Tư duy bên ngoài chiếc hộp: Dụ cả thế giới về quê

Nguyễn Châu Á vẫn thường xuyên cùng nhân viên khám phá hang động để tìm điểm khai thác mới.
Nguyễn Châu Á vẫn thường xuyên cùng nhân viên khám phá hang động để tìm điểm khai thác mới.
TP - “Tôi sinh ra bên dòng sông Son ở làng Phong Nha (Quảng Bình). Tôi thấy làng quê mình thật đẹp nhưng cũng thật nghèo. Sau nhiều năm học tập và làm ăn xa, mỗi lần trở về, quê tôi vẫn đẹp và cũng vẫn nghèo. Làm gì để bản thân mình và quê hương mình thoát nghèo là câu hỏi luôn thường trực trong tôi” - anh Nguyễn Châu Á nói.

Tư duy bên ngoài chiếc hộp

Sinh năm 1975, Nguyễn Châu Á, vốn là một hướng dẫn viên du lịch tại Trung tâm Du lịch Văn hóa, Sinh thái Phong Nha - Kẻ Bàng. Tự thấy những non kém của mình, Nguyễn Châu Á đã quyết định vào Sài Gòn học tập. Một trong những môn học mà anh đầu tư nhiều nhất là tiếng Anh. Vốn con nhà nghèo, để thực hiện thành công ước mơ của mình, anh phải vừa làm, vừa học. Năm 2015 anh đã là ông chủ của Công ty OneStep, chuyên tư vấn trách nhiệm xã  hội doanh nghiệp cho các tập đoàn đa quốc gia.

Với tư duy luôn mới và khác biệt, công ty của anh nhanh chóng định danh, ăn nên làm ra ở đất Sài thành. Khi tích lũy được ít vốn liếng, nhận thấy trăn trở thời thơ ấu của mình đã có cơ hội thành hiện thực, năm 2011 anh ôm 10 tỷ đồng về quê lập công ty du lịch mạo hiểm, khám phá hang động mang cái tên bình dị: Oxalis (chua me đất).

Nguyễn Châu Á tâm sự: “Tôi rất tâm đắc một câu nói của người phương Tây “Think outside the box” (Hãy suy nghĩ vượt ra bên ngoài chiếc hộp). Để thành công, tôi nghĩ rằng cần làm điều gì đó thực sự khác biệt để mọi người trên thế giới đều có chung một cảm nhận, có chung một sự trải nghiệm. Và loại hình du lịch khám phá thiên nhiên, khám phá hệ thống hang động chưa từng có sự can thiệp của con người là cách mà chúng tôi tự làm mới mình trong lĩnh vực du lịch, nhằm tạo nên một ngôn ngữ chung cho mọi người về cảm nhận sự hùng vĩ của thiên nhiên”.

Nhằm hiện thực ý tưởng của mình trong bối cảnh là “người ngoài đạo”, Nguyễn Châu Á đã chân thành tìm đến đoàn khám phá hang động Phong Nha - Kẻ Bàng, thuộc Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh. Sau khi trình bày ý tưởng của mình, thật bất ngờ ông Howard Limbert, trưởng đoàn thám hiểm đã rất đồng tình và nhận làm cố vấn cho Oxalis. Đồng thời, ông Hồ Khanh, người tìm ra nhiều hang động lớn, trong đó có Sơn Đoòng, cũng tự nguyện đầu quân cho Oxalis.

Ba con người đam mê hang động này đã len lỏi khắp các cánh rừng của Phong Nha - Kẻ Bàng để khảo sát, lựa chọn hang động đưa vào khai thác, vẽ bản đồ hành trình khám phá, lên phương án thu hút du khách... Và hệ thống hang động Tú Làn nằm trên địa bàn huyện rẻo cao Minh Hóa được lựa chọn cho bước đầu khởi nghiệp của Oxalis.

Tư duy bên ngoài chiếc hộp: Dụ cả thế giới về quê ảnh 1 Nguyễn Châu Á cùng Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong chuyến vào Sơn Đoòng trả lời phỏng vấn của hãng truyền hình ABC trong chương trình truyền hình trực tiếp “Chào buổi sáng nước Mỹ”.

Để thu hút du khách quốc tế đến với Tú Làn, một chiến dịch truyền thông lớn chưa từng có trên đất Quảng Bình được Oxalis thực hiện. Hơn 50 tờ báo lớn của Mỹ, Anh như: New York Times, Foxnews, MSN, Dailymail, Huffington Post... được Oxalis mời sang vùng miền núi hẻo lánh của Quảng Bình để tận thấy những hang động bí ẩn và kỳ vỹ bậc nhất thế giới. Tú Làn từ chỗ vô danh trước du khách thế giới, trong phút chốc trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới, du khách quốc tế nườm nượp đổ về xã Tân Hóa, nơi mà người dân chưa một lần nhìn thấy người Tây.

Sau Thành công của Tú Làn, Oxalis đã được tỉnh Quảng Bình tín nhiệm giao khai thác Sơn Đoòng, hang động lớn nhất thế giới và nhiều hang động khác như: hang Va, hang Én, hang Tiên...

Phim trường của Hollywood

Tiếp theo đà thành công quảng bá trên báo, tạp chí quốc tế, Nguyễn Châu Á nung nấu một chiến dịch truyền thông đẳng cấp hơn với hệ thống hang động ở Phong Nha - Kẻ Bàng. Với lợi thế tiếng Anh, Nguyễn Châu Á miệt mài gửi những bức thư điện tử đến các hãng truyền hình lớn trên thế giới. Sơn Đoòng, hang Én nhanh chóng lọt vào tâm ngắm của hãng truyền hình lừng danh, ABC Hoa Kỳ.

