Bao giờ mới tìm ra nguyên nhân?
Tây Nguyên vốn được xem là khu vực có hoạt động địa chất tương đối ổn định. Dữ liệu của Viện Vật lý địa cầu cũng cho thấy, từ năm 1903 đến 2020, khu vực này chỉ ghi nhận trên 30 trận động đất, trận mạnh nhất có độ lớn 3.9. Tuy nhiên mọi thứ đã thay đổi lớn từ tháng 4/2021, sau khi thủy điện Thượng Kon Tum tích nước, huyện Kon Plông trở thành điểm nóng về động đất trên cả nước với hàng trăm trận động đất ghi nhận trong hơn 3 năm qua.
Xã Đăk Tăng là một trong các địa phương thuộc vùng tâm chấn của động đất |
Kon Plông rộng chỉ 1.371km2, đây là huyện có “viên ngọc” quý Măng Đen. Phải khẳng định rằng thị trấn Măng Đen có nổi tiếng được như bây giờ nhờ rừng, thiên nhiên ít bị tác động bởi con người nên còn hoang sơ. Thế nhưng, theo thống kê của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Kon Tum cho thấy, Kon Plông có tới 6 công trình thuỷ điện, trong đó có 3 công trình có hồ chứa lớn là thuỷ điện Thượng Kon Tum (220MW), thuỷ điện Đăk Đrinh (125MW), thuỷ điện Đăk Re (60MW); 3 thuỷ điện có đập, hồ chứa nhỏ khác. Chưa kể, vùng đất này còn phải tải thêm 125 công trình thủy lợi, 2 hồ chứa, 23 đập dâng.
Người dân xã Đăk Rinh ở trong những căn nhà sàn nhiều năm tuổi |
Riêng từ đầu năm 2024 đến nay, khoảng 200 trận động đất đã xảy ra, tâm chấn ở huyện Kon Plông, trong đó trận mạnh nhất độ lớn lên tới 5.0, làm rung chuyển cả Tây Nguyên, nhiều tỉnh lân cận ở miền Trung. Trong khi đó, theo báo cáo, đập hồ chứa Đăk Đring có tính toán thiết kế động đất cấp 8, thuỷ điện Thượng Kon Tum và đập hồ chứa Đăk Re tính toán thiết kế chỉ cấp 7.
Ngay sau khi động đất liên tiếp xảy ra, một đoàn chuyên gia từ Viện Vật lý địa cầu đã đến khảo sát, đánh giá. Theo nhận định ban đầu của các nhà khoa học, động đất khu vực huyện Kon Plông, Kon Tum là động đất kích thích gây ra do hồ chứa. Tuy nhiên, để khẳng định nguyên nhân phát sinh, có cơ sở để dự báo xu thế hoạt động, cường độ của động đất trong tương lai nhằm đánh giá khả năng gây thiệt hại cho các công trình dân sinh và thuỷ điện cần có những khảo sát, quan trắc, nghiên cứu chi tiết về địa chất kiến tạo, chế độ địa chấn trong khu vực Kon Tum cũng như lân cận.
Các nhà khoa học cho biết thêm, các kết quả nghiên cứu trước đây về chế độ kiến tạo, hoạt động động đất tại khu vực Kon Tum và lân cận chưa đủ độ chi tiết để có thể đánh giá về nguyên nhân, mức độ nguy hiểm của động đất đối với các công trình dân sinh cũng như thuỷ điện. Đồng thời, chưa có những nghiên cứu chi tiết về động đất kích thích trong khu vực.
Theo TS Nguyễn Xuân Anh, Giám đốc Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, việc phát sinh động đất kích thích phụ thuộc vào nhiều yếu tố như địa chấn kiến tạo, thủy văn, cần có các nghiên cứu chuyên sâu mới đánh giá được. Riêng với hoạt động hồ chứa cần làm rõ nhiều nội dung như mực nước, tốc độ tích nước, tổng lượng nước tác động đến động đất như nào.
