Tạm giam 6 năm
Ngồi trực tại chốt bảo vệ một công ty trên đường Cách Mạng Tháng Tám (quận Bình Tân), ông Lê Đức Thiện (SN 1963, ngụ Bình Tân, TPHCM) rưng rưng nhớ lại năm 2006, ông bị Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an quận Bình Tân (TPHCM) khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Kết luận điều tra nêu: Tháng 3/2001, hai ông Nguyễn Văn Tấn và Lê Văn Nga cùng chuyển nhượng 7.153m2 đất tại xã Bình Hưng Hòa (huyện Bình Chánh) cho ông Nguyễn Văn Tuân. Đến tháng 7/2001, ông Tuân bán lại cho ông Mai Văn Phương. Sau đó, ông Phương phân lô và bán hết cho nhiều người khác. Tháng 4/2004, ông Thiện nhờ ông Tuân đưa đến nhà hai ông Tấn và Nga yêu cầu hai người này kí lại hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và mượn sổ đỏ. Việc này ông Phương và những người được ông Phương chuyển nhượng đất hoàn toàn không hay biết.
Ngày 29/3/2004, ông Thiện lập hồ sơ chuyển nhượng 791m2 trong lô đất trên cho Nguyễn Quốc Hoàng. Đến ngày 21/5/2004, ông Hoàng được UBND quận Bình Tân cấp sổ đỏ. Sau đó, ông Hoàng đã chuyển nhượng lô đất này cho ông Trịnh Kiên Cường với giá 1,3 tỷ đồng. Vụ việc này bị ông Phương phát hiện và có đơn tố cáo đến công an.
Sau khi vào cuộc điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an quận Bình Tân cho rằng ông Thiện đã nhờ ông Nguyễn Quốc Hoàng đứng tên giúp trên lô đất 791m2 của người khác rồi chuyển nhượng bất hợp pháp cho ông Trịnh Kiên Cường, chiếm đoạt 1,3 tỷ đồng. Tháng 2/2009, VKSND TPHCM đã ra cáo trạng truy tố ông Lê Đức Thiện về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và xác định ông Trịnh Kiên Cường là người bị hại trong vụ án.
Đơn của ông Lê Đức Thiện đề gửi Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga. Ảnh: Ngô Tùng.
Loay hoay tìm bị hại
Tháng 5/2009, TAND TPHCM đã đưa vụ án ra xử sơ thẩm lần 1, tuyên phạt ông Lê Đức Thiện 15 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và buộc ông phải bồi thường thiệt hại cho ông Trịnh Kiên Cường. Ông Thiện đã kháng cáo. Theo ông Thiện, năm 2002 giữa ông và các ông Mai Văn Phương, Mai Đình Chiến, Đoàn Văn Lý có góp vốn mua đất bán kiếm lợi nhuận.
Sau đó nhóm của ông đã mua bán 7.153m2 đất của hai ông Nguyễn Văn Tấn và Lê Văn Nga. “Do bức xúc trong việc chia lãi nên ông Nguyễn Quốc Hưng (cha ông Hoàng) cùng tôi cắt 791m2 trong lô đất để cho ông Nguyễn Quốc Hoàng đứng tên chứ không có lừa đảo ai, đây là việc tranh chấp dân sự”, ông Thiện nói.
Trong khi đó, ông Trịnh Kiên Cường cũng kháng cáo cho rằng mình không hề bị thiệt hại gì trong vụ án này, cơ quan tố tụng xác định ông là người bị hại là sai bởi ông đã mua được đất, có giấy tờ đầy đủ nên tòa phúc thẩm hủy, trả hồ sơ điều tra lại. Tháng 11/2010, VKSND TPHCM đã ra cáo trạng mới, vẫn giữ quan điểm truy tố ông Lê Đức Thiện tội danh trên.
Tuy nhiên lúc này, VKS đã thay đổi bị hại, xác định hai ông Nguyễn Văn Tấn và Lê Văn Nga (chủ lô đất) là bị hại trong vụ án. Tại phiên tòa sơ thẩm lần 2, hai ông này đều khẳng định mình không phải là bị hại vì cho rằng không bị thiệt hại gì. Lần này, TAND TPHCM tiếp tục hoãn xử, trả hồ sơ điều tra bổ sung.
