Lâu nay, chúng ta thường được giáo dục về hệ lụy của giun sán như: đau bụng dai dẳng, rối loạn tiêu hóa, suy dinh dưỡng, ngứa ngáy hậu môn, mất ngủ, tắc ruột, viêm ruột thừa..., ít người chú ý rằng, ngứa, nổi mẩn dưới da cũng là một hậu quả phổ biến của căn bệnh này.
Triệu chứng ngứa, nổi mẩn dưới da lâu ngày có khả năng là do giun sán ký sinh trong cơ thể gây ra. |
Bác sĩ Nguyễn Văn Thắng (BV Đại học Y) cho biết: Nhiều người chỉ nghĩ ngứa nổi mề đay là do cơ thể dị ứng với các tác nhân tác động từ bên ngoài vào gây bệnh như: do thực phẩm, lông chó, bụi, hóa chất… Tuy nhiên một trong những nguyên nhân gây ngứa da khá nhiều bệnh nhân gặp phải là do mắc bệnh ký sinh trùng.
Tình trạng nhiễm giun sán gây ngứa dị ứng nổi mề đay là do giun sán ký sinh trong cơ thể, chúng di chuyển trong máu, dưới da, niêm mạc, gan, phổi. Cơ thể nhận biết ký sinh trùng và các chất thải tiết của chúng là một kháng nguyên lạ nên sẽ sinh kháng thể chống lại kháng nguyên, kháng thể kết hợp với kháng nguyên là nguyên nhân gây ngứa ở da và có thể gây đau bụng, tiêu chảy…
Bác sĩ Thắng cũng giải thích thêm: Giun là loại ký sinh trùng sống bám vào cơ thể, chủ yếu là ở ruột. Thường ở những vùng có chiến tranh, nền kinh tế kém phát triển, hoặc ở những nơi có tập tục vệ sinh ăn uống không sạch sẽ, tỉ lệ nhiễm giun rất cao. Có nhiều loại giun như: giun tóc, giun móc, giun đũa, sán lá, ....Riêng ở nước ta tỉ lệ này chưa có thống kê chính xác, nhưng tỉ lệ mắc bệnh giun đũa cũng khá cao, ở thành phố chủ yếu nhiễm do giun đũa, ở nông thôn do tình trạng đi chân đất, tỉ lệ nhiễm giun móc cao, gây thiếu máu, suy dinh dưỡng.
Người lớn nhiễm giun đũa thường là do ăn rau sống có lẫn trứng giun, thức ăn bị phơi nhiễm do bụi và ruồi, nhặng, gián... Trẻ bị nhiễm do ăn thức ăn hoặc nguồn nước bị nhiễm, hoặc nuốt phải trứng giun trên nền đất khi cầm nắm và ngậm đồ chơi nhiễm bẩn.
Dị ứng nổi mề đay do nhiễm giun sán trong máu chính là tác nhân gây bệnh từ bên trong cơ thể. Do vậy nếu như muốn biết chắc chắn bệnh này có thể do thủ phạm từ đâu hay bị nhiễm loại giun sán gì bạn cần đi khám và làm xét nghiệm cần thiết để có hướng điều trị cho phù hợp.
Ngứa, dị ứng da là nguyên nhân thường gặp và cũng là triệu chứng báo hiệu bệnh nặng sau này. Song, nhiều người đang bỏ qua triệu chứng này, họ ít nghĩ đến nguyên nhân từ giun sán dẫn tới việc không điều trị tận gốc được bệnh.
Theo đó, những trường hợp bị ngứa lâu ngày nên xét nghiệm máu để chẩn đoán một số loại giun sán trong máu gây ngứa dị ứng da. Thông thường, sau điều trị đặc hiệu giun sán, bệnh nhân sẽ hết ngứa trong vòng 3 tuần.
Theo đó, những trường hợp bị ngứa lâu ngày nên xét nghiệm máu để chẩn đoán một số loại giun sán trong máu gây ngứa dị ứng da. |
Ngoài hậu quả ngứa, bác sĩ Thắng khuyến cáo người dân nên định kỳ tẩy giun 6 tháng một lần, kể cả người lớn và trẻ em từ 2 tuổi trở lên. Thuốc tẩy giun là một loại thuốc dễ sử dụng và tương đối an toàn có tác dụng tẩy sạch, hoặc làm giảm đáng kể số lượng giun ra khỏi ruột. Trong trường hợp trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, nếu phát hiện hoặc nghi ngờ nhiễm giun thì nên đưa trẻ đi khám và làm xét nghiệm tầm soát, và khi đã có bằng chứng chính xác của nhiễm giun thì trẻ sẽ được điều trị theo sự hướng dẫn của bác sĩ.
