Hiệp 2 của trận đấu với Croatia chứng kiến một trong những đội hình cơ bắp nhất mà Bồ Đào Nha từng sử dụng tại các kỳ EURO. Đáng nói, ngoài hình thù thô ráp, tư tưởng của những chàng trai Iberia cũng không còn như trước. Dưới bàn tay của HLV Fernando Santos, đã không còn một “Brazil châu Âu” nữa, thay vào đó là cỗ máy tuân thủ tuyệt đối kỷ luật.
Hình ảnh tiêu biểu nhất của sự thay đổi này nằm cả ở Ronaldo. Siêu sao số 1 trên hàng công, người nhận sự tán tụng của tất cả giờ sẵn sàng phục vụ người khác. Tại Real Madrid, rất hiếm khi người hâm mộ chứng kiến CR7 quanh quẩn bên phần sân nhà để tham gia hỗ trợ phòng ngự.
Nhưng trước Croatia, Ronaldo không ngại đuổi bắt dọc chiều dài sân để chặn một quả tạt, đứng sừng sững trong vòng cấm phá bóng như một trung vệ hay đơn giản là đưa thân mình vào làn đạn của đối thủ.
Nhìn thống kê, Ronaldo vừa có trận đấu tệ hại nhất tại EURO 2016 và cũng có thể kém nhất sự nghiệp của mình. Sau 90 phút chính thức, anh không thực hiện được cú sút nào, cùng với đó là không lần đi bóng thành công nào. Nếu so với thành tích trung bình 10 cú sút/trận ở vòng bảng, khán giả đương nhiên có quyền chỉ trích. Họ luôn có cớ để làm điều đó khi mục tiêu là Ronaldo.
Nhưng nhìn cái cách Ronaldo dốc từng chút sức cuối cùng để làm nhiệm vụ phòng ngự, sau đó băng qua quãng đường hơn 60m xâm nhập vòng cấm đối phương và mở ra cơ hội ghi bàn thắng duy nhất cho Ricardo Quaresma, anh có thể tự hào về bản thân mình.
Rốt cuộc thì sau tất cả, có lẽ chúng ta vẫn chưa thực sự hiểu hết Ronaldo và giới hạn ý chí của anh. Khi một thiên tài dám gạt bỏ đi cái tôi cao ngạo, lúc đó anh ta thật sự đáng sợ. Ở tuổi 31, cơ hội để Ronaldo giành lấy vinh quang cấp ĐTQG là lúc này, hoặc không bao giờ.
Ronaldo đương nhiên cũng đi đầu trong bộ mặt mới của Bồ Đào Nha: thực dụng hơn, chắt chiu hơn và bớt hoa mỹ hơn. Thay vào những cú đảo chân sẽ là các đường chuyền đơn giản nhằm hạn chế sai lầm. Vận mệnh của quốc gia mới là thứ cao nhất. Kệ cho ai nói gì thì nói, Bồ Đào Nha của Ronaldo đã vào tới tứ kết, và họ sẽ không dừng lại.