Trong khoảng 1 năm trở lại đây, thành tích chuyên môn của Ánh Viên đã có dấu hiệu chững lại, bất chấp việc cô được đầu tư ăn tập ở nước ngoài (Mỹ) nhiều năm. Tại ASIAD 2018, Ánh Viên thi đấu 2 cự li gồm 400m hỗn hợp và 200m hỗn hợp nữ.
Cự li 400m hỗn hợp, ở vòng chung kết Ánh Viên chỉ đạt thành tích 4 phút 42 giây 81. Con số này kém rất xa so với thành tích của Ánh Viên ở Olympic Rio de Janeiro 2016 (Brazil) là 4 phút 36 giây 85, thậm chí thua luôn thành tích ở SEA Games 2017. Cự li 200m, Ánh Viên thậm chí phải dừng ở vòng loại khi chỉ về thứ 9 với thành tích 2 phút 19 giây 79. Tại SEA Games 2017, Ánh Viên từng đoạt HCV cự li này với thời gian 2 phút 14 giây 25.
Chuyện gì đã xảy ra với kình ngư được ví như “viên ngọc” của thể thao Việt Nam?
Trả lời báo chí tại Jakarta hôm nay 30/8, Phó đoàn TTVN Nguyễn Trọng Hổ cho rằng, theo “ranking”, Ánh Viên chỉ đứng thứ 6 hoặc thứ 7 ở ASIAD 2018, thua hẳn các VĐV Trung Quốc, Nhật Bản. Ông Hổ cho biết, Á vận hội không phải đấu trường của Ánh Viên. Ở Đông Nam Á, Ánh Viên không có đối thủ nhưng ở đấu trường ASIAD Ánh Viên chưa so được với các VĐV thế giới. Theo ông Nguyễn Trọng Hổ, VĐV Schooling của Singapore chỉ phải thi 2 nội dung chứ không dàn trải như Ánh Viên.
“ASIAD chưa phải sân chơi của Ánh Viên, nhưng Đông Nam Á thì Ánh Viên không có đối thủ. Thế nên xác định là Ánh Viên phải bơi nhiều để đủ số huy chương”-ông Nguyễn Trọng Hổ cho biết.
Tuy nhiên sau ý kiến của ông Nguyễn Trọng Hổ, Trưởng đoàn Trần Đức Phấn đã “sửa” lại rằng Ánh Viên là VĐV rất lớn của Việt Nam, đầu tư phải ở tầm châu lục. Ông Trần Đức Phấn còn khẳng định ngành thể thao sẽ phải xem xét, đánh giá lại phương thức đầu tư, tập huấn đối với Ánh Viên, như chuyện một thầy-một trò ăn tập thời gian dài với nhau có hiệu quả hay không, hoặc vấn đề thay HLV…
Nói thật, tôi tin ông Nguyễn Trọng Hổ hơn. Lý do vì có nhiều cơ sở để tin. Thứ nhất, một thực tế rõ ràng là chuyện Ánh Viên phải “cày” quá nhiều giải đấu không xứng tầm với cô đã được nói tới nhiều. Nhưng từ SEA Games 2015 tới SEA Games 2017, xen kẽ đấy là các giải VĐQG, Ánh Viên phải thi đấu hàng chục nội dung. Điều này hoàn toàn không ăn nhập gì với định hướng đầu tư “hướng tới ASIAD và Olympic” như khẳng định của ngành thể thao. Một VĐV từng đoạt hàng chục huy chương SEA Games, châu lục, giải VĐQG rõ ràng chỉ như chiếc “ao làng”.
Tại sao Ánh Viên vẫn bị ép thi? Liệu có phải như người trong cuộc nói, thành tích của cô cũng gắn liền với thành tích của nhiều người khác? Đành rằng VĐV đi thi, đoạt giải thì có tiền thưởng, ai cũng thích. Và VĐV có tiền thì ắt nhiều người khác cũng vui vẻ. Nhưng ở góc độ người có trách nhiệm, ngành thể thao không lẽ để uống phí một tài năng bẩm sinh?
Bốn năm qua, Ánh Viên liệu có bị lãng phí thời gian tốt nhất của một VĐV bơi lội để phát triển lên 1 tầm cao mới? Hoàng Quý Phước 22 tuổi từng bị chê là “già”, Ánh Viên năm nay đã 21 tuổi!
Thành tích của cô cứ tụt dần đều, và đau lòng hơn, lại vấp phải những vấn đề về tâm lý. Người ta biết rằng trong bơi lội hay điền kinh, chỉ “nhích lên” thậm chí vài % giây đã là đáng quý và vô cùng khó khăn, chứ không phải chỉ cần “cố 1 tí” là được.
Thế nên tôi nói thật là tôi tin ông Nguyễn Trọng Hổ hơn!