Từ 2018, bỏ 'cấm thi' vào lớp 6?

Từ 2018, các trường chất lượng cao có quyền tuyển sinh vào lớp 6 theo hình thức kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh.
Từ 2018, các trường chất lượng cao có quyền tuyển sinh vào lớp 6 theo hình thức kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh.
TP - Các trường có số học sinh đăng ký vào học lớp 6 nhiều hơn so với chỉ tiêu, có thể kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực. Đó là nội dung thay đổi quan trọng được Bộ GD&ĐT đưa ra lấy ý kiến rộng rãi về tuyển sinh đầu cấp. Theo các chuyên gia, quy định này sẽ “cởi trói” cho các trường “nóng” về tuyển sinh lớp 6 từ năm tới, tránh hiện tượng chạy chọt tiêu cực như mấy năm vừa qua.

Được quyền xét tuyển kết hợp đánh giá năng lực

Ngày 18/12, Bộ GD&ĐT công bố Dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT ban hành kèm theo Thông tư số 11/2014. Theo đó, một trong những nội dung sửa đổi, bổ sung quan trọng của dự thảo là nội dung liên quan đến tuyển sinh vào lớp 6.

Theo Thông tư 11/2014 do Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển ký thì khoản 2, điều 4 quy định về tuyển sinh THCS là theo “phương thức xét tuyển”. Trả lời báo chí khi đó, ông Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, chủ trương của bộ là cấm tuyệt đối các trường thi tuyển vào lớp 6. Các trường có lượng học sinh đăng ký đầu vào lớn hơn chỉ tiêu thì trình phương án xét tuyển để các cấp có thẩm quyền quyết định.

Khi đó, các trường “nóng” tuyển sinh đầu cấp bị rơi vào thế khó, phải loay hoay nghĩ phương án tuyển sinh khi hồ sơ đăng ký lên tới hàng nghìn trong khi chỉ tiêu chỉ có mấy trăm học sinh. Ví như năm học 2017-2018, Trường THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam có chỉ tiêu tuyển sinh 200 em, số hồ sơ nộp vào hơn 2.000 em; Trường THCS Lương Thế Vinh có chỉ tiêu tuyển sinh 600 em, số hồ sơ nộp vào 4.000 em; Trường THCS Cầu Giấy tuyển sinh 280 em, hồ sơ nộp vào khoảng 600 em…

Để tuyển được học sinh khi đó, các trường đã căn cứ vào điểm học bạ và các loại bằng khen, giấy khen của học sinh qua các cuộc thi của Sở GD&ĐT tổ chức. Tuy nhiên, phương án này theo các chuyên gia lộ nhiều bất cập khi các trường tiểu học có thể “làm đẹp” học bạ cũng như tạo ra phong trào đưa học sinh đi tham gia các cuộc thi để có tiêu chí phụ.

Vì vậy, điểm mới quan trọng trong dự thảo sửa đổi, bổ sung lần này ghi rõ: “Trường hợp cơ sở giáo dục có số học sinh đăng ký vào học lớp 6 nhiều hơn so với chỉ tiêu tuyển sinh, Sở GD&ĐT hướng dẫn thực hiện phương án tuyển sinh theo phương thức xét tuyển hoặc kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh”.

Dự thảo được công bố và lấy ý kiến rộng rãi dư luận đến hết ngày 18/2/2018.

Nhà trường và phụ huynh đều mừng

Chị Nguyễn Thị Thành, có con đang học lớp 5, Trường tiểu học Nguyễn Trãi, quận Hà Đông cho biết, năm tới chị dự định nộp hồ sơ cho con vào Trường THPT Lương Thế Vinh. Như năm trước, chị tìm hiểu thấy trường tuyển 600 chỉ tiêu mà có tới 4.000 hồ sơ nộp vào. Trường không thi tuyển mà căn cứ học bạ và giấy khen nên chị rất hoang mang, lo lắng. Đặc biệt là khi các cuộc thi để cấp bằng khen, chứng chỉ cho học sinh để làm tiêu chí phụ cũng không còn nên năm học này con chị không tham gia cuộc thi nào.

“Thật sự là mình vừa vui mừng vừa lo lắng. Mừng vì nếu con được tham gia thi tuyển công bằng, dù thắng hay thua, phụ huynh cũng cảm thấy an lòng. Còn lo là vì đến thời điểm này, hỏi giáo viên, nhà trường vẫn chưa có phương án chính thức nào để con có hướng ôn tập”, chị Thành nói.

Bà Lê Kim Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Cầu Giấy, quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho rằng, bà rất ủng hộ phương án xét tuyển kết hợp với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh. Bởi như trước đây, khi Bộ “cấm” thi tuyển, chỉ cho phương án xét tuyển đầu cấp thì những trường đặc thù như THCS Cầu Giấy có lượng học sinh đăng ký đầu vào cao hơn chỉ tiêu tuyển sinh sẽ rất khó khăn. Theo bà Kim Anh, khi “cấm thi” các trường buộc phải căn cứ vào học bạ và các điểm nổi trội thông qua bằng khen, giấy khen các cuộc thi mà học sinh tham gia. Tuy nhiên, sau đó, Bộ lại ra văn bản tinh giản các cuộc thi thì các trường không còn biết căn cứ vào đâu để xét tuyển.

Vì vậy, bà Kim Anh cho rằng, sau 3 năm thực hiện Thông tư 11/2014 về tuyển sinh THCS đã bộc lộ nhiều bất cập, nay Bộ sửa đổi cho các trường được tổ chức khảo sát, đánh giá năng lực học sinh là rất phù hợp. “Khi đó, các trường sẽ không thi tuyển mà thông qua một bài khảo sát hội tụ đủ kiến thức các môn Toán, Tiếng Việt, Tin học, Lịch sử, Khoa học, Địa lý… để đánh giá năng lực học sinh. Khi đó, các trường cũng dễ dàng tuyển chọn được học sinh có năng lực”, bà Kim Anh nói.

Cũng theo bà Kim Anh dự đoán, nếu dự thảo được thông qua thì năm nay, các trường “nóng” tuyển sinh đầu cấp sẽ có lượng hồ sơ đăng ký đầu vào cao hơn mọi năm rất nhiều. Bởi như năm trước, xét tuyển hồ sơ và tiêu chí phụ là bằng khen nên phụ huynh tự lọc hồ sơ của con. Nếu đủ điều kiện họ mới nộp vào. Còn khi tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực, nhiều học sinh sẽ muốn thử sức.

Được biết, năm học 2018-2019, Trường THCS Cầu Giấy, một trong những trường “nóng” tuyển sinh đầu cấp có chỉ tiêu tuyển sinh khoảng 280 em. Năm trước, trường cũng tuyển sinh con số tương tự và số hồ sơ đăng ký là 600.

“Trường hợp cơ sở giáo dục có số học sinh đăng ký vào học lớp 6 nhiều hơn so với chỉ tiêu tuyển sinh, Sở GD&ĐT hướng dẫn thực hiện phương án tuyển sinh theo phương thức xét tuyển hoặc kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh”

 Trích Dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư 11/2014 của Bộ GD&ĐT

MỚI - NÓNG