Truyện tranh khai thác lịch sử, văn hóa Việt: Manh nha ăn khách

TPO - Thị trường truyện tranh ở Việt Nam ngày càng đa dạng và phong phú từ thể loại tới nội dung. Các tác giả trẻ không chỉ đầu tư vào nét vẽ, hình thức mà còn chú trọng đến nội dung khai thác nét đẹp văn hóa truyền thống, sự kiện lịch sử dân tộc.

Cảm hứng từ lịch sử dân tộc

Nhật Bản thành công trong việc lồng ghép những giá trị văn hóa vào truyện tranh. Dù sinh sau đẻ muộn, truyện tranh Việt Nam bắt đầu có sự đầu tư nghiêm túc của tác giả trẻ. Theo đánh giá của giới chuyên môn, các bộ truyện tranh Việt Nam được yêu thích đều mang nét vẽ, câu chuyện thuần Việt.

Để có thể sáng tạo một bộ truyện tranh chuyển tải những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, các tác giả phải dành nhiều công sức, thời gian để tìm hiểu tài liệu lịch sử và chọn lọc thông tin một cách tỉ mỉ. Bộ đôi tác giả Linh và Thạch cho ra mắt bộ truyện Vạn Nhân Ký - Noãn được lấy cảm hứng từ những cuộc chiến tranh cuối thế kỷ XVIII.

Truyện tranh khai thác lịch sử, văn hóa Việt: Manh nha ăn khách ảnh 1

Bộ đôi tác giả Vạn Nhân Ký - Noãn dành ba năm để nghiên cứu, tìm hiểu tài liệu, sáng tạo cốt truyện.

Tác giả bộ truyện chia sẻ rằng việc tìm kiếm và phục dựng hình ảnh chính xác từ những tài liệu lịch sử là sự thử thách lớn. Để có được những thông tin xác tín, bộ đôi tác giả của Vạn Nhân Ký - Noãn phải dành phần lớn thời gian để tra cứu, đối chiếu thông tin từ nhiều nguồn sử liệu ở trong và ngoài nước, chính thống lẫn dân gian, tư liệu bằng chữ viết và hình ảnh.

Bên cạnh những bộ truyện lấy cảm hứng từ bối cảnh lịch sử, một số bộ truyện thiết kế, xây dựng ngoại hình, tính cách nhân vật dựa trên anh hùng có thật trong sử sách.

Truyện tranh khai thác lịch sử, văn hóa Việt: Manh nha ăn khách ảnh 2

Hình tượng Hưng Đạo Vương được thể hiện trong truyện Tứ Phủ Xét Giả kèm chú thích cuối chương.

Rover Studio là nhóm tác giả của Tứ Phủ Xét Giả cho biết nhiều vị anh hùng được đề cử góp mặt trong truyện, nhưng mỗi nhân vật đều phải được lựa chọn cẩn thận. Điều này đảm bảo không chỉ để phù hợp với nội dung, dòng thời gian mà còn để làm nổi bật tính cách và vai trò lịch sử của nhân vật ấy.

Cảm hứng cho tác giả trẻ còn đến từ những nét văn hóa truyền thống, độc đáo của địa phương. Anh Lê Vũ Kiến Duy - tác giả Truyện ma sau 6 giờ chia sẻ luôn ưu tiên những chi tiết gần gũi với đời sống hơn những chi tiết văn hóa phức tạp.

“Việc lựa chọn yếu tố văn hóa không gặp nhiều khó khăn. Hầu hết chi tiết văn hóa xuất hiện trong truyện đều bình dị, mộc mạc và gắn liền với tuổi thơ của mình và người miền Tây. Đó là đèn dầu, cúng đình, chim sáo sang sông...”, anh Lê Vũ Kiến Duy nói.

Truyện tranh khai thác lịch sử, văn hóa Việt: Manh nha ăn khách ảnh 3

Hình ảnh lễ rước 12 con giáp trong truyện được lấy cảm hứng từ Lễ hội Kỳ Yên - lễ hội cầu an lớn nhất ở vùng Nam Bộ.

Bộ truyện Bẩm thầy Tường, có thầy Vũ đến tìm! đạt giải Đồng trong cuộc thi Japan International Manga Award 2022, lấy bối cảnh làng quê Việt Nam thời xưa. Họa sĩ Hoàng Tường Vy vốn có hứng thú với những gì thuộc cổ phong Việt Nam nên tác giả đã đưa được nhiều những nét đẹp truyền thống vào trong từng trang truyện.

Khung cảnh làng quê như mái đình, luỹ tre làng, trang phục truyền thống và cử chỉ, lời nói của nhân vật được miêu tả kỹ càng, chi tiết.

Thiếu tư liệu

Nhà phê bình, nhà thơ Nguyễn Phong Việt nhận định kho tàng văn hóa của Việt Nam rất đa dạng và phong phú với lịch sử dân tộc trải dài hàng nghìn năm. Việc đưa yếu tố văn hóa truyền thống vào các tác phẩm sách, truyện sẽ trở thành dấu ấn, tạo sự khác biệt với các tác giả trong khu vực.

Truyện tranh khai thác lịch sử, văn hóa Việt: Manh nha ăn khách ảnh 4

Một số hình ảnh tác phẩm của họa sĩ Hoàng Tường Vy.

Anh lý giải nguyên nhân các tác giả trẻ thường sáng tác truyện tranh mang tính hư cấu và chỉ lấy cảm hứng từ lịch sử, văn hóa là bởi những dữ liệu về các giai đoạn lịch sử dân tộc chưa xác đáng và thống nhất. Điều này khiến người trẻ dè dặt khi tiếp cận đề tài lịch sử vì không có nguồn tư liệu để đối chiếu.

“Nếu chúng ta kể câu chuyện về một cuộc chiến hay một nhân vật lịch sử Việt Nam không chính xác sẽ rất nguy hiểm, bởi đó là sự xuyên tạc lịch sử”, nhà thơ Phong Việt nêu.

Dù không thể nắm rõ, nêu rõ bản chất về một giai đoạn lịch sử nào nhưng các tác giả trẻ đã mượn những chất liệu đó để sáng tạo ra một câu chuyện và truyền tải tới độc giả. "Đây là một cách để tác giả tạo ra sự hấp dẫn, kịch tính cho câu chuyện hay nhân vật nào đó trong tác phẩm", nhà thơ Phong Việt cho biết.

Truyện tranh khai thác lịch sử, văn hóa Việt: Manh nha ăn khách ảnh 5

Cổ phúc Việt được đưa vào Truyện ma sau 6 giờ.

Anh đặt niềm tin vào tương lai gần Việt Nam có thể tạo ra bộ dữ liệu thống nhất về các giai đoạn lịch sử, các nền văn hóa của người Việt góp phần phát triển các ngành nghệ thuật trong đó có sách, truyện, điện ảnh, truyền hình…

Quyển 1 Tứ Phủ Xét Giả đã bán được hơn 1.000 bản trong vòng 15 ngày đầu lên kệ. Bản đặc biệt tập 1 Truyện ma sau 6 giờ bán hết 300 bản chỉ sau 3 tiếng từ lúc mở bán. Sau sự thành công của bộ truyện tranh Truyện ma sau 6 giờ, phiên bản truyện tranh động cũng được phát hành nhằm phục vụ công chúng yêu thích bộ truyện này.

Tin liên quan