Từ giao thoa tôn giáo, nghĩ về xung đột ở Dải Gaza, Ukraine

TP - Tại một trong những nhà thờ Hồi giáo cổ nhất, nổi tiếng nhất Trung Quốc, chúng tôi được tận mắt chứng kiến hình ảnh lạ đời: Ngay trước phòng hành lễ là một lư hương chạm hoa sen - 1 trong 8 biểu tượng của Phật giáo.

Ngày 22/11, chúng tôi tới thăm Thanh Tịnh (Qingjing), nhà thờ Hồi giáo cổ nhất ở thành phố Tuyền Châu, tỉnh Phúc Kiến. Năm 2021, UNESCO công nhận nhà thờ được xây dựng năm 1009 này là di sản thế giới. Dọc đoạn đường khoảng 800 mét mà có tới 3 cơ sở tôn giáo lớn, gồm nhà thờ Hồi giáo Thanh Tịnh ở giữa và đền thờ Nho giáo, đền thờ tín ngưỡng dân gian ở hai bên.

“Vạn sự nhất bản”

Chúng tôi hết sức ngạc nhiên khi thấy trước phòng hành lễ của nhà thờ Hồi giáo Thanh Tịnh là một lư hương lớn bằng đá pyrophyllite chạm khắc cầu kỳ với hình ảnh nổi bật là hoa sen nổi trên mặt nước. Không ngạc nhiên sao được khi đối với tín đồ Hồi giáo, đốt hương là một điều cấm kỵ. Tuy nhiên, khi hành lễ, tín đồ Hồi giáo có thể bỏ gỗ hoặc bột gỗ đàn hương (một loại gỗ rất quý hiếm, có tinh dầu thơm, bền mùi). Người Ấn Độ sử dụng bột gỗ đàn hương trong nhiều nghi lễ tôn giáo và thiền định.

Sự ngạc nhiên “mắt chữ A mồm chữ O” của chúng tôi về giao thoa, hòa quyện giữa Hồi giáo và Phật giáo sau đó được thay thế bằng sự gật gù chiêm nghiệm sau khi nhìn lên bức hoành phi treo trên cửa chính phòng hành lễ. Hoành phi vàng ghi 4 chữ Hán lớn màu đen “Vạn sự nhất bản”, với ý mọi chuyện chung nguồn gốc, dù đa dạng đến đâu cũng có điểm chung.

Ông Tăng Quốc Hằng (Zeng Guoheng), công chức thành phố Tuyền Châu, hướng dẫn viên của chúng tôi, nói rằng, sự kết hợp các yếu tố tôn giáo, văn hóa trong kiến trúc, nghệ thuật không phải nhằm thỏa mãn thị giác hay chiều lòng một tầng lớp xã hội hoặc một cá nhân nào đó mà xuất phát từ thực tế cuộc sống, từ nhu cầu của đông đảo người dân.

Từ giao thoa tôn giáo, nghĩ về xung đột ở Dải Gaza, Ukraine ảnh 1

Lư hương bằng đá tạc hình hoa sen và bức hoành phi “Vạn sự nhất bản” trong nhà thờ Hồi giáo Thanh Tịnh (Qingjing) ở Tuyền Châu, Phúc Kiến, Trung Quốc. Ảnh: Linh Nhi

Từ giao thoa tôn giáo, nghĩ về xung đột ở Dải Gaza, Ukraine ảnh 2

Ông Sarwer Sarker (trái) chụp ảnh lưu niệm với giáo sĩ nhà thờ.

Tuyền Châu được UNESCO gọi là “Bảo tàng tôn giáo thế giới” và nhiều người coi thành phố này là “Jerusalem của châu Á” với đại diện của hầu hết các tôn giáo lớn trên thế giới. Là điểm khởi đầu của Con đường tơ lụa trên biển, Tuyền Châu đã thu hút đông đảo thương nhân nước ngoài mang theo không chỉ hàng hóa mà còn văn hóa, triết học và tôn giáo như Hồi giáo, Cơ đốc giáo, Ấn Độ giáo, Do Thái giáo, Cảnh giáo (một tông phái Kitô giáo Đông phương ở Ba Tư)… đến thành phố này hơn 1.000 năm trước. Các thế hệ tín đồ của các tôn giáo, giáo phái đã xây dựng nhiều nhà thờ, đình chùa nổi tiếng như chùa Khai Nguyên, nhà thờ Thanh Tịnh, miếu Thiên Hậu… Là một trung tâm thương mại lớn ở Trung Quốc cổ đại, Tuyền Châu thu hút nhiều người từ khắp nơi trên thế giới; ngày nay, hàng chục nghìn người dân địa phương là hậu duệ của những người nước ngoài định cư đầu tiên ở thành phố này.

Xung đột Israel-Hamas tạm lắng, Nga tấn công Kiev bằng UAV

Hôm qua, khi lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hamas bước sang ngày thứ ba, 41 con tin bị bắt giữ ở Dải Gaza đã được thả, trong khi 39 người Palestine bị giam giữ và tù nhân đã được thả khỏi nhà tù của Israel, CNN đưa tin. Trước đó, 26 thường dân Israel đã được trả tự do cùng với 15 công dân nước ngoài, trong khi phía Israel thả 39 người.

