Tù mù

Tù mù
TP - Dịch COVID-19 lắng xuống, cũng là lúc người dân bức xúc khi hóa đơn tiền điện bỗng dưng tăng đột biến. Nắng nóng được cho là nguyên nhân khiến lượng điện sử dụng tăng mạnh, từ đó đẩy hóa đơn tiền điện leo cao.

 Tuy nhiên, người sử dụng điện và các chuyên gia cho rằng, cách tính giá điện theo bậc thang như lâu nay mới chính là thủ phạm tăng giá điện bất thường, và đó cũng là vấn đề mọi người quan tâm bởi nó ẩn chứa rất nhiều “điểm mù”.

Điện là món hàng đặc biệt, sử dụng nhiều năng lượng không tái tạo, vì vậy càng sử dụng nhiều càng ảnh hưởng đến môi trường. Đó cũng chính là lý do khiến Nhà nước xây dựng biểu giá điện bậc thang với dụng ý hạn chế sử dụng điện. Thế nên mới có chuyện “phi thị trường” sử dụng càng nhiều càng phải trả giá cao.

Đấy là quan điểm phù hợp xu thế phát triển của thời đại mà bất cứ quốc gia nào cũng cần hướng đến, như hướng đến giá trị văn minh, bền vững. Song, các cơ quan làm chính sách giá điện của chúng ta vẫn chưa giải thích được cho người dùng điện dựa trên cơ sở nào để phân chia giá điện thành 6 bậc. Khoảng cách giữa các bậc và giá tiền của mỗi bậc cũng chưa có cơ sở xác định rõ ràng. Trong khi đó, người sử dụng điện vẫn phải đóng tiền điện mỗi tháng nhưng không thể hiểu số tiền mình trả có thật sự hợp lý?

Người mua điện cũng không thể biết giá thành mỗi kWh điện sản xuất ra đã được tính đúng tính đủ? Giá điện hay bất cứ món hàng nào đều cần có niềm tin. Thiếu niềm tin và những dữ liệu, thông tin đầu vào, người sử dụng điện dẫu thông thái mấy cũng trở nên tù mù trước giá điện.   

Vẫn biết Nhà nước có chính sách hỗ người nghèo thông qua giá điện bậc 1, nhưng số điện được tính theo giá bậc 1 chỉ vỏn vẹn 50 kWh đầu là chưa hợp lý. Với tình hình kinh tế phát triển như hiện nay, đời sống được nâng lên, các hộ nghèo, nhất là ở các đô thị, vẫn sử dụng nhiều thiết bị điện nhằm đảm bảo nhu cầu cơ bản của cuộc sống. Vì vậy, lượng điện tiêu thụ sẽ vượt qua, thậm chí vượt xa con số 50 kWh mỗi tháng.

Chuẩn hộ nghèo hiện nay của nước ta cũng được thay đổi theo hướng nâng cao hơn so với nhiều năm trước, vì vậy khung lượng điện bậc 1, thậm chí cả một số bậc kế tiếp vẫn giữ nguyên từ nhiều năm qua chẳng khác nào cái áo đã quá chật so với một cơ thể đã to lớn hơn. Điều đó cũng cho thấy chính sách giá điện không chỉ không bắt kịp theo sự vận hành, phát triển của đời sống mà còn “lệch pha” với các chính sách khác, chính sách nâng chuẩn nghèo là một ví dụ.

Việc phân chia giá điện bậc thang và áp theo từng hộ cũng là vấn đề bất hợp lý không nhỏ. Cùng là hộ, nhưng có trường hợp chỉ một người, trường hợp khác, nhất là những gia đình nghèo lại có cả chục người. Một cách mặc định, những hộ gia đình nghèo, đông người lại phải trả tiền điện với giá cao và trả rất nhiều so với nguồn thu nhập khiêm tốn của mình.

Tính toán lại giá điện một cách hợp lý và minh bạch là điều người dân đang chờ đợi. Không một người dân nào muốn nếm trải tình cảnh điện sáng nhưng giá điện luôn tù mù.      

MỚI - NÓNG