Đó là thông tin vừa được BS Phạm Đăng Trọng Tường, Phó Giám đốc Bệnh viện Da Liễu TPHCM chia sẻ. Theo đó, trong quá trình thăm khám, các bác sĩ đã gặp nhiều trường hợp bệnh nhân có những thương tổn ngoài da không phải là bệnh lý thông thường mà do bệnh nhân tự tạo ra.
Điển hình nhất là trường hợp nam bệnh nhân nhập viện thăm khám mới đây trong tình trạng lở loét da. Qua các kết quả thăm khám, xét nghiệm, các bác sĩ không ghi nhận dấu hiệu bất thường. Khai thác kỹ bệnh sử của bác sĩ từ phía người bệnh được biết, những vết loét trên da là do chính bệnh nhân dùng vật nhọn gây ra vì cho rằng “con gì bò trên da mình”.
Sau các kết quả đánh giá, các bác sĩ nhận định bệnh nhân mắc chứng tâm thần hoang tưởng tự nghĩ bản thân mình nhiễm ký sinh trùng. Nam bệnh nhân đã được chăm sóc vùng da tổn thương kết hợp với giải pháp hỗ trợ điều trị bệnh lý tâm thần. Hiện các vết thương đã liền da tình trạng sức khỏe thể chất và tinh thần của người bệnh đã có tiến triển khả quan.
BS Phạm Đăng Trọng Tường thăm khám cho bệnh nhân tại Bệnh viện Da Liễu TPHCM |
Ngoài trường hợp trên, BS Trọng Tường cho biết Bệnh viện Da Liễu cũng đã tiếp nhận nhiều trường hợp khác tự gây tổn thương cho chính mình vì vấn đề tâm lý. Một trong những trường hợp điển hình nhất là bệnh nhân nữ 48 tuổi được người nhà đưa đến khám khi cơ thể xuất hiện nhiều vết đỏ da ở các vị trí khác nhau như cổ, ngực, lưng, bụng, đùi…
Qua thăm khám, bác sĩ nhận định đây là một trường hợp viêm da tiếp xúc gây bỏng da dạng cố tình. Viêm da tiếp xúc do bệnh lý thông thường thì chỉ bị ở một vùng hoặc có thể bị nhiều chỗ nhưng vị trí bị thương sẽ mang kiểu đặc trưng với một vị trí chính và xung quanh ít hơn. Tuy nhiên, cơ thể nữ bệnh nhân xuất hiện nhiều vết bỏng, vừa có mặt trước, mặt sau, lại rải rác trên nhiều vùng cơ thể giống kiểu cố tình gây viêm da tiếp xúc, không phù hợp với đặc trưng của bỏng da do tiếp xúc với hóa chất.
Dựa trên biểu hiện lâm sàng, bác sĩ tiếp tục khai thác thông tin thì người nhà cho biết bệnh nhân có vấn đề tâm lý và đang theo dõi chuyên khoa thần kinh. Bác sĩ đã chỉ định thuốc thoa ngoài da đồng thời đề nghị người nhà đưa bệnh nhân đi tái khám chuyên khoa tâm thần để được đánh giá lại. Sau 2 tuần được hỗ trợ tích cực các thương tổn trên cơ thể bệnh nhân đã khỏi hoàn toàn.
Phân tích chuyên môn của BS Trọng Tường chỉ ra, bệnh da tự tạo là một dạng rối loạn giả bệnh, trong đó người bệnh tự gây tổn thương làn da của bản thân bằng các vật dụng sẵn có hay các loại hóa chất như a xít hoặc tiêm chích vật lạ, thuốc vào cơ thể. Các bệnh nhân bị thương tổn da có đặc điểm, hình thái, vị trí không giống bệnh thường gặp, đáp ứng điều trị kém.
Theo BS Trọng Tường: “Nếu quan sát và khai thác kỹ bệnh sử, có thể thấy người bệnh có những biểu hiện lo âu, trầm cảm hoặc các biểu hiện rối loạn tâm thần khác như hoang tưởng. Mặt khác, người bệnh có thể không ý thức việc mình làm hoặc luôn che giấu hành vi tự gây tổn thương. Ngoài các bác sĩ chuyên khoa da liễu, bệnh nhân cũng cần được các bác sĩ chuyên khoa tâm thần hỗ trợ điều trị, các chuyên gia tâm lý tư vấn thay đổi hành vi, cũng như sự quan tâm, chăm sóc của cả gia đình và xã hội”.