Một số thuốc tẩy giun thường được bác sĩ khuyên dùng: Mebendazole tiêu diệt giun bằng cách gây thoái hóa cấu trúc ruột giun, làm rối loạn chức năng tiêu hóa của giun. Thuốc có dạng viên hàm lượng 500 mg, các bà mẹ chỉ cần cho bé uống một liều duy nhất. Đối với loại hàm lượng 100 mg mỗi viên, mẹ cho uống 2 viên mỗi ngày vào buổi sáng và buổi tối, uống trong 3 ngày liên tiếp.
Albendazole có tác dụng diệt trứng, ấu trùng và giun trưởng thành bằng cách làm giun mất năng lượng, bị bất động và tiêu diệt từ từ. Sau đó, xác giun sẽ được thải ra ngoài qua nhu động ruột. Thuốc có dạng viên nén 200 mg và 400 mg. Khi dùng loại này, mẹ sẽ cho uống một lần duy nhất 1 viên 400 mg. Đối với viên có hàm lượng 200 mg, mẹ cho uống 2 viên cùng lúc.
Pyrantel - Thuốc làm tê liệt thần kinh các loại giun, giun sẽ bị thải ra ngoài qua phân. Thuốc được trình bày dưới dạng viên nén 125 mg và 250 mg, liều dùng là 10 mg cho mỗi kilogram cân nặng, uống 1 liều duy nhất.
Lưu ý khi uống thuốc tẩy giun, trẻ không cần nhịn đói hay ăn kiêng, cũng không phải dùng thuốc xổ.
Để bảo vệ bản thân khỏi giun sán, theo bác sĩ Thắng, xây dựng thói quen vệ sinh cá nhân và chế độ ăn uống hợp lý là chìa khóa then chốt: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi tiếp xúc với đất bẩn hoặc động vật. Cắt móng tay, móng chân ngắn, sạch sẽ và hạn chế cắn móng tay, mút tay - nơi trú ngụ ưa thích của ấu trùng giun. Tắm rửa thường xuyên, đặc biệt là sau khi đi bơi, đi làm đồng để loại bỏ hoàn toàn bụi bẩn và ký sinh trùng. Giữ nhà cửa và môi trường xung quanh sạch sẽ, loại bỏ rác thải, tiêu hủy phân đúng cách, hạn chế ruồi muỗi.
Các thực phẩm như sữa chua, dưa muối, tỏi, hành tây... có chứa lợi khuẩn giúp tăng cường hệ miễn dịch, hỗ trợ tiêu hóa và hạn chế sự phát triển của giun sán. |
Bên cạnh việc thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân nghiêm ngặt, xây dựng chế độ ăn uống hợp lý cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa giun sán. Dưới đây là một số lưu ý: Thịt, cá, hải sản, trứng cần được nấu chín kỹ lưỡng ở nhiệt độ cao để tiêu diệt ấu trùng giun sán. Tránh ăn đồ sống tái như gỏi cá, tiết canh, thịt tái vì tiềm ẩn nguy cơ cao nhiễm giun; Rau củ quả cần được rửa sạch kỹ lưỡng dưới vòi nước chảy hoặc ngâm trong dung dịch nước muối loãng trước khi chế biến để loại bỏ bụi bẩn, thuốc trừ sâu và trứng giun sán; Thức ăn đường phố thường không được đảm bảo vệ sinh, tiềm ẩn nguy cơ nhiễm giun sán cao; Nên ưu tiên ăn uống tại nhà hoặc lựa chọn những địa điểm uy tín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; Chỉ uống nước đun sôi hoặc nước đóng chai đảm bảo vệ sinh, tránh uống nước lã hoặc nước chưa được xử lý. Ngoài ra, các thực phẩm như sữa chua, dưa muối, tỏi, hành tây... có chứa lợi khuẩn giúp tăng cường hệ miễn dịch, hỗ trợ tiêu hóa và hạn chế sự phát triển của giun sán.