Từ nông dân tới Doanh nhân Ðoàn Văn Vươn

Ông Ðoàn Văn Vươn và đàn vịt 10 ngày tuổi (cùng tác giả).
Ông Ðoàn Văn Vươn và đàn vịt 10 ngày tuổi (cùng tác giả).
TP - Tâm huyết với nghề nông, sau 4 năm tạm giam, bị cưỡng chế hàng chục ha đầm từ chính quyền Hải Phòng, người nông dân Ðoàn Văn Vươn đã có cú “lột xác” ngoạn mục, thay đổi đến kinh ngạc.

Không quẩn quanh giữ cho được vùng đầm rộng lớn 40 ha khai phá,  ông Vươn đang viết tiếp câu chuyện đặc biệt khi chớm bước doanh nhân, với việc xây dựng chuỗi thủy sản có thương hiệu độc đáo “Vườn Biển” và dệt ước mơ làm nông nghiệp sạch.

Tôi đang cầm trên tay một tấm card visit kỳ lạ có màu xanh cổ vịt vẻn vẹn ghi dòng chữ: Ðoàn Văn Vươn - Nông dân; số điện thoại: 0903… Kỳ lạ hơn ở chỗ đây chính là người đàn ông đã “bày trận” chống lại vụ cưỡng chế thu hồi đất của chính quyền huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) năm xưa vốn ùng oàng khói lửa như trong phim. Còn hôm nay, ông nổi tiếng nhưng dưới “mác” một nông dân - doanh nhân đã làm ra chuỗi nông sản sạch gồm vịt biển, tôm rảo, trứng vịt biển sạch nhanh chóng được người Hà Nội  hào hứng đón nhận dùng. 

Một buổi sớm đầu thu tháng 9/2016, vượt hơn 100 km đường từ Hà Nội về Hải Phòng, chúng tôi có mặt tại xã Quang Vinh, huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng, đầm nuôi vịt và tôm của ông Ðoàn Văn Vươn. Trong căn nhà 1 tầng khang trang xây gọn ghẽ, trò chuyện với khách lạ cùng một vài người bạn vốn thân thiết, cảm nhận của người đối diện, ở người đàn ông đã qua tuổi ngũ tuần này không có sự ngại ngần. Hơn thế, ông thuộc tuýp người đặc biệt, thậm chí khó bị khuất phục và luôn sẵn sàng bật dậy trong mọi hoàn cảnh.

Nhắc lại quãng thời gian ở trại giam, ông kể: “Dời khỏi nơi cách ly với xã hội, tôi và em trai Ðoàn Văn Quý quên  chuyện cũ ngay. Bởi khi lúc còn ngồi trong trường (cách ông gọi thay trại giam) trong đầu chỉ ăm ắp suy nghĩ muốn nhanh chóng trở về bắt tay vào làm nông nghiệp, chăn nuôi gia cầm sạch mà bản thân trước khi xảy ra biến cố đang ấp ủ. Ngày 31/8/2015, tôi trở về nhà, chỉ sau một tuần  tôi bắt tay vào làm khu trại”.

Từ nông dân tới Doanh nhân Ðoàn Văn Vươn ảnh 1

Ông Ðoàn Văn Vươn.

Vịt biển thương hiệu “Ðoàn Văn Vươn”

Ông Vươn nhớ lại: Dù bắt tay vào làm trại nhưng lúc ấy vẫn còn băn khoăn chưa biết nên chăn nuôi thế nào. Hôm đó, có một người quen từ Hà Nội về chơi. Gặp tôi, anh hỏi “chú có nuôi được vịt không”, tôi bảo “em nuôi được vì trước đây đã từng nuôi vịt đẻ”. Thế là anh ấy nối máy cho tôi nói chuyện với một chú em tên là Hồng. Hồng lúc này cũng đang phụ trách dự án nuôi thử nghiệm vịt biển sạch ở Phú Quốc. Nói chuyện thêm một lúc thì chú Hồng bảo muốn tặng tôi 100 con vịt biển giống của trung tâm vịt Ðại Xuyên. Tôi thấy thích thế là nhận lời liền. Nuôi được đúng 1 tháng, tôi quyết định đầu tư mua thêm tăng lên 1000 con vịt. Còn chú Hồng, từ một người chưa biết mặt nay đã trở thành cố vấn đỡ đầu cho trang trại vịt về kỹ thuật.

