Nhà văn Han Kang (Hàn Quốc) trở thành người phụ nữ châu Á giành giải Nobel văn học danh giá nhất thế giới. Chiến thắng này mang tính lịch sự, đột phá về văn hóa của xứ sở Kim chi.
Thành tích của Han Kang tiếp nối giải Oscar cho phim hay nhất của Bong Joon Ho với tác phẩm Parasite (Ký sinh trùng) năm 2020, cũng như thành công vang dội của các sê-ri Squid Game (Trò chơi con mực) của Netflix và các nghệ sĩ Kpop như BTS và BlackPink.
Bước đột phá của điện ảnh Hàn Quốc
Trong một thập kỷ, đất nước này đã đầu tư tiền vào làn sóng Hàn lưu hay còn gọi là Hallyu, phim truyền hình Hàn Quốc, nhạc pop Hàn Quốc và điện ảnh Hàn Quốc, tạo nên những kỳ tích. Sự hoan nghênh của Viện Hàn lâm là bằng chứng cho thấy làn sóng văn hóa này đã ập đến Hollywood.
Dàn diễn viên của Ký sinh trùng ăn mừng tại lễ trao giải Oscar 2020 sau khi bộ phim giành giải Phim hay nhất. Ảnh: Getty. |
Với Ký sinh trùng, hạt giống thành công đã được gieo trồng từ nhiều năm về trước. Hàn Quốc là quốc gia có ngành công nghiệp điện ảnh lớn thứ năm trên thế giới về doanh thu phòng vé.
Tài năng của đạo diễn Bong Joon Ho cũng được công nhận rộng rãi nhờ Memories of murder, The host, phim khoa học viễn tưởng Snowpiercer, Okja - phim về một chú lợn khổng lồ biến đổi gen - đều mang về cho ông sự ca ngợi của giới phê bình.
Họ dàn dựng chiến lược phát hành thông minh và hiệu quả, lan tỏa nhờ hiệu ứng truyền miệng. Bong Joon Ho cũng nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ các công ty tư nhân. Đồng sản xuất của Ký sinh trùng là bà Miky Lee - phó chủ tịch của tập đoàn CJ Group của Hàn Quốc. Rất ít sự kiện truyền hình hay phim ảnh nào ở Hàn Quốc không có sự tham gia của bà.
Cùng năm, hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc cũng đã phân bổ 100 tỷ won (85 triệu USD) cho việc phát triển phim. Tuy thế, theo các chuyên gia, chính phủ, ngành công nghiệp và các tập đoàn lớn cần phải cùng nhau hợp tác để thúc đẩy những nhà sáng tạo. Đây là tiền đề quan trọng để điện ảnh Hàn Quốc có được vị thế vững chắc trong tương lai và có đủ cơ sở hạ tầng để đạt được nhiều thành công hơn nữa.
Hàn Quốc hướng tới giải Nobel
Chiến thắng của bà Han Kang được xem là điều đáng mừng, bởi đây là thời điểm các tiểu thuyết gia và nhà thơ nữ Hàn Quốc đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch thuật, mang nhiều tác phẩm đến tay độc giả quốc tế.
Mặc dù Han Kang không phải là ứng cử viên sáng giá nhất cho giải Nobel năm nay, thành công của bà không phải là chuyện ngẫu nhiên.
Nhà văn Han Kang - người Hàn Quốc đầu tiên được trao giải Nobel Văn học. |
Khoảng một thập kỷ trước, chính phủ Hàn Quốc đã bắt tay vào việc giới thiệu văn hóa Hàn Quốc ra thế giới, với mục tiêu không gì khác ngoài giải thưởng văn học hàng đầu.
Để thực hiện mục tiêu lâu dài, Bộ Văn hóa Hàn Quốc đã thành lập Viện Dịch thuật Văn học (LTI), chương trình được tài trợ nhằm giúp quảng bá văn học Hàn Quốc và thiết lập chương trình đào tạo cho các biên dịch viên chuyên nghiệp.
