Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris. (Ảnh: Reuters) |
Thời báo Hoàn cầu (Global Times) dẫn lời các chuyên gia Trung Quốc đánh giá rằng sự thể hiện của bà Harris ở Nhà Trắng là “mờ nhạt”, cho rằng bà “thiếu kinh nghiệm và thành tựu để làm tổng thống”.
Một tờ báo chính thống khác của Trung Quốc nhấn mạnh mô tả của nhóm hỗ trợ ứng viên Donald Trump rằng bà Harris “dễ bị đánh bại” hơn tổng thống đương nhiệm.
“Điều này có nghĩa là ông Trump sẽ thắng à?” một người viết trên mạng xã hội Weibo, nơi hashtag “Biden exit” được xem 490 triệu lượt, trong đó nhiều người diễn giải tác động từ việc Tổng thống Biden dừng tranh cử đối với Trung Quốc.
Một cuộc khảo sát với 12.000 người dùng trên mạng xã hội này cho thấy gần 80% tin rằng phe Cộng hòa sẽ chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11, nhưng họ không gọi đây là kết quả tiêu cực với Trung Quốc.
Ngày 22/7, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh không trả lời câu hỏi về quyết định dừng tranh cử của Tổng thống Biden. Bà Mao Ninh nói đây là “công việc nội bộ” của Mỹ nên không bình luận.
Hầu hết các nhà phân tích đồng ý rằng, nếu bà Harris đắc cử, sẽ có sự nối tiếp về chính sách đối ngoại và thương mại với Bắc Kinh, ít nhất trong giai đoạn đầu.
“Có một sự tiếp nối liên tục trong lập trường của Mỹ ở giai đoạn này. Dù là ông Biden, ông Trump hay bà Harris, đó thực sự chỉ là vấn đề phong cách”, Josef Gregory Mahoney, giáo sư ngành quan hệ quốc tế tại Đại học Sư phạm Hoa Đông ở Thượng Hải, nhận định.
Theo ông, về cơ bản, tổng thống tiếp theo phải trình bày được những lợi ích kinh tế và chiến lược của Mỹ.
Căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới gia tăng trong những năm gần đây vì vấn đề Đài Loan và nỗ lực của Mỹ nhằm ngăn Trung Quốc tiếp cận chip công nghệ cao.
Ông Hồ Tích Tiến, cựu tổng biên tập Thời báo Hoàn cầu nhấn mạnh, bà Harris mới gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề một hội nghị thượng đỉnh ở Thái Lan và chưa có chuyến thăm nào đến Bắc Kinh trên cương vị hiện nay. Ông Biden là tổng thống Mỹ đầu tiên từ thời chính quyền Jimmy Carter chưa từng thăm Trung Quốc ở vị trí ông chủ Nhà Trắng.
Dẫu vậy, Tổng thống Biden nhiều lần khẳng định ông “dành nhiều thời gian” với ông Tập hơn bất kỳ nhà lãnh đạo thế giới nào, với “khoảng 90 giờ đồng hồ”.
Ông Drew Thompson, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu tại Singapore, cho rằng bà Harris sẽ cần nhanh chóng xây dựng lòng tin với các cố vấn an ninh quốc gia để họ giúp bà hoạch định chính sách đối với Trung Quốc.
“Bà Harris không có kinh nghiệm về Trung Quốc và đây không phải lĩnh vực mà bà ấy hoàn toàn thoải mái. Ông Biden có quan hệ từ lâu với các nhà lãnh đạo thế giới, trong đó có ông Tập, nhưng bà Harris thì không”, ông Thompson nhận xét.
Sau hội nghị thượng đỉnh ở Indonesia năm ngoái, bà Harris nói rằng cần bảo vệ các lợi ích của Mỹ và bảo đảm “chúng ta là nhà lãnh đạo trong việc định hình quy tắc, thay vì đi theo luật của người khác”.
Tại sự kiện đó, bà Harris chỉ trích Bắc Kinh “chèn ép” với những nỗ lực chặn tiếp cận trên Biển Đông. Bà cũng đến thăm đảo Palawan của Philippines, hòn đảo nằm gần khu vực tranh chấp giữa các nước láng giềng.
Bà Zhu Junwei, giám đốc nghiên cứu về Mỹ tại Viện Grandview, cho rằng bà Harris sẽ tiếp nối chính sách đối ngoại của Tổng thống Biden về tổng thể, nhất là liên quan đến Trung Quốc.
“Hai đảng Cộng hoà và Dân chủ của Mỹ không có nhiều khác biệt về vấn đề Trung Quốc”, bà nói.