“Dời khỏi nơi cách ly với xã hội, tôi và em trai Đoàn Văn Quý quên  chuyện cũ ngay. Bởi khi lúc còn ngồi trong trường (cách ông gọi thay trại giam) trong đầu chỉ ăm ắp suy nghĩ muốn nhanh chóng trở về bắt tay vào làm nông nghiệp, chăn nuôi gia cầm sạch mà bản thân trước khi xảy ra biến cố đang ấp ủ. 

Ðoàn Văn Vươn

Mục tiêu nuôi vịt biển sạch tiếp tục thêm điểm cộng khi ông Vươn được chú Hồng giới thiệu: anh yên tâm em có ông anh ở Hà Nội đang sản xuất loại men số 1 Việt Nam cho gia cầm. Men này vịt ăn vào sẽ tiêu hoá rất tốt, đặc biệt hơn là khử mùi hôi vịt thoát  ra khỏi cơ thể, thúc đẩy vịt tăng trưởng nhanh. Nói là làm, Hồng mua loại men vi sinh có chứa probiotics (dạng bào tử bền nhiệt của Công ty Biospring) trộn vào thức ăn cho vịt.  Kết quả khả quan khi thấy thịt vịt rất thơm, không có mùi hôi; còn phân vịt thải ra với  những vi sinh có ích đã tiêu diệt vi khuẩn có hại cho môi trường nước; đồng thời khiến tôm ăn vào lớn nhanh...

Kế đó, ông Vươn kể: Cách đây vài tháng, tôi được giới thiệu với công ty Hello Măm - một đơn vị chuyên cung cấp thực phẩm sạch cho bếp ăn các gia đình tại Hà Nội. Sau khi nghe tôi giới thiệu quy trình nuôi vịt, bên công ty về tận nơi kiểm tra sản phẩm thấy đạt chất lượng rồi; từ đó nhận tiêu thụ trứng vịt biển và vịt thịt nếu khách hàng có nhu cầu. Vịt nuôi ra bán không kịp, trứng vịt biển tiêu thụ qua Hello Măm cùng tôm rảo tươi sạch luôn đắt khách. Hiện đã có 2 nhà hàng tại Hà Nội đặt vịt biển sạch và bán các món làm từ vịt với tên gọi rõ ràng “Vịt biển Ðoàn Văn Vươn” nhưng “cung” không đủ cầu, họ chỉ dám bán độc quyền có 2 buổi/tuần thương hiệu vịt này.

Theo ông Vươn, việc nuôi vịt để có ngày hôm nay cũng là cả một quá trình gian khó. “Ban đầu tôi nuôi vịt gần 60 ngày, mang ra thịt thấy vịt còn nhiều mỡ, sau đó điều chỉnh dần và theo dõi từng thời điểm để tìm ra quy luật vịt ngon nhất phải đạt chuẩn 90 ngày. Con vịt biển được ăn thức ăn có trộn thóc ngâm và men vi sinh có lợi nên thịt dai giòn, cho dù có mỡ cũng không bị ngấy. Chính chất lượng của con vịt đã “hữu xạ tự nhiên hương” tạo nên thương hiệu “vịt biển Ðoàn Văn Vươn” mà không phải mất quá nhiều chi phí cho quảng cáo”, ông chủ đầm vịt vui vẻ nói.

Và thế là chỉ một năm, từ 100 con vịt giống được tặng giờ đây đầm vịt của ông Vươn đã nhân giống ra thành 5.000 con.

Từ nông dân tới Doanh nhân Ðoàn Văn Vươn ảnh 2

Còn đây đàn vịt được chia theo từng độ tuổi và nuôi riêng để tiện việc xuất chuồng. Ảnh: Khánh Huyền.

“Ðội đá vá trời”  nắn dòng, lấn biển

Cơ mà chuyện nuôi vịt và đi từ nông dân sang doanh nhân là “hậu” Ðoàn Văn Vươn sau này. Sẽ không có nó nếu quên mất nguồn cơn khiến ông nỗ lực. Ðó chính là quãng thời gian ông và cả gia đình đã đổ mồ hôi sôi nước mắt để tự mình nắn dòng, quai đê, lấn biển.

Ông Vươn nhớ lại: “Gia đình tôi vốn không phải người ở đây, mà các cụ dịch chuyển từ vùng đất khác sang. Năm 1989, nghe tin có cơn bão lớn sẽ đổ bộ vào, thế là cả làng nhà tôi đang ở bỗng gồng gánh kéo nhau đi. Lần đầu chứng kiến, ngạc nhiên lắm, tôi mới túm lấy mọi người trong làng để hỏi thì nghe bảo năm 1987 chỉ 1 cơn bão thôi mà bốc cả một cánh rừng. Năm đó, chính quyền phải cấp cứu vì đất xói lở rất nhiều, đầu tư rất tốt kém. Dạo ấy người ta đã khảo sát và định di cả một làng đi”.

