Từ Hữu Thắng đến Beckenbauer, Del Bosque và Maradona

Nhiều áp lực đang chờ đón HLV Hữu Thắng ở phía trước.
Nhiều áp lực đang chờ đón HLV Hữu Thắng ở phía trước.
VFF chọn HLV Hữu Thắng là người cầm lái đội tuyển Việt Nam và nhiệm vụ của chiến lược gia xứ Nghệ là đưa ĐTQG vào chung kết AFF Cup 2016. Liệu Hữu Thắng sẽ thành công như Klinsmann, Del Bosque hay sẽ rơi vào vết xe đổ của Maradona hay Donadoni của bóng đá thế giới?

Xu thế chọn cựu cầu thủ danh tiếng nắm đội tuyển

Thời còn là cầu thủ, Hữu Thắng không tài hoa như Hồng Sơn, cống hiến lâu năm cỡ Huỳnh Đức hay miệt mài, tận tụy như Công Minh trước đây. Nhưng ông vẫn được coi là thế hệ vàng của bóng đá Việt Nam và cùng với những thành công trên băng ghế HLV cấp CLB, Hữu Thắng vẫn có cơ sở để người hâm mộ Việt Nam đặt niềm tin.

Nếu như các HLV nội cũ như Phan Thanh Hùng hay Hoàng Văn Phúc không để lại nhiều dấu ấn thời cầu thủ, thì Hữu Thắng được biết đến là một hậu vệ thép và nổi tiếng ở khu vực. Đó là lý do mà không ít chuyên gia ngoại lẫn người hâm mộ kỳ vọng vào khả năng thành công của Hữu Thắng với đội tuyển Việt Nam, như cái cách người Thái luôn tự hào về Kiatisuk.

Có thể so sánh bóng đá Việt Nam với các cường quốc bóng đá thế giới sẽ có độ lệch quá lớn về tầm cỡ, nhưng rõ ràng không ít quốc gia chọn cựu ngôi sao trong quá khứ nắm đội tuyển. Người thành công nhất có lẽ là hoàng đế bóng đá Beckenbauer, người vô địch thế giới cùng tuyển Đức cả cương vị cầu thủ lẫn HLV.

Klinsmann cũng để lại không ít dấu ấn khi mở đầu cho chu kỳ thành công của bóng đá Đức, hay Del Bosque đưa Tây Ban Nha lên đỉnh thế giới. Nhưng cũng có những trường hợp thất bại não nề mà điển hình nhất là Diego Maradona (Argentina) hay Donadoni (Italia).

Từ Hữu Thắng đến Beckenbauer, Del Bosque và Maradona ảnh 1

Thời Del Bosque, Tây Ban Nha sở hữu nhiều ngôi sao lớn cỡ Iniesta.

Các nền bóng đá lớn chọn ngôi sao quá khứ dẫn dắt ĐTQG, bên cạnh chuyên môn tốt, uy tín với lứa cầu thủ thế hệ sau, mà còn là khao khát cống hiến của vị HLV đó trên cương vị mới. Hữu Thắng có thừa sự tâm huyết để vực dậy bóng đá Việt Nam, nhưng điều đó có lẽ chưa để ông có thể thực hiện được hoài bão của mình.

Ở gần trình độ Việt Nam nhất, thì người Thái Lan đang thành công đáng kể với HLV Kiatisuk khi đưa Thái Lan tiệm cận đẳng cấp châu Á. Bóng đá Việt Nam đang đi theo con đường đó với niềm hy vọng mang tên Hữu Thắng, một HLV được biết đến với cái đầu lạnh, bản lĩnh và có uy với các tuyển thủ.

Tình cảnh nào với HLV Hữu Thắng ở đội tuyển Việt Nam?

“Hoàng đế” Beckenbauer được nước Đức ca ngợi khi dẫn dắt ĐTQG vô địch World Cup 1990 nhưng để có được thành công đó, ông được thừa hưởng trong tay đội hình với nhiều ngôi sao lớn như Matthaus, Klinsmann, Voller, Brehme từ World Cup 1986, đặc biệt là thời điểm đó bóng đá Đức đang có tính ổn định cao.