Những nỗ lực của viện trải dài từ việc tài trợ cho bản dịch hoàn chỉnh các tác phẩm văn học (thậm chí trước khi chúng có nhà xuất bản), đến các khoản tài trợ quảng bá cho các nhà văn Hàn Quốc đi diễn thuyết nước ngoài, đến các khoản tài trợ cho các biên tập viên quốc tế đến thăm Hàn Quốc.
Năm 2016, tờ The New Yorker đã đặt câu hỏi đầy khiêu khích: “Liệu nỗ lực lớn của chính phủ có thể mang giải Nobel Văn học đến với Hàn Quốc không?”.
Bây giờ chúng ta đã biết câu trả lời.
Nói về nguồn tài trợ hào phóng của LTI Hàn Quốc, Chad Post - người đứng đầu Open Letter, tổ chức dịch thuật văn học phi lợi nhuận tại Đại học Rochester - là một trong những biên tập viên được họ mời.
Trong chuyến đi đến Seoul vào mùa đông năm 2014, ông không chỉ gặp Deborah Smith, người sau này là biên dịch viên của Han Kang, mà còn gặp nhiều tác giả, đại lý và nhà xuất bản Hàn Quốc khác.
Kết quả, Open Letter đã ký vào bản dịch tiếng Anh của A Greater Music tác giả người Hàn Quốc Bae Suah, trở thành cuốn sách đầu tiên trong sê-ri tiếng Hàn của nhà xuất bản, được LTI Hàn Quốc tài trợ.
Hiện tượng văn hóa Kpop đã đạt đến đỉnh cao vào năm 2012 với bản hit quốc tế Gangnam Style của Psy. Ca khúc đã trở thành đại sứ văn hóa mạnh mẽ nhất của Hàn Quốc. Tuy nhiên, văn học Hàn Quốc là thế lực đáng gờm. |
Ngoài ra, Post cho biết thực ra không phải văn học Hàn Quốc cho đến bây giờ mới thu hút được sự chú ý của thế giới. Hiện tượng văn hóa Kpop Psy với bản hit Gangnam Style (2012) giúp ca sĩ này trở thành đại sứ văn hóa mạnh mẽ nhất của Hàn Quốc, hơn bất kỳ giải thưởng văn học nào có thể hy vọng thu hút được.
Tuy nhiên, văn học Hàn Quốc là một thế lực đáng gờm. Ha Seong-Nan - tác giả Hàn Quốc nổi tiếng nhất của Open Letter được Post nhận xét, những câu chuyện của bà có tâm lý rùng rợn, hấp dẫn và kỳ lạ theo đúng nghĩa đen. Ông thích tác phẩm của cả Ha Seong-Nan và Bae Suah hơn tác phẩm của Han, người đoạt giải Nobel.
“Về những đóng góp của họ cho nền văn học quốc tế, Ha và Bae có tính thử thách và sáng tạo hơn, cho ra đời nhiều cuốn sách độc đáo và hay hơn”, Post nói. Chính Post đã từ chối tác phẩm The Vegetarian của Han Kang khi người dịch của bà ban đầu giới thiệu tác phẩm này với báo chí.
Chi-Young Kim, người đã dịch nhiều tiểu thuyết Hàn Quốc sang tiếng Anh cho biết hạn chế lớn nhất là số lượng biên dịch viên. Nguồn tài trợ của chính phủ Hàn Quốc cho giáo dục văn hóa và nghệ thuật ở trường học đã giảm trong những năm gần đây.
“Chúng tôi chỉ cần nhiều dịch giả hơn để có thể truyền tải toàn bộ sự đa dạng và chiều sâu tuyệt vời của văn học Hàn Quốc sang tiếng Anh và các ngôn ngữ khác” - bà nói.
Cộng đồng văn học Hàn Quốc hy vọng chiến thắng giải Nobel của bà Han Kang giúp văn học nước này có thể thu hút sự chú ý như cách mà phim ảnh và chương trình truyền hình đã làm:
“Nhờ có phim Hàn Quốc trước tiên, mọi người đã công nhận rằng người Hàn Quốc là những người kể chuyện rất giỏi… Hàn Quốc không chỉ làm phim và nhạc, chúng tôi cũng có sự phong phú về văn học đáng kinh ngạc”.