Từ 2020 có thẻ BHYT điện tử, 5 nhóm được chữa bệnh miễn phí

Chậm nhất năm 2021, người dân sẽ sử dụng thẻ BHYT điện tử thay cho thẻ giấy hiện nay
Chậm nhất năm 2021, người dân sẽ sử dụng thẻ BHYT điện tử thay cho thẻ giấy hiện nay
TP - Chính phủ yêu cầu, chậm nhất ngày 1/1/2020 phải phát thẻ BHYT điện tử cho người dân, đồng thời đưa ra 5 nhóm đối tượng được thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh… Ðây là những nội dung tại Nghị định 146/2018 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT.

Thẻ điện tử thay thẻ giấy

Nghị định 146 quy định 6 nhóm BHYT, gồm: Nhóm do người lao động và người sử dụng lao động cùng đóng; nhóm do cơ quan BHXH đóng; nhóm do ngân sách nhà nước đóng; nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng; nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình; nhóm do người sử dụng lao động đóng. Thẻ BHYT do cơ quan BHXH phát hành và phải có các thông tin cơ bản của chủ thẻ, ảnh, mức hưởng BHYT, nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu, thời gian đủ 5 năm liên tục… Đặc biệt, Chính phủ giao BHXH Việt Nam chậm nhất đến ngày 1/1/2020 thực hiện phát hành thẻ điện tử cho người tham gia BHYT.

Từ 2020 có thẻ BHYT điện tử, 5 nhóm được chữa bệnh miễn phí ảnh 1  

Nghị định trên cũng quy định 3 mức hưởng BHYT đối với từng đối tượng là 80%, 95% và 100%. Trong đó, có 5 nhóm được BHYT thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh, gồm: Người có công với cách mạng, cựu chiến binh, người được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng, hộ nghèo, người dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn, thân nhân của người có công với cách mạng, người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hàng tháng; người hoạt động cách mạng trước năm 1945, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên, trẻ em dưới 6 tuổi; chi phí khám chữa bệnh tại tuyến xã; chi phí cho một lần khám chữa bệnh thấp hơn 15% lương cơ sở; người bệnh tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở.

Mức đóng BHYT hàng tháng bằng 4,5% tiền lương tháng của người lao động đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động; người quản lý doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập và người quản lý điều hành hợp tác xã hưởng tiền lương; cán bộ, công chức, viên chức; Bằng 4,5% tiền lương hưu, trợ cấp mất sức lao động đối với người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng; Bằng 4,5% tiền lương tháng của người lao động trước khi nghỉ thai sản; Bằng 4,5% tiền trợ cấp thất nghiệp đối với người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp; Bằng 4,5% mức lương cơ sở đối với các đối tượng khác…

Mức đóng BHYT khi tham gia theo hộ gia đình như sau: Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở; người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.

Từ ngày 1/12/2018, mức hỗ trợ đóng BHYT từ ngân sách nhà nước cho một số đối tượng như sau: Hỗ trợ 100% mức đóng BHYT đối với người thuộc hộ gia đình cận nghèo đang sinh sống tại các huyện nghèo 30a; Hỗ trợ tối thiểu 70% mức đóng BHYT đối với người thuộc hộ gia đình cận nghèo theo tiêu chí chuẩn cận nghèo của Chính phủ, nghèo đa chiều; Hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng BHYT đối với học sinh, sinh viên, thuộc hộ gia đình làm nông - lâm - ngư nghiệp và diêm nghiệp…

Ðẩy mạnh ứng dụng phần mềm chống trục lợi

Ông Dương Tuấn Đức, Giám đốc Trung tâm Giám định BHYT và thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc cho biết, thời gian qua ngành đã đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong BHYT. Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, hiện thẻ BHYT đã không còn ghi thời hạn có hiệu lực của thẻ. Người tham gia BHYT, toàn bộ thông tin được ghi nhận lên hệ thống phần mềm, khi đi khám chữa bệnh, qua mã thẻ bệnh viện sẽ biết được thẻ còn hạn sử dụng hay không, nhóm hưởng nào... Hiện Hệ thống thông tin Giám định BHYT đã kết nối trên 12.000 cơ sở y tế cả nước. “Trong thời gian tới, BHXH sẽ điện tử hóa thẻ BHXH, BHYT, thậm chí người dân chỉ cần dấu vân tay, không cần sử dụng thẻ đã có thể sử dụng các dịch vụ BHYT”, ông Đức nói. Theo đại diện BHXH Việt Nam, phần mềm giám định BHYT giúp quản lý và theo dõi, giám định với 100% hồ sơ khám chữa bệnh. Cũng nhờ hệ thống này, các bác sĩ chỉ cần nhập mã thẻ bệnh nhân đã biết được toàn bộ lịch sử khám chữa bệnh, các chẩn đoán, đơn thuốc đã dùng trước đó. Cũng nhờ đó phát hiện được các hành vi trục lợi BHYT.

Tại buổi làm việc với Tổ công của Thủ tướng mới đây, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho biết, thời gian qua dư luận đề cập tới khả năng mất cân đối thu - chi Quỹ BHYT. BHXH Việt Nam đã có nhiều giải pháp tốt để kiểm soát, giám sát tự động trong chi BHYT, giảm tiêu cực, gian lận, trục lợi. Về nhiệm vụ thời gian tới, bà Minh cho hay, ngành sẽ tích cực hơn nữa trong việc tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng để tránh việc mất cân đối Quỹ BHYT. Về ý kiến phân biệt giữa cơ sở y tế công và tư, bà Minh khẳng định, ngành sẽ cố gắng bảo đảm công khai, bình đẳng, minh bạch giữa các cơ sở y tế công lập và tư nhân, giữa các bệnh nhân của các cơ sở này.

Theo số liệu của BHXH Việt Nam, hết tháng 9/2018, cả nước có 82,05 triệu người tham gia BHYT (đạt tỷ lệ bao phủ 87,4% dân số - vượt 2,2% chỉ tiêu Chính phủ giao). Cùng thời gian, Hệ thống Thông tin giám định BHYT đã tiếp nhận 129,35 triệu lượt hồ sơ khám chữa bệnh, với số tiền đề nghị thanh toán 80.970 tỷ đồng (tăng 4,5% số hồ sơ và tăng 10,3% tổng chi so với cùng kỳ năm trước).

MỚI - NÓNG
TPHCM 24/7: Chi Dân, An Tây xin lỗi muộn màng; Bắt 'Trưởng phòng chiến tranh' của tổ chức khủng bố
TPHCM 24/7: Chi Dân, An Tây xin lỗi muộn màng; Bắt 'Trưởng phòng chiến tranh' của tổ chức khủng bố
TPO - Chi Dân, An Tây và 'cô tiên' Trúc Phương bị bắt; TPHCM rà soát, xử lý cán bộ dùng chứng chỉ 'Cambridge International'; Bắt 'Trưởng phòng chiến tranh' của tổ chức khủng bố 'Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời'; TPHCM sắp thử nghiệm máy bay không người lái 100 km/h,... là những tin tức đáng chú ý tại TPHCM tuần qua.