Việc làm tưởng rất nhỏ của một học sinh trung học đã làm chúng ta suy nghĩ rất nhiều… Tôi nhớ một lần ở Nhật, tại bến tầu điện ngầm đông đúc vô tình dẫm phải gót chân của một người đi trước, tôi chưa kịp xin lỗi, người bị tôi dẫm phải đã nói một câu bằng tiếng Nhật, tôi hỏi người bạn cùng đi là Akiba, cô bảo “Anh ấy nói xin lỗi”. “Sao lại thế ? người nói lời xin lỗi phải là tôi chứ?”. Akiba cười “Người Nhật rất quý thời gian, anh ấy nói xin lỗi để khỏi mất thì giờ… Với lại, hai từ xin lỗi và cảm ơn chúng tôi đã được học từ khi bắt đầu tập nói. Học ở trong gia đình và học ở nhà trường...”. Sau này, mỗi lần sang Nhật cùng đi với Akiba tôi đã học được nhiều điều, nhất là hai từ xin lỗi và cảm ơn.
Có lần tôi kể lại chuyện này với một người bạn cùng quê công tác trong ngành giáo dục, tôi bảo với bạn tôi rằng sao trong trường học dạy nhiều thứ thế mà không dạy học sinh biết cách xin lỗi và cảm ơn. Anh bạn tôi bảo, người Việt Nam mình không quen khách sáo kiểu ấy. Phải chăng cảm ơn, xin lỗi là khách sáo?
Một lần, tôi lái xe chạy chậm tới gần trạm thu vé, liền bị một chiếc xe đi sau tông vào đuôi xe. Bực quá, tôi vừa mở cửa xe thì người lái chiếc xe đã vội chạy đến cúi đầu nói lời xin lỗi. Tự nhiên, cơn bực tức trong người tôi như vơi đi một nửa. Từ đó tôi thấy rằng, hai từ xin lỗi không chỉ là hình thức, mà nó thực sự có tác động rất lớn đến ý thức con người.
Tôi bỗng nhớ lời của Khổng Tử “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”, nghĩa là “Cái gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác”. Những vụ vô tình va quệt xe trên đường mà xảy ra cãi vã, dẫn đến thượng cẳng chân, hạ cẳng tay diễn ra gần như hàng ngày. Chẳng phải vụ thảm sát cả gia đình ở Nghệ An là bắt đầu từ việc hái mấy cái lá chanh, dẫm lên mấy cây trồng trong rẫy nhà hàng xóm, rồi cãi nhau và từ những thù hằn lâu ngày tích tụ lại không được giải tỏa đã bùng lên…
Bạo lực trong gia đình, trong nhà trường, trong quan hệ chòm xóm liên tục xảy ra. Vì sao vậy? Chúng ta đã nói nhiều đến việc học sinh bây giờ học nhiều thứ quá, trong khi vấn đề học làm người còn quá xem nhẹ. Mà trong giáo dục thì học cách làm người là vô cùng quan trọng. Muốn học làm người thì học cách ứng xử giữa con người với con người phải được đặt lên hàng đầu.
Nelson Mandela đã từng nói: “Giáo dục là vũ khí tối thượng nhất, bạn có thể dùng để thay đổi thế giới”. Mà muốn thay đổi thế giới thì trước hết phải thay đổi con người, làm cho quan hệ giữa con người và con người trở nên tốt đẹp hơn.
Và, điều đầu tiên trong quan hệ giữa con người và con người là thái độ ứng xử, trong đó có thái độ ứng xử hàng ngày với hai từ: Xin lỗi và Cảm ơn.