Tự chủ tại Bệnh viện Bạch Mai: Hụt thu 2.000 tỷ đồng/năm

0:00 / 0:00
0:00
Sau 17 tháng thí điểm tự chủ toàn diện, BV Bạch Mai đối mặt nguồn thu giảm mạnh và sự ra đi của hàng trăm y bác sĩ Ảnh: P.H
Sau 17 tháng thí điểm tự chủ toàn diện, BV Bạch Mai đối mặt nguồn thu giảm mạnh và sự ra đi của hàng trăm y bác sĩ Ảnh: P.H
TP - Ngày 15/7, Bộ Y tế có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo đánh giá tổng kết công tác thực hiện thí điểm tự chủ toàn diện ở các bệnh viện lớn tuyến trung ương.

Sau gần 2 năm thí điểm tự chủ toàn diện 4 bệnh viện (BV) Bạch Mai, K, Việt Đức và Chợ Rẫy theo Nghị quyết 33 của Chính phủ, đến nay có BV Bạch Mai và BV K thực hiện. Ngày 15/7, Bộ Y tế có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo đánh giá tổng kết công tác thực hiện thí điểm tự chủ toàn diện ở BV Bạch Mai và BV K.

Tính đến ngày 15/7, BV Bạch Mai đã tự chủ được 17 tháng. Theo BV này, Hội đồng Quản lý BV đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và tăng sự hài lòng của người bệnh. Vì vậy, tỷ lệ hài lòng của người bệnh nội trú tại thời điểm tháng 6/2020 đạt 96,3%, tăng 5,97% so với năm 2019.

Ngoài ra, BV đã tinh giản lao động dôi dư không cần thiết, cơ cấu và giải thể một số đơn vị có chức năng, nhiệm vụ không phù hợp; giảm số bệnh nhân nội trú từ 5.500 người xuống còn 3.100 người/ngày… Tuy nhiên, quá trình thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm còn gặp không ít khó khăn.

“Do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, số lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại đây giảm đáng kể, ảnh hưởng đến nguồn thu của BV. Trong năm 2020, nguồn thu giảm gần 2.000 tỷ đồng so với năm 2019, kéo theo nguồn thu nhập của cán bộ, viên chức bị giảm đáng kể”, BV Bạch Mai trình bày.

Bệnh viện K đã có 10 tháng thực hiện thí điểm tự chủ toàn diện, nhưng chưa có báo cáo đánh giá và kết quả tự chủ vì có thời gian bị phong tỏa do dịch COVID-19.

Kết quả kiểm tra của Bộ Y tế ngày 17/5 cho thấy, sau một năm thí điểm tự chủ toàn diện ở BV Bạch Mai, số bệnh nhân ngoại trú, nội trú giảm, công suất sử dụng giường bệnh giảm gần 30%; gần 20% danh mục kỹ thuật của BV được phê duyệt nhưng BV chưa triển khai thực hiện. Kết luận cũng nêu việc thành lập, tổ chức lại 17 khoa, phòng, đơn vị của BV còn tuỳ tiện, không thực hiện đầy đủ theo quy định… dẫn đến sự hài lòng của nhân viên y tế với BV giảm sút. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều cán bộ BV xin chuyển công tác hoặc thôi việc. Theo Bộ Y tế, việc thí điểm cơ chế tự chủ tại BV hơn 1 năm qua chưa đạt được mục tiêu đề ra.

Kiến nghị không thí điểm tự chủ BV Việt Đức, Chợ Rẫy

Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ hôm 15/7 về việc thí điểm tự chủ của 2 BV còn lại là Việt Đức và Chợ Rẫy, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, sau khi rà soát các quy định, cơ chế, chính sách, Bộ Y tế nhận thấy các nội dung thí điểm tự chủ của BV được quy định trong Nghị quyết 33 đều được quy định rất cụ thể trong các nghị định được ban hành trong năm 2020 và 2021.

Do tình hình dịch bệnh COVID-19 phức tạp, các BV trực thuộc Bộ Y tế giảm số bệnh nhân, các BV đang dành nguồn lực cho chống dịch, nhất là BV Chợ Rẫy. Vì vậy, Bộ Y tế cho rằng, việc tiếp tục triển khai thí điểm tự chủ toàn diện ở BV Việt Đức và Chợ Rẫy trong giai đoạn hiện nay là hết sức khó khăn.

“Với các lý do trên và theo kiến nghị của các bộ, Bộ Y tế kính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét và cho phép BV Việt Đức và Chợ Rẫy không thực hiện thí điểm tự chủ toàn diện theo Nghị quyết 33”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nêu trong công văn gửi Thủ tướng.

MỚI - NÓNG