Bình luận quốc tế:

Tư duy kiểu Mỹ

Ông James Comey, Giám đốc Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI). Ảnh: Reuter.
Ông James Comey, Giám đốc Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI). Ảnh: Reuter.
TP - Bộ Tư pháp Mỹ cho biết đã mở khóa thành công chiếc iPhone mà Syed Farook, một trong các tay súng vụ thảm sát ở San Bernardino (bang California) hồi tháng 12/2015, sử dụng.

Trước đó, nhằm lấy dữ liệu chiếc iPhone được mã hóa ở cấp độ cao, Cục Điều tra Liên bang (FBI) yêu cầu Apple viết phần mềm cho phép nhà điều tra mở khóa thiết bị mà không vấp phải những biện pháp an ninh trên điện thoại. Nhưng Apple từ chối.

Người phát ngôn FBI cho biết: “FBI lấy thành công dữ liệu và không đòi hỏi sự hỗ trợ từ Apple theo yêu cầu của Tòa án liên bang. Ưu tiên của chính phủ là đảm bảo lấy thông tin quan trọng để bảo vệ an ninh quốc gia”.

Tuyên bố giúp FBI và Apple tránh lao vào những cuộc tranh luận tại tòa án, nhưng khơi lại mệnh đề khiến nước Mỹ chia rẽ nhiều năm qua: An ninh quốc gia, hay hy sinh dữ liệu bảo mật cá nhân?

Cuối năm 2015, Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) chấm dứt chương trình thu thập dữ liệu điện thoại quy mô lớn, được áp dụng sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001. Thay vào đó, công ty dịch vụ điện thoại đảm nhận việc này và cơ quan chức năng chỉ có thể tiếp cận dữ liệu khi được phép của tòa án. Trong khi nhiều người Mỹ ủng hộ điều chỉnh trên, thì hàng triệu người khác lo sợ sẽ tạo “lỗ hổng” khiến nước Mỹ đối mặt với sự mất hiệu lực nghiêm trọng ở lĩnh vực an ninh. Lo lắng càng có cơ sở sau vụ khủng bố đẫm máu ở Paris, Pháp (tháng 11/2015), và mới nhất là Brussel, Bỉ (tháng 3/2016).

Điều này lý giải vì sao, một thập niên rưỡi sau sự kiện 11/9, người Mỹ vẫn vui vẻ cởi cả thắt lưng lẫn giày mỗi khi làm thủ tục ở sân bay, hay bình thản khi phát hiện những chiếc máy bay không người lái “do thám” khu dân cư.

Một số người cho rằng việc mở khóa iPhone là xâm phạm quyền riêng tư, thì không ít người Mỹ chấp nhận sự phiền hà trên để đổi lấy an ninh cho nước Mỹ và an toàn bản thân.

Tư duy của người Mỹ “thoáng” đến mức họ không hề nghi vấn rằng, FBI và Apple đang tạo dựng một “kịch bản” hoàn hảo, nhằm chứng minh cho người dân thấy họ được bảo vệ từ cả góc độ chính phủ (quyết lôi danh tính khủng bố ra ánh sáng) lẫn từ phía Apple (bảo vệ dữ liệu người dùng). Như vậy, sau vài tháng tranh cãi làm tốn không ít giấy mực của truyền thông, cuối cùng FBI đã tuyên bố không lôi Apple ra toà nữa vì họ đã tự mở được khóa iPhone.

MỚI - NÓNG