Nhưng cuốn “Từ điển Tiếng Việt dành cho học sinh” của Vũ Chất thì có thể gây cười, bởi một số trang có cách giải thích từ ngữ thật ngô nghê, thí dụ: Bế mạc = hết dứt buổi hát, Bia = tấm đá có khắc tên ngày giờ người chết dựng trước mả; Bồ bịch = bạn bè thân thích; Lâu đài = lầu và đền đài; Cào cấu = vừa cào vừa cấu; Bản sắc = màu tự nhiên; Bóng đèn = bóng làm bằng chai trong có tim đốt được bằng hơi điện…
NXB Trẻ tá hỏa, vội điều tra, và tìm ra việc gian lận - lấy tên NXB Trẻ như thực chất không phải - đã xảy ra cách đây 13 năm (2001). Nhưng, sách vẫn được in lậu, vì vẫn còn mới nguyên.
Trước đó, hai “thảm họa” từ điển đã gây tranh cãi trên các diễn đàn, là “Từ điển từ và ngữ Việt Nam” và “Từ điển từ và ngữ Hán - Việt” của Nguyễn Lân, bị phê phán từ lâu là rất có hại cho tiếng Việt. Tương tự,?“Từ điển bách khoa Đất nước, Con người Việt Nam”?do GS-NGND Nguyễn Văn Chiển và TS Trịnh Tất Đạt đồng chủ biên, cũng sai sót nhiều về tiểu sử của các danh nhân.
Thực chất, “tiền thân” của cuốn “Từ điển Tiếng Việt dành cho học sinh” là cuốn “Việt Nam tự điển” (cũng mang tên Vũ Chất) xuất bản từ năm 1971. 30 năm sau, một số đơn vị cho sách này tái xuất giang hồ với tựa mới (ngoài bản mạo danh NXB Trẻ còn phát hiện ra cuốn từ điển nói trên được 3 NXB khác in lại. Và nhuận bút của những ấn phẩm này là số 0, bởi không ai tìm được “soạn giả” Vũ Chất là ai và ở đâu. Các nhà ngôn ngữ học và nhiều người trong giới nhận định cái tên này là tên “ma”. Điều này có thể thấy, hầu như cơ quan quản lý không kiểm soát được loại sách “rởm” kiểu trên.
Trong khi đó, dư luận đang cười những quy định lạc hậu. Có thể kể đến hai trường hợp đều liên quan đến “bò”. Một là quy định không nhập thịt bò từ châu Âu, vì sợ bò… điên (dịch bò điên đã qua từ tám hoánh). Hai là quy định của một số trường không cho cán bộ và sinh viên mặc quần bò (chưa rõ vì sợ cái gì?). Ô hô, có thể thấy, một đằng thì nỗi sợ vô hình, dai dẳng khiến những quy định cười ra nước mắt vẫn cứ tồn tại. Đằng khác, quy định đầy đủ, lực lượng đông đảo, nhưng những cuốn từ điển ma (mãnh) với những tác giả ảo, nhưng gây ra tác hại thật và để lại di họa lâu dài, thì vẫn cứ ngang nhiên được in ra.
Cũng có thể, ở đây không phải là chuyện sợ hay không sợ, cũng không phải chuyện từ điển hoặc bò gây cười hay gây khóc. Mà đơn giản chỉ là chuyện quan liêu.