Jurgen Klinsman là trường hợp khác, ông tiếp nhận đội tuyển Đức từ sau đống đổ nát ở Euro 2004 và ông đã không ngần ngại thay mới đội hình, loại bỏ gần như những cầu thủ cũ. Ông đã xây dựng lứa cầu thủ tài năng như Lahm, Schweisteiger, Oezil, Mueller và kể cả khi ông rút lui hồi năm 2008, bóng đá Đức vươn lên đỉnh cao thế giới khi Joachim Loew kế thừa tốt tinh hoa mà Klinsmann để lại.

Từ Hữu Thắng đến Beckenbauer, Del Bosque và Maradona ảnh 2

HLV Hữu Thắng liệu có thể xây dựng lại đội tuyển từ đầu như Klinsmann ở tuyển Đức năm 2005.

Vicente Del Bosque là cầu thủ danh tiếng của bóng đá Tây Ban Nha thập niên 70 và ông may mắn nhất khi La Furia Roja tề tựu đầy đủ những ngôi sao lớn nhất của thế giới như Iniesta, Villa, Torres, Ramos, Puyol, Xavi…Nhưng sự tinh tế và khôn ngoan của Del Bosque cũng không góp phần giúp người Tây Ban Nha thống trị thế giới đoạn từ 2009 đến 2012.

Mặc dù vậy, không phải huyền thoại nào cũng thành công rực rỡ và không ít người đánh mất đi danh tiếng thời cầu thủ bởi những thất bại khi làm HLV. Diego Maradona là người cay đắng nhất, bởi sự gàn dở, cố chấp khi loại Riquelme, Cambiasso của ông đã khiến Argentina với đội hình nhiều ngôi sao lớn, dừng bước đầy tức tưởi ở tứ kết World Cup 2010.

Rudi Voller (Đức, Euro 2004) hay Donadoni (Italia, Euro 2008) thì có phần dể cảm thông hơn, bởi đó là thời điểm nền bóng đá Ý, Đức rơi vào giai đoạn thoái trào, các giải trong nước xuống cấp và đội tuyển không có ngôi sao nào đáng chú ý. Và kết cục cuối cùng của họ là bị sa thải trước thời hạn, dù rất được kỳ vọng lúc mới ký hợp đồng.

Nhiều chuyên gia đánh giá HLV Hữu Thắng dũng cảm khi nhận lời ngồi “ghế nóng” sau khi một HLV có tài như Miura cũng phải ra đi dù thành tích không quá tệ. Mọi thứ phía trước Hữu Thắng không hề trải màu hồng, ông không có được một dàn cầu thủ chất lượng có tính kế thừa để dễ dàng thành công như Beckenbauer hay Del Bosque.

Ở một đất nước mà chuyện kiểu như Công Phượng sao không được xếp đá đúng sở trường hay Tuấn Anh vì sao không được đá chính thành chủ đề để chỉ trích HLV, thì không ai cho Hữu Thắng “đập đội tuyển đi xây lại” như Klinsmann. Phía trước Hữu Thắng là một nền bóng đá đổ nốt và công việc luôn bị chi phối như Voller hay Donadoni.

Sau hai năm, bóng đá Việt Nam đặt niềm tin vào thầy nội và tin rằng sự am hiểu năng lực các cầu thủ là lợi thế của Hữu Thắng so với các HLV nước ngoài trước đây. Kiatisuk nâng tầm được bóng đá Thái Lan vì ông được sự hậu thuẫn tuyệt đối từ Liên đoàn, thừa hưởng dàn cầu thủ xuất chúng từ giải đấu chất lượng Thai-League còn những yếu tố đó với Hữu Thắng hoàn toàn ngược lại, chưa kể có thể ông sẽ là trung tâm của mọi chỉ trích nếu đội tuyển Việt Nam “thắng nhạt’ Đài Loan (Trung Quốc) hay “thua sát nút” Iraq ở vòng loại World Cup 2018 sắp tới.

Theo Theo Dân trí
MỚI - NÓNG
Dải công viên ven sông Sài Gòn sắp có 'áo mới' đón tết Ất tỵ 2025
Dải công viên ven sông Sài Gòn sắp có 'áo mới' đón tết Ất tỵ 2025
TPO - Công viên chạy dọc từ cầu Ba Son đến cầu Thủ Thiêm với chiều dài hơn 1 km, tổng diện tích 10ha được đề xuất thực hiện để nối dài tổ hợp công viên ven sông Sài Gòn tạo nên sân chơi công cộng có sức chứa lớn, nhiều hoạt động mới lạ, thu hút người dân và du khách đến tham quan, giải trí, tận hưởng dòng sông.