Bắc Giang hiện được coi là địa phương có tập đoàn cây ăn quả phong phú và diện tích lớn nhất miền Bắc hiện nay với tổng diện tích hơn 45 nghìn ha trong đó vải thiều có diện tích hơn 31 nghìn ha, doanh thu từ vải thiều trong năm 2015 đạt khoảng 3 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, Bắc Giang cũng đang đẩy mạnh phát triển nhiều loại cây ăn quả khác như na dai, bưởi Diễn, cam Canh, cam Vinh…
Để xây dựng thương hiệu cho vùng cây ăn quả của tỉnh, Bắc Giang đang tận dụng những lợi thế trong truyền thông qua các phương tiện báo chí. Ông Nguyễn Thế Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo Bắc Giang khẳng định, báo chí đã phản ánh đầy đủ, chân thực và sinh động bức tranh toàn cảnh về vùng cây ăn quả tập trung, làm tốt vai trò phản biện, kiến giải để giúp các nhà hoạch định chính sách, người tổ chức, quản lý và người trực tiếp thực hiện thấy rõ những cơ hội cũng như khó khăn, thách thức đặt ra, chủ động sáng tạo khi bắt tay vào thực hiện chương trình xây dựng và bảo vệ thương hiệu cây ăn quả.
Câu chuyện thần kỳ của cam Cao Phong gần đây là một ví dụ điển hình của việc gắn truyền thông với phát triển thương hiệu. Cách đây vài năm, cam Cao Phong phải núp bóng cam Vinh để tiêu thụ, thậm chí bị nghi ngờ là cam Trung Quốc. Người trồng cam ở huyện Cao Phong (Hòa Bình) không lạ gì câu chuyện mất mùa được giá, được mùa mất giá. Nhưng 2 năm nay, cam Cao Phong đàng hoàng trên sạp hàng ở các siêu thị lớn. Giá luôn ở mức cao, khoảng 30 nghìn đồng/kg, thương lái đến tận vườn để ký hợp đồng tiêu thụ từ lúc cây mới ra hoa. Đạt được điều này chính là bởi Cao Phong đã thực hiện hàng loạt các hoạt động truyền thông như tổ chức các lễ hội cam, các hội nghị gặp mặt các hộ kinh doanh để tuyên truyền và triển khai phương án kinh doanh. Và mới đây nhất, Công ty Cổ phần xây dựng sông Hồng (Incomex) đã trở thành một đối tác quan trọng của Cao Phong khi góp vốn cùng Công ty TNHH một thành viên Cao Phong Hòa Bình đã ký hợp đồng với nhiều đơn vị truyền thông để tổ chức các sự kiện nhằm quảng bá, giới thiệu, xúc tiến thương mại cho sản phẩm cam Cao Phong. Hay như tại tỉnh Phú Thọ, các sản phẩm bưởi của địa phương này như bưởi Đoan Hùng, bưởi Sửu, bưởi Bằng Luân… cũng đã được ngân sách Nhà nước đầu tư hơn 5 tỷ đồng. Huyện Đoan Hùng thành lập Ban chỉ đạo phát triển bưởi và thành lập một trang web chuyên về bưởi đặc sản.