hết hạn mình có cưỡng chế họ về nước không, họ có giao cho mình toàn bộ cơ sở kinh tế hay mình phải mua lại và mua lại người ta không muốn bán thì sao?

Sáng cùng ngày, tiếp xúc với cử tri quận Thủ Đức, các đại biểu cũng nhận được nhiều ý kiến băn khoăn về dự luật đặc khu. Cử tri Nguyễn Văn Thưởng (phường Hiệp Bình Chánh) đánh giá cao việc Quốc hội chưa thông qua dự thảo Luật đơn vị Hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc (gọi tắt là Luật Đặc khu) vì chưa được tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân trước khi trình Quốc hội.

Theo ông Thưởng, dự án Luật Đặc khu hiện nay vẫn khiến nhiều người băn khoăn, trong đó có cả cán bộ lão thành cách mạng và nhân sỹ trí thức về sự quá cởi mở về giải quyết tranh chấp trong hoạt động đầu tư kinh doanh, về quản lý lao động người nước ngoài, điều kiện nhập cảnh vào đặc khu Vân Đồn…

Trả lời các cử tri, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cho hay, Quốc hội đã dừng lại, chưa thông qua dự thảo Luật Đặc khu trong kỳ họp này do một số nội dung của dự luật, ý kiến đại biểu còn khác nhau.

Chủ tịch HĐND TPHCM cũng nhìn nhận công tác thông tin nội dung các dự thảo luật chưa kịp thời, sâu rộng. Thành ủy TPHCM cũng nhận thấy trách nhiệm công tác tuyên truyền chưa kịp thời, thiếu đồng bộ. Sau sự cố một số đối tượng tập trung đông người tuần hành gây rối, TPHCM đã rút kinh nghiệm và khắc phục ngay.

“Việc tạm dừng là để có thêm thời gian lắng nghe ý kiến của người dân, chuyên gia, nhà khoa học có nhiều kinh nghiệm giúp các đại biểu Quốc hội có chính kiến trong việc ấn nút thông qua”.

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm

MỚI - NÓNG