Sau nhiều tháng thương thảo về cách thức thực hiện, phương án tài chính, tháng 5/2015, ABC đã chọn Sơn Đoòng, hang Én cho chương trình truyền hình trực tiếp Good Morning America (Chào buổi sáng nước Mỹ) của mình. Chương trình gây ấn tượng mạnh cho khán giả trên toàn thế giới bởi được truyền trực tiếp hình ảnh từ các flycam trong và ngoài hang động. Có đến hơn 6 triệu công dân Mỹ và thế giới xem trực tiếp, hơn 10 triệu lượt xem trên internet. Ấn tượng đến mức tại Liên hoan Phim tài liệu thực hiện bằng thiết bị bay, tổ chức ở Mỹ vào tháng 3/2016, buổi tường thuật trực tiếp từ hang Én và Sơn Đoòng đã nhận giải thưởng cao nhất.

Không dừng lại ở đó, Nguyễn Châu Á bắt đầu nhắm tới các hãng phim và kinh đô điện ảnh thế giới Hollwood là một trong những ưu tiên hàng đầu. Vẫn bằng các bức thư điện tử, kèm theo hình ảnh sống động về sự hùng vĩ của Phong Nha - Kẻ Bàng, cùng với nhiều danh thắng khác trên đất nước Việt Nam. Thật bất ngờ, hãng phim Lagendary Pictures của Hollwood có phản hồi tích cực. Họ tiết lộ là đang lên kế hoạch quay bộ phim bom tấn Kong: Skull Island và những hình ảnh đến từ Oxalis làm họ rất ấn tượng. Một đoàn tiền trạm của Lagendary Pictures đã âm thầm đến Việt Nam gặp Nguyễn Châu Á.

Tư duy bên ngoài chiếc hộp: Dụ cả thế giới về quê ảnh 2 Nguyễn Châu Á cùng ông Howard Limbert, chuyên gia thám hiểm hang động Hoàng gia Anh trong một lần thám hiểm.

Sau nhiều chuyến bí mật tiếp cận các địa danh mà Nguyễn Châu Á giới thiệu như: Quảng Bình, Ninh Bình, Hạ Long, Huế, Quảng Trị, Hà Tĩnh, Nghệ An, Cao Bằng, Hà Giang, Hà Nội, TPHCM... cuối cùng họ đã chọn Quảng Bình, Ninh Bình và Hạ Long để thực hiện những cảnh quay quan trọng cho bộ phim. Nguyễn Châu Á tiết lộ: Ban đầu đoàn làm phim định chọn Sơn Đoòng để thực hiện cảnh quay là ngôi nhà của vua khỉ. Tuy nhiên, sau khi khảo sát Sơn Đoòng họ đã bỏ ý định đó mà chọn hang Chuột, trong hệ thống hang động Tú Làn nhằm bảo vệ sự nguyên sơ của Sơn Đoòng.

Sau khi bộ phim bom tấn Kong: Skull Island được công chiếu trên toàn thế giới, hiệu ứng hình ảnh được quay ở Việt Nam, cùng với những pha hành động nghẹt thở đã gây ấn tượng mạnh đối với khán giả. Nhiều phản hồi của khán giả sau khi xem bộ phim rất tích cực, họ mong muốn một lần đến để tận thấy những thắng cảnh của Việt Nam. “Nếu nói về cảnh đẹp thiên nhiên thì Việt Nam không thua kém một đất nước nào trên thế giới, đặc biệt hệ thống hang động ở Phong Nha - Kẻ Bàng thì không nơi nào có. Nhưng chúng ta đã chậm chân so với thế giới về công tác quảng bá hình ảnh của mình. Như Thái Lan, họ rất thành công về quảng bá hình ảnh của đất nước họ, trong đó hạ tầng, cũng như cơ chế cho các hãng phim điện ảnh lớn trên thế giới rất được họ quan tâm” - Nguyễn Châu Á chia sẻ.

Có thể nói Nguyễn Châu Á đã rất thành công khi lựa chọn hướng đi khác biệt, biến một nơi vô danh trên bản đồ du lịch thế giới thành điểm đến hấp dẫn bậc nhất, được các tạp chí chuyên ngành quốc tế bình chọn. Ngay cả các nước như: Malaysia, Indonesia, Trung Quốc... cũng phải tìm đến học hỏi và định hướng cho loại hình du lịch hang động của họ.

Nguyễn Châu Á tâm sự: Đến thời điểm này anh có thể thở phào nhẹ nhõm vì những trăn trở thời thơ ấu của anh bước đầu đã được giải quyết. Quê hương anh đang ngày một giàu lên nhờ kinh doanh và phục vụ ngành du lịch. Riêng Oxalis đã quy tụ được hơn 500 sơn tràng người địa phương làm công tác gùi thồ phục vụ khách du lịch mạo hiểm với lương từ 6 đến 12 triệu đồng/tháng. Năm 2017, có hơn 10.000 lượt khách quốc tế đến với Oxalis, doanh thu 130 tỷ, nộp thuế, phí 30 tỷ đồng.

Sau bao năm lăn lộn với loại hình du lịch mới, Nguyên Châu Á chia sẻ: “Kinh doanh những việc mình yêu thích đã khó, làm sao để điều mình yêu thích cũng là điều khách hàng mình yêu thích lại càng khó hơn. Làm mới suy nghĩ của mình, tìm tòi những cái mới trong cách làm, phiêu lưu, mạo hiểm, đam mê, nhiệt huyết sẽ tạo cho ta nhiều hứng khởi, yêu thích những gì ta đang làm... và chắc chắn thành công.

MỚI - NÓNG