Để triển khai các nghiên cứu trên, mới đây, hệ thống 11 trạm quan trắc trong khu vực đã được lắp đặt và đưa vào sử dụng. Bộ Khoa học và Công nghệ cũng phê duyệt đề tài nghiên cứu về động đất kích thích trong khu vực, đang triển khai. Theo TS Nguyễn Xuân Anh, đây sẽ là cơ sở để làm rõ hơn các vấn đề liên quan động đất kích thích ở khu vực này trong thời gian tới.
Quân đội vào cuộc
Trước tình hình động đất liên tiếp xảy ra ở Kon Plông, giữa tháng 8, Thiếu tướng Nguyễn Quốc Hương - Phó Tư lệnh Quân khu 5 và ông Nguyễn Hữu Tháp- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum trực tiếp đến khảo sát, kiểm tra tại các khu vực động đất trên địa bàn huyện Kon Plông.
Sau khi kiểm tra thực tế, đoàn đã tổ chức hội nghị đánh giá tình hình, triển khai công tác ứng phó với động đất trên địa bàn huyện Kon Plông. Hội nghị tiếp tục thảo luận xác định nguyên nhân, đề xuất phương án, giải pháp, xây dựng kế hoạch phối hợp trong công tác phòng, chống động đất; kịp thời triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ, ứng cứu người dân khi động đất lớn xảy ra.
Cũng tại hội nghị này, Phó Tư lệnh Quân khu 5 đề nghị UBND tỉnh Kon Tum tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, địa phương liên quan nghiêm túc triển khai các chỉ đạo của Trung ương và tỉnh. Đặc biệt, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kỹ năng ứng phó với động đất cho người dân và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để dự báo, cảnh báo thảm họa. Thiếu tướng giao Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tiếp tục khảo sát, nghiên cứu, tham mưu hướng tiếp cận đường cơ động vào khu vực tâm chấn và các khu vực lân cận tại huyện Kon Plông; xây dựng kế hoạch, phương án, kịch bản ứng cứu, chuẩn bị tốt nhất phương tiện, lực lượng khi cần chi viện. Đồng thời, Thiếu tướng Nguyễn Quốc Hương yêu cầu các đơn vị trực thuộc Quân khu 5 phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, địa phương của tỉnh Kon Tum hỗ trợ xây dựng phương án phòng, chống, ứng phó với động đất sát thực tế; tổ chức tập huấn kỹ năng, diễn tập ứng cứu cho các đơn vị, địa phương liên quan và người dân...
Ông Nguyễn Hữu Tháp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho biết, thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cơ quan liên quan và huyện Kon Plông thực hiện nghiêm các biện pháp ứng phó động đất. Đồng thời, UBND tỉnh đã tổ chức kiểm tra, chỉ đạo huyện kiểm tra nắm tình hình, đánh giá thiệt hại, ảnh hưởng của động đất đến nhà ở của người dân và công trình cơ sở hạ tầng; kịp thời khắc phục các sự cố để bảo đảm an toàn cho người và tài sản; sẵn sàng nhân lực, vật tư, phương tiện để ứng phó khi có tình huống xảy ra; thông tin kịp thời về động đất và dư chấn do động đất, hướng dẫn kỹ năng ứng phó, ổn định tâm lý cho nhân dân trong vùng bị ảnh hưởng...
Theo ông Tháp, khó khăn hiện nay là các cơ quan chức năng của tỉnh không có đủ năng lực và các thiết bị, máy móc, dụng cụ chuyên dùng để đo đạc, kiểm tra, đánh giá xác định chính xác nguyên nhân gây động đất để đưa ra các giải pháp, hướng dẫn phù hợp trong phòng chống cho người dân trên địa bàn.
Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Kon Tum, khu vực nhà ở trung tâm huyện chủ yếu cấp IV, được xây dựng bằng gạch, trụ bê tông. Còn nhà ở của dân tại các thôn làng đa số làm bằng gỗ, các kết cấu liên kết với nhau bằng liên kết mềm chỉ đạt 3 cứng nên không xác định được cấp. Bởi vậy, đối với các loại công trình có kết cấu cứng khi xảy ra động đất với cấp độ lớn sẽ tạo ra hiện tượng nứt vữa, nứt bê tông, thậm chí sập đổ.