Hai dự báo sáng suốt của Đề cương về Văn hóa Việt Nam

TPO - GS.TS Đinh Xuân Dũng - nguyên Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng lý luận phê bình Văn học nghệ thuật T.Ư khẳng định Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời năm 1943 là sự thể hiện đầy sức thuyết phục về tầm nhìn, bản lĩnh và sự nhiệt huyết của những người cộng sản Việt Nam. Đề cương đưa ra những dự báo sáng suốt về tương lai của văn hóa Việt Nam. 

Sự khai phá mở đường

Tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển, GS.TS Đinh Xuân Dũng - nguyên Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng lý luận phê bình Văn học nghệ thuật T.Ư khẳng định Đề cương về Văn hóa Việt Nam ra đời năm 1943 là sự thể hiện đầy sức thuyết phục về tầm nhìn, bản lĩnh và sự nhiệt huyết của những người cộng sản Việt Nam trong công cuộc chuẩn bị đường hướng cho việc tiến hành một sự nghiệp lớn: đấu tranh xây dựng “một nền văn hóa mới”.

Hai dự báo sáng suốt của Đề cương về Văn hóa Việt Nam ảnh 1

GS.TS Đinh Xuân Dũng tại hội thảo 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển. Ảnh: NHƯ Ý.

"Ba luận điểm làm rõ thái độ của Đảng Cộng sản Đông Dương đối với văn hóa được trình bày ngắn gọn, cô đúc trong Đề cương, có giá trị khai phá mở đường, khẳng định tính nguyên tắc và trách nhiệm của Đảng đối với sự nghiệp văn hóa", GS.TS Đinh Xuân Dũng phát biểu.

Các luận điểm bao gồm Mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa), ở đó người cộng sản phải hoạt động, không phải chỉ làm cách mạng chính trị mà còn phải làm cách mạng văn hóa, có lãnh đạo được phong trào văn hóa Đảng mới ảnh hưởng được dư luận, việc tuyên truyền của Đảng mới có hiệu quả.

Hai dự báo sáng suốt của Đề cương về Văn hóa Việt Nam ảnh 2

Các đại biểu trong phiên thảo luận bàn tròn. Ảnh: NHƯ Ý.

Theo GS.TS Đinh Xuân Dũng, Đề cương về Văn hóa Việt Nam còn góp phần tạo nên cội nguồn, động lực cho sức mạnh tổng hợp của cách mạng dẫn tới thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám 1945.

Mặc dù sau 80 năm nhìn lại Đề cương, một số nhận định, đánh giá cần điều chỉnh bổ sung tuy nhiên giá trị lớn của Đề cương vừa có ý nghĩa lịch sử mang tính bước ngoặt của giai đoạn 1943-1945, vừa có tầm nhìn như sự khai phá mở đường, đặt nền móng cho toàn bộ quá trình tìm tòi, xây dựng hệ thống quan điểm cơ bản của Đảng về văn hóa.

Mục tiêu chủ yếu của Đề cương là khẳng định những quan điểm gốc về chính trị, đặt nền tảng tư tưởng cơ bản để chuẩn bị cho việc tiến hành một sự nghiệp khó khăn và tế nhị: cải tạo nền văn hóa cũ và xây dựng nền văn hóa mới", GS.TS Đinh Xuân Dũng.

Dự báo về tương lai văn hóa Việt Nam

Nguyên Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng lý luận phê bình Văn học nghệ thuật T.Ư nêu hai dự báo sáng suốt của Đề cương về tương lai của văn hóa Việt Nam. Năm 1943, đất nước đang đứng trước những biến cố lớn, khó lường do Chiến tranh thế giới thứ hai gây nên, cuộc vận động cách mạng đang hết sức khẩn trương.

Đề cương nêu lên hai ức thuyết. Một là, “nền văn hóa phát xít thắng thì văn hóa Việt Nam nghèo nàn, thấp kém”. Hai là, “văn hóa Việt Nam sẽ do cách mạng dân chủ giải phóng thắng lợi mà được cởi mở xiềng xích và sẽ đuổi kịp văn hóa tân dân chủ thế giới”. Từ đó, Đề cương dự báo: “Căn cứ vào điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội hiện nay, cách mạng dân tộc Việt Nam nhất quyết sẽ làm cho ức thuyết thứ hai trở nên sự thực”. Đến nay, ức thuyết trên trở thành hiện thực trong gần 80 năm qua.

"Đặt ức thuyết đó vào thời điểm chúng ta đang tay trắng phải thấy rằng đó là một dự báo tài tình, là kết quả của sự linh cảm, niềm tin và sự phân tích khoa học", GS.TS Đinh Xuân Dũng nhận định.

Dự báo thứ hai còn có ý nghĩa chiến lược sâu sắc hơn, đó là sự khẳng định một quy luật có tính phổ quát của toàn bộ sự nghiệp cách mạng: “Phải hoàn thành cách mạng văn hóa mới hoàn thành được cuộc cải tạo xã hội”.

GS.TS Đinh Xuân Dũng viện dẫn: Năm 1945, chúng ta giành được độc lập dân tộc. Năm 1975, chúng ta giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Năm 1991, khi các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu và Liên Xô (cũ) sụp đổ, chúng ta đứng vững. Cuối thế kỷ XX, chúng ta thoát khỏi tình trạng một nước nghèo nàn, kém phát triển và bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Hai dự báo sáng suốt của Đề cương về Văn hóa Việt Nam ảnh 3

Hội thảo thu hút gần 300 đại biểu trực tiếp và tại các điểm cầu trên cả nước. Ảnh: NHƯ Ý.

"Như vậy, về mặt chính trị và kinh tế, chúng ta đã giành được những thành tựu có ý nghĩa lịch sử, song trên thực tiễn, đến nay còn nhiều vấn đề lớn lao và hệ trọng, trong đó vấn đề văn hóa đã và đang nổi lên như một thách thức dai dẳng. Điều khẳng định trong Đề cương cách đây 80 năm phải hoàn thành cách mạng văn hóa mới hoàn thành được cuộc cải tạo xã hội chính là việc phát hiện một quy luật sâu sắc trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng của chúng ta", GS.TS Đinh Xuân Dũng nói.

Tin liên quan