Ngày 26/11, Nga phát động cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) lớn nhất nhằm vào thủ đô Kiev của Ukraine. “Gần 75 UAV nhãn hiệu Shahed đã được phóng từ hai hướng Primorsko-Akhtarsk và Kursk của Nga, với mục tiêu chính là thành phố Kiev”, và 71 UAV đã bị đánh chặn, Không quân Ukraine tuyên bố trên Telegram.

“Hơn 150 bia mộ Hồi giáo và những mảnh đá chạm khắc đã được tìm thấy trong quá trình tháo dỡ các bức tường thành của Tuyền Châu hồi đầu thế kỷ XX. Các ngôi mộ Hồi giáo là nơi yên nghỉ cuối cùng của hai tín đồ Hồi giáo đến Tuyền Châu vào thế kỷ VII. Thành phố cũng phát hiện hàng nghìn di tích Kitô giáo, Phật giáo Tây Tạng, Ấn Độ giáo, Do Thái giáo…”, ông Tăng cho biết. Tại Bảo tàng Hàng hải Tuyền Châu trưng bày nhiều mẫu vật thể hiện sự giao thoa tôn giáo như bia mộ Kitô giáo khắc hình thiên thần có cánh bên cạnh hoa sen, trụ đá khắc hình tiên nữ Đông phương bay cạnh cây thánh giá…

Xin chiến tranh qua mau

Đứng giữa nhà thờ Hồi giáo Thanh Tịnh, ông Sarwer Sarker, tín đồ Hồi giáo đến từ Bangladesh, ngẩn ngơ: “Kiến trúc nhà thờ nơi đây có thể nói là khá giống nhà thờ Hồi giáo ở các nước Hồi giáo, chỉ khác ở lư hương, đá lát tường có hình hoa sen… Ở đây họ cũng cầu nguyện 5 lần trong 1 ngày. Tôi cầu nguyện cho chiến tranh, chiến sự qua mau”.

Theo ông Sarker, xung đột Palestine-Israel bùng phát từ giữa thế kỷ XX là cuộc xung đột phức tạp nhất thế giới, và giao tranh hiện nay giữa Israel và lực lượng Hamas ở Dải Gaza đem đến quá nhiều đau thương, chết chóc, nhưng có thể chấm dứt hoàn toàn, thậm chí phòng tránh được. Gốc rễ xung đột bắt nguồn từ mâu thuẫn sắc tộc giữa người Do Thái và người Ảrập ở vùng đất tranh chấp; đa số người Israel theo Do Thái giáo và người Palestine theo Hồi giáo, nhưng cả hai tôn giáo này có nhiều điểm chung. “Tôi nghĩ điều tương tự với xung đột Nga-Ukraine; mọi đau khổ có thể sớm chấm dứt, hoặc có thể phòng tránh được nếu các dân tộc hiểu biết, tin tưởng lẫn nhau nhiều hơn, sẵn lòng chung sống hòa bình hơn”.

Năm nguyên tắc chung sống hòa bình là tập hợp 5 nguyên tắc quan trọng điều chỉnh quan hệ giữa các quốc gia được thừa nhận một cách rộng rãi như những chuẩn tắc trong quan hệ quốc tế. Đó là tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau; không xâm lược lẫn nhau; không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; bình đẳng và cùng có lợi; cùng chung sống hòa bình.

Chung quan điểm này, khi tham quan Bảo tàng Hàng hải Tuyền Châu, ông Ali Hussain, phóng viên nhật báo Business Recorder đến từ Pakistan, cho rằng, khi đã xác định chung sống hòa bình, có lòng tin chiến lược đối với nhau thì nguy cơ xung đột giảm thiểu, không phải chạy đua vũ trang để răn đe, đề phòng lẫn nhau, dành nguồn lực để phát triển kinh tế-xã hội. “Tôi thấy buồn khi tranh chấp về lãnh thổ, xung đột về tôn giáo, sắc tộc và chạy đua vũ khí hạt nhân vẫn tồn tại. Hồi cuối tháng 8 và giữa tháng 10 vừa qua, Pakistan bắn thử thành công hai loại tên lửa đạn đạo”, ông Hussain nói.

Trong khi đó, bà Chương Linh (Zhang Ling), quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói rằng, năm nay kỷ niệm 10 năm nguyên tắc thân thiện, chân thành, cùng có lợi và bao trùm của Trung Quốc trong ngoại giao láng giềng. Lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đã khẳng định Trung Quốc luôn coi Việt Nam là phương hướng ưu tiên trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc; hoan nghênh, ủng hộ Việt Nam phát triển lớn mạnh; thực hiện thành công công nghiệp hóa - hiện đại hóa để hai nước cùng nhau phát triển, nên quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện sẽ được nâng lên tầm cao mới.