Tháng 5/2012, TAND TPHCM đưa ra xử sơ thẩm lần 3 và lại tiếp tục hoãn, trả hồ sơ điều tra bổ sung tìm bị hại trong vụ án. Trong khi đó, sau khi ông Thiện bị bắt giam, theo đề nghị của cơ quan điều tra, UBND quận Bình Tân đã ra quyết định thu hồi sổ đỏ lô đất 791m2 đã cấp cho ông Nguyễn Quốc Hoàng trước đó.
Lúc này ông Cường khởi kiện UBND quận Bình Tân ra tòa vì cho rằng việc thu hồi này ảnh hưởng đến quyền lợi của ông. Tòa án quận Bình Tân bác yêu cầu của ông Cường. Ông Cường kháng cáo, cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm, chấp nhận đề nghị của ông Cường và hủy quyết định thu hồi sổ đỏ của UBND quận Bình Tân.
Cuối năm 2009, Viện trưởng VKSND Tối cao kháng nghị bản án phúc thẩm. Ngày 18/3/2010, Tòa Hành chính TAND Tối cao đã ra quyết định giám đốc thẩm số 02/2010/HC-GĐT bác kháng nghị này vì cho rằng bản án phúc thẩm là đúng pháp luật.
Phủ nhận trách nhiệm, né bồi thường?
“Do chuyển biến của tình hình, có quyết định giám đốc thẩm số 02/2010/HC-GĐT ngày 18/3/2010 của TAND Tối cao”, quyết định đình chỉ điều tra bị can nêu. Ông Thiện đã không đồng ý quyết định đình chỉ này nên đã có đơn khiếu nại lên VKSND TPHCM. Ngày 4/4/2013, VKSND TPHCM có quyết định bác đơn khiếu nại của ông Thiện vì cho rằng: “Do có sự chuyển biến của tình hình có Quyết định giám đốc thẩm số 02/2010/HC-GĐT ngày 18/3/2010 của Tòa Hành chính TAND Tối cao, dẫn đến việc các cơ quan tố tụng không thể xác định bị hại trong vụ án”. Từ đó, VKSND TPHCM kết luận việc cơ quan điều tra căn cứ vào khoản 1 điều 25 BLHS để miễn trách nhiệm hình sự cho ông Thiện là có căn cứ, đúng pháp luật.
Theo luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn Luật sư TPHCM), điểm mấu chốt trong vụ án này là không có thiệt hại xảy ra, cũng không có ai bị thiệt hại – một yếu tố bắt buộc trong cấu thành của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. VKSND TPHCM “đổ lỗi” quyết định giám đốc thẩm trên dẫn đến không thể xác định bị hại trong vụ án là vô lý.
Cầm tập hồ sơ trên tay chuẩn bị gửi đi kêu oan, khiếu nại lên cấp trung ương, ông Thiện vẫn không giấu được nỗi bức xúc, uất ức khi nhớ lại những ngày tháng bỗng dưng bị khởi tố, bắt tạm giam gần 6 năm, rồi đưa ra tòa xử đi xử lại để buộc tội ông.
“Hơn 6 năm qua, tôi đã bị oan, bị khởi tố rồi bắt giam vì tội lừa đảo mà không hề biết mình lừa ai. Vậy mà nỡ nào cơ quan điều tra, VKSND TPHCM lấy lý do chuyển biến tình hình để phủ nhận trách nhiệm và giải oan cho tôi. Tôi không những không được minh oan mà còn không thể yêu cầu họ bồi thường oan sai cho mình”, ông Lê Đức Thiện nói.
Theo luật sư Nguyễn Phi Hòa, Đoàn Luật sư TPHCM, việc cơ quan điều tra, VKSND TPHCM đã dựa vào lý do có quyết định giám đốc thẩm số 02/2010/HC-GĐT, cho rằng đó là “sự chuyển biến của tình hình” để miễn trách nhiệm hình sự cho ông Thiện là vận dụng sai luật. Theo khoản 1 điều 25 BLHS về miễn trách nhiệm hình sự do “chuyển biến của tình hình” được hiểu là sự thay đổi về chính sách pháp luật, chủ trương của Nhà nước. Việc vận dụng sai luật này dẫn đến ông Thiện sẽ không được xác định là bị oan, không được bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.