Ông Nguyễn Ngọc Đông, cho biết: Khả năng sẽ mở rộng đầu tư cho tư nhân tham gia làm trạm cân. Tuy nhiên, sẽ tách phần xử lý, cưỡng chế (do cơ quan chức năng thực hiện) với phần ghi nhận các thông số xe vi phạm. Đây là phương án xã hội hoá nguồn đầu tư trong khi ngân sách nhà nước hạn hẹp. Khả năng cao, những nhà đầu tư xây dựng đường nếu có nhu cầu sẽ được giao đầu tư tiếp trạm cân trên tuyến đường ấy. Theo đó, quy chế đang trong quá trình xây dựng, trước mắt có thể triển khai ở một số nơi sau đó sẽ xây dựng mô hình và nhân rộng sau khi đã rút ra cách thức phù hợp nhất. Các trạm cân mới sẽ được lắp đặt thiết bị công nghệ hiện đại có thể theo dõi từ xa: Bố trí ở các làn xe, đặt các camera kết nối về trung tâm.
Theo ông Đông, sở dĩ phải tái lập các trạm cân mới vì qua theo dõi, các xe vượt tải trọng rất nhiều. Xu hướng thế giới đều có trạm cân. “Tiêu cực phải nói là sẽ có, nhưng trạm cân mới sẽ hạn chế điều này. Nếu sợ tiêu cực mà không làm gì thì không đạt mục tiêu”, ông Đông nói. Cũng theo Thứ trưởng Đông, ở Nhật Bản, tài xế chở quá tải có thể bị phạt đến 3 tháng tù giam. Các nhà tài trợ cho Việt Nam cũng đã lên tiếng về chất lượng đường bộ kém hiệu quả do không kiểm soát được tải trọng xe.
Ông Đông, cho biết: “Chúng tôi xin phép Chính phủ triển khai trước tiên trên hệ thống quốc lộ. Bởi vì, quốc lộ giảm hiện tượng quá tải thì đường nhánh sẽ giảm. Rà soát và bố trí quy hoạch trạm sau khi đã thỏa thuận với địa phương. Ban đầu sẽ triển khai ở một số địa điểm thích hợp. Bên cạnh đó, kiểm soát tại trạm xe phải đồng bộ bằng nhiều phương pháp, không chỉ cân xe. Dự kiến kiểm soát tải trọng qua đăng kiểm xe và có chế tài với việc làm biến dạng, cơi nới thùng, tăng nhíp…; rà soát việc nhập xe”.
Ám ảnh tiêu cực, 25 trạm cân bỏ hoang
Bộ GTVT cho biết, Văn phòng Chính phủ đang lấy ý kiến các bộ ngành, địa phương về việc tái lập các trạm cân kiểm soát tải trọng. Trước đó, trong một cuộc hội thảo có đại diện cơ quan chức năng và doanh nghiệp vận tải, đa số đều cho rằng, việc hình thành các trạm cân là cần thiết. Tuy nhiên, nỗi ám ảnh tiêu cực của những trạm cân cũ (dừng hoạt động từ năm 2003) vẫn còn đó. Thời gian trước đó, các trạm cân là nỗi khiếp đảm của các tài xế xe tải. Muốn được giảm tải thì phải chung chi. Từ đây dẫn tới tình trạng: Đường vẫn hỏng, trong khi trạm cân có như không.
Chính vì thế, sau khi xoá trạm cân một số tuyến đường bộ bị phá hủy nghiêm trọng do xe ô tô chở quá tải đã khiến ngành GTVT cho đầu tư thí điểm lại 2 trạm cân mới ở Đồng Nai và Quảng Ninh. Hai trạm thí điểm này cũng gây nên nhiều tai tiếng. Sau 2 năm thí điểm, ngoài trục trặc về kỹ thuật, đã có hơn 10 cán bộ tại trạm cân Dầu Giây (Đồng Nai) dính tiêu cực bị cơ quan chức năng xử lý. Trạm cân ở Quảng Ninh (QL 18) từng bị Sở Công thương tại địa phương và doanh nghiệp kiến nghị dừng hoạt động do tồn tại nhiều bất hợp lý (mặt bằng chật hẹp, xe né trạm, gây ùn tắc...).
Theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng, việc hình thành trạm cân là cần thiết, nhưng cần phải đầu tư máy móc hiện đại để làm sao cách ly được sự can thiệp của con người. Một số doanh nghiệp vận tải đường bộ cho rằng, dù máy móc hiện đại tới đâu cũng khó tránh khỏi tiêu cực tại các trạm cân. Trong khi lãnh đạo nhiều địa phương liên tục có ý kiến với Tổng cục Đường bộ Việt Nam về hiện tượng xe chở quá tải cày nát đường bộ. Có những giai đoạn, việc tái lập trạm cân gần như bế tắc với Cục Đường bộ Việt Nam (nay là Tổng cục Đường bộ). Gần 10 năm, 25 trạm cân bỏ hoang, nay Tổng cục Đường bộ Việt Nam quyết thực hiện bằng được việc lập các trạm cân mới.