Quãng đó, nông dân Ðoàn Văn Vươn đang vừa làm nông nghiệp vừa theo học đại học tại chức nông nghiệp. Năm 1992, thay vì ôn thi  tốt nghiệp, “sinh viên” Vươn lên gặp Ban giám hiệu đánh tiếng  năn nỉ cho được làm đồ án tốt nghiệp đại học với đề tài khá lạ: “Khảo sát vùng bãi bồi ven biển Vinh Quang, Tiên Lãng phục vụ việc chăn thả vịt biển”.

“Quá trình làm đồ án khiến tôi cứ sùng sục ở vùng đất. Thế rồi tình cờ biết được hoá ra quãng cách đó 70 năm, người dân từng ở phía bên ngoài đê đến 4 km nhưng phải dịch chuyển vào trong. Tìm hiểu kỹ, phát hiện đất lở là bởi dòng chảy từ biển xói vào hàng năm. Lập tức ý tưởng điều chỉnh, nắn dòng chảy bắt nhen lên”, ông Vươn hồi tưởng.

Theo ông Vươn hồi ấy, khi đem suy nghĩ lên trình bày tại Ủy ban nhân dân huyện Tiên Lãng,  lập tức bị... cười vào mặt.  Thậm chí có anh cán bộ huyện còn mắng té tát. Nhưng không nản, nông dân Vươn xin gặp cho kỳ được Chủ tịch huyện và thuyết phục. “Ông ý nghe tôi nói mãi,  im lặng khá lâu rồi lên tiếng: “Có thật chắc cậu làm được không?”. “Em làm được, mà nếu thất bại tự chịu chứ huyện không mất gì” - Nông dân Vươn đĩnh đạc trả lời. Thế là được huyện chấp thuận.

Lập tức, nông dân Vươn bắt tay vào liền. Hùng hục vừa đi học, đi buôn, vừa làm trang trại, vay ngân hàng, được đồng nào đều “nướng” vào đắp đê chặn sự xâm thực của nước biển. Kế đó là bồi đất, trồng cây, những rừng bần trồng lên chỉ sau 2 năm đã tốt um lập tức có tác dụng ngăn sóng rất tốt. “Dự định hoàn thành tuyến đê nắn dòng chảy  trong vòng 10 năm nhưng có lẽ vì do tôi và cả gia đình (có cả chú em Ðoàn Văn Quý) hăng quá mà trời thương, cuối cũng chỉ trong 8 năm, chúng tôi đã tự hoàn thành 2 km đê biển và hoàn tất việc nắn dòng. Thay vì lở dần vào đê, đất mặt nước cứ bồi lên, bồi lên mãi. Và thế là từ ít mét đất huyện giao ban đầu trong tay  tôi có thêm trong tay hàng chục ha đất mặt nước mới. Cũng vì lấn được nên tôi mới có 2 quyết định giao đất sau này”, ông Vươn bùi ngùi nhớ lại. 

Cũng chính “thành quả” đó, theo ông Vươn, là lý do khiến ông và gia đình phải “quyết giữ cho bằng được” khi huyện Tiên Lãng lập quyết định thu hồi đầm một cách vô lý so với Luật đất đai hiện hữu.

Từ nông dân tới Doanh nhân Ðoàn Văn Vươn ảnh 3

Tôm sú nuôi tại đầm của ông Vươn không chỉ đảm bảo chất lượng mà luôn cháy hàng, đặc biệt với loại có size to gần 1 lạng/con. Ảnh: K.H.

Chớm bước doanh nhân

Sáng ngày 12/5/2016, tại Hà Nội diễn ra lễ ra mắt và công bố thương hiệu Vườn Biển cho các sản phẩm nông sản sạch do người nông dân Ðoàn Văn Vươn trực tiếp sản xuất tại đầm Cống Rộc, xã Quang Vinh, huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng. Ngay tại sự kiện, ông Ðoàn Văn Vươn đã ký kết hàng loạt hợp đồng phân phối sản phẩm với các chuỗi bán lẻ thực phẩm sạch, các nhà hàng đặc sản biển ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Các sản phẩm nông sản sạch được người nông dân Ðoàn Văn Vươn giới thiệu như vịt biển, trứng vịt biển, tôm rảo sạch. Ông Vươn khẳng định những sản phẩm này do chính tay ông và gia đình sản xuất đều được kiểm duyệt khắt khe, từ thức ăn chăn nuôi đến quy trình sản xuất sản phẩm đều đạt tiêu chuẩn đảm bảo an toàn.

....Hơn 1 cây số đi bộ đoạn từ nhà ông ra tới mặt đê đầm Cống Rộc rồi cứ thế trên con đường độc đạo, mở ra trước mắt chúng tôi là một vùng đất trời mênh mông đầm nước. Khoát tay chỉ cả khu đầm rộng, nối dài phía tít tắp là cánh rừng bần, rồi đến khu trại nuôi vịt, ông Vươn tự hào khoe: “Tôi vừa hoàn thành công việc to lớn nhất là kéo đường diện ra tận đây (tốn khoảng 500 triệu) để sau này sẽ thực hiện làm dây chuyền thức ăn cho vịt. Những chương buồn trong cuộc đời đã khép lại, giờ đây tôi chỉ mong muốn có chỗ làm ăn yên ổn, làm thực phẩm sạch có thể kích hoạt và mở rộng cho bà con ở vùng quê”, người đàn ông có vóc dáng nhanh nhẹn chắc nịch thoăn thoắt vừa đi vừa nói.

Vì “Vịt biển Ðoàn Văn Vươn” hiện nuôi không kịp bán (ngoài lao động trong nhà, ông thuê thêm 6 lao động ngoài làm) nên ông Vươn có ý định sẽ mời gọi bà con xung quanh nuôi gia công cùng. “Tôi sẽ truyền lại bí quyết và công thức trộn thức ăn cho vịt do chính tôi làm ra;  nhưng chỉ là nuôi thời kỳ đầu, sau khi được 60 ngày tuổi, tôi sẽ thu mua và đem về chăm gột để tránh trường hợp bà con nếu bơm thuốc trộn ngoài vào thì sau 1 tháng con vịt cũng tự đào thải ra ngoài. Thế mới giữ được chất lượng bởi thương hiệu của mình là chất lượng”, ông Vươn tâm sự.

Tròn một năm kể từ khi ông Vươn ra tù, sau 3 năm 7 tháng 25 ngày thụ án tại trại giam vì “chống lại chính quyền”. Quá khứ đã khép lại đằng sau, giờ đây nếu ai có dịp gặp nông dân Ðoàn Văn Vươn, dễ bắt gặp một người đàn ông say sưa kể về trại vịt biển, đầm tôm và các dự án mở rộng thực phẩm sạch...

Giờ đây, với chuỗi nông sản sạch có thương hiệu tên tuổi được người tiêu dùng hồ hởi đón nhận, và với cách làm kinh tế bài bản, dường như nông dân Ðoàn Văn Vươn đã tiến một bước dài, trên con đường sản xuất và kinh doanh thực phẩm sạch, để sớm trở thành một doanh nhân Ðoàn Văn Vươn trong tương lai không xa. Vì sao không?

- Sáng 5/1/2012, UBND huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng tổ chức cưỡng chế thu hồi hơn 19 ha đất đầm của gia đình ông Ðoàn Văn Vươn vì cho rằng gia đình ông không tự nguyện thi hành quyết định thu hồi đất. Khi một tổ công tác tiến vào khu đầm, ông Ðoàn Văn Quý (em trai ông Ðoàn Văn Vươn) đã nổ súng chống đối làm 7 công an, quân nhân bị thương. Vì vụ án trên, ông Vươn và ông Quý mỗi người bị phạt 5 năm tù.

- Ngày 10/2/2012, Thủ tướng kết luận các quyết định thu hồi, cưỡng chế 19,3 ha đầm tôm của gia đình ông Vươn đều trái luật. Nguyên chủ tịch, phó chủ tịch UBND, trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tiên Lãng, nguyên chủ tịch UNBD xã Vinh Quang, nguyên bí thư Ðảng ủy xã Vinh Quang bị phạt từ 15-30 tháng tù, cho hưởng án treo.

- Dịp 2/9/2015, sau 3 năm 7 tháng 27 ngày thi hành án trong tù, anh em ông Ðoàn Văn Vươn được ân xá trước hạn. Hiện ông Vươn đang sinh sống bằng nghề nuôi vịt biển và bước đầu đã tiếp thị sản phẩm thịt vịt sạch cho các cửa hàng tại Hà Nội.

MỚI - NÓNG