TS Tùng Lâm: Nên dùng 12.000 tỷ đào tạo 9.000 tiến sĩ để tăng lương giáo viên

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng thực tế việc đào tạo tiến sĩ trong nước chưa đảm bảo chất lượng. Ảnh minh họa.
Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng thực tế việc đào tạo tiến sĩ trong nước chưa đảm bảo chất lượng. Ảnh minh họa.
TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội - khẳng định dự thảo đề án chi 12.000 tỷ đồng đào tạo 9.000 tiến sĩ không thực tiễn trong bối cảnh giáo dục hiện nay, khi lương giáo viên còn thấp, không đủ đảm bảo cuộc sống. TS Lâm đề xuất, nên dùng 12.000 tỷ đồng để nâng lương cho giáo viên, tạo động lực cho họ làm việc, cống hiến sẽ tốt hơn đào tạo thêm tiến sĩ.  

Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, lý do Bộ GD&ĐT đưa ra đề án chi 12.000 tỷ đồng đào tạo 9.000 tiến sĩ chưa thuyết phục. Nước ta thiếu tiến sĩ thật nhưng lại thừa "tiến sĩ giấy". 

"Nếu Bộ GD&ĐT cứ làm thêm một lô tiến sĩ giấy nữa thì dư luận bất bình là không khó hiểu", PGS.TS Trần Xuân Nhĩ khẳng định khi bàn về dự thảo đề án Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học và các trường cao đẳng sư phạm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2018-2015 tầm nhìn 2030. 

Mục tiêu đào tạo giảng viên trình độ tiến sĩ đạt tỷ lệ 35% (khoảng 9.000 tiến sĩ), ngân sách Nhà nước chiếm 94%.

Nên dùng 12.000 tỷ tăng lương giáo viên, nâng cao chất lượng giáo dục 

TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội - khẳng định dự thảo đề án chi 12.000 tỷ đồng đào tạo 9.000 tiến sĩ không thực tiễn trong bối cảnh giáo dục hiện nay, khi lương giáo viên còn thấp, không đủ đảm bảo cuộc sống.

TS Tùng Lâm đề xuất: “Nếu lấy con số kinh phí 12.000 tỷ đồng để nâng lương cho giáo viên, tạo động lực cho họ làm việc, cống hiến sẽ tốt hơn đào tạo thêm tiến sĩ".

Ông Tùng Lâm khẳng định chất lượng đào tạo tiến sĩ nước ta hiện nay không đảm bảo, phải xem lại quy trình đào tạo tiến sĩ ở các trường đại học sao cho thực sự cải tiến và có hiệu quả tương xứng đào tạo của thế giới. Nếu chỉ chạy theo số lượng mà không củng cố chất lượng, dù học thật, bằng thật, chất lượng vẫn giả.

Đồng tình với ý kiến của TS Nguyễn Tùng Lâm, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng GD&ĐT - cho rằng 12.000 tỷ đồng là số tiền lớn trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn, cần cân nhắc thực hiện.

Theo nguyên thứ trưởng GD&ĐT, nên có cách khuyến khích người học bằng cách xã hội hóa. Họ bỏ tiền ra học mới nỗ lực thật sự, nếu được "bao cấp" sẽ không hiệu quả bằng.

Mặt khác, lương giáo viên nước ta hiện nay còn thấp, cơ sở vật chất ở các trường nhiều khó khăn. Vì vậy, ngành giáo dục nên dùng số tiền đó để nâng cao, đầu tư đời sống cho giáo viên, chất lượng giảng dạy, đáp ứng yêu cầu người học, từ đó tạo đà cho toàn ngành phát triển. 

Theo PGS Nhĩ, đào tạo một nhà khoa học chính đáng là cần thiết nhưng không thể trong một thời gian cụ thể (từ năm 2018-2025) có thể "ấp" 9.000 tiến sĩ được.

PGS Nhĩ nêu trước đây, Bộ GD&ĐT có đề án 911, từ năm 2010, với mục tiêu đào tạo 20.000 tiến sĩ. Nhưng do "tuyển sinh ào ào", chất lượng là tiến sĩ... giấy. Trong khi đề án này không đạt được mục tiêu, tại sao Bộ GD&ĐT lại tiếp tục có dự thảo đề án đào tạo 9.000 tiến sĩ?

“Nếu vẫn tiếp tục thực hiện trong vội vàng, chúng ta sẽ lặp lại sai lầm của đề án trước”, PGS Nhĩ khẳng định.

Chạy theo bằng cấp sẽ hình thành nạn bằng giả

Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, suy nghĩ người làm quản lý hay điều kiện bổ nhiệm phải có bằng cấp là sai lầm. Người quản lý cần có năng khiếu, năng lực quản lý và tài năng về khoa học. Chạy theo bằng cấp sẽ hình thành nạn bằng cấp giả, gây thiệt hại cho đất nước.

TS Tùng Lâm: Nên dùng 12.000 tỷ đào tạo 9.000 tiến sĩ để tăng lương giáo viên ảnh 1

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ. Ảnh: Quyên Quyên.

Thực tế đã chứng minh nhiều người có chuyên môn khoa học tốt nhưng làm quản lý không hiệu quả. 

Trong đề án, Bộ GD&ĐT cần chia ra những nhóm ngành ưu tiên đào tạo, đồng thời phải có các tiêu chuẩn, tiêu chí rõ ràng, chi tiết và nghiêm khắc trong khâu tuyển lựa nguồn tuyển.

Khi đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài, Bộ GD&ĐT cần tìm hiểu kỹ nơi nào đào tạo chất lượng tốt, uy tín, bởi có rất nhiều cơ sở đào tạo "ma".

Ngoài ra, bộ cần có chế tài nghiêm khắc cho những người đi học tiến sĩ ở nước ngoài, buộc họ quay trở lại phục vụ đất nước.

Nếu sau khi học xong, tiến sĩ muốn ở lại nước ngoài làm việc sẽ trả lại tiền thôi chưa đủ, cần phạt số tiền cao gấp đôi chi phí đã được trợ cấp đi học. Bởi thực tế, nhiều tiến sĩ chấp nhận trả lại tiền đi học để không trở về, đó là điều đáng buồn.

Bộ GD&ĐT vừa có dự thảo Đề án trình Chính phủ: "Nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2018-2025".

Theo đó, đề án sẽ tập trung vào hỗ trợ các cơ sở giáo dục đại học đạt được mục tiêu nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý theo chiến lược phát triển và yêu cầu đào tạo chất lượng cao của cơ sở.

Đề án nêu đến năm 2025 nâng tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ lên 35% (khoảng 9000 tiến sĩ) tổng số giảng viên các cơ sở giáo dục đại học. Trong đó, đào tạo khoảng 5.000 tiến sĩ ở nước ngoài tại các trường đại học có uy tín trên thế giới.

Từ 2018 đến 2025, mỗi năm tuyển chọn khoảng từ 600-700 nghiên cứu sinh đi đào tạo ở nước ngoài; thu hút khoảng 1.500 tiến sĩ đang công tác ở nước ngoài hoặc đang làm việc ngoài các cơ sở giáo dục đại học đến làm việc tại các trường đại học tại Việt Nam...

Tổng kinh phí thực hiện đề án dự kiến là 12.000 tỷ đồng. 

Theo Theo Zing
MỚI - NÓNG