Các nhà quan sát quân sự của tờ Bloomberg nhận định, chiến lược của Ukraine là cố gắng giữ vững tiền tuyến đến nửa cuối năm nay, khi nước này có thể nhận được máy bay chiến đấu F-16. Ngoài ra, vào thời điểm đó, các nhà sản xuất đạn pháo của phương Tây cũng có thể có kế hoạch tăng cường nguồn lực vũ khí cho Ukraine. Điều này sẽ cho phép Kiev lên kế hoạch cho một cuộc phản công mới có thể diễn ra vào năm 2025.
Theo bài báo, các quan chức Ukraine lo ngại nếu các đồng minh của nước này không tăng nguồn cung cấp đạn dược, cuộc tấn công của Nga sẽ có "động lực đáng kể vào mùa hè này".
Cần lưu ý rằng, trong cuộc phỏng vấn với CNN hôm 27/2, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thừa nhận sự thiếu hụt nghiêm trọng các nguồn lực về đạn dược và thiết bị quân sự cần thiết để duy trì khả năng chống lại quân đội Nga, đe dọa đến hiệu quả chiến đấu của lực lượng Ukraine trong điều kiện hiện tại.
Kiev từ lâu đã mong chờ F-16 từ các nước phương Tây. Mốc thời gian cụ thể đầu tiên cho sự xuất hiện của tiêm kích F-16 là tháng 6/2024.
Trước đó, hôm 22/2, Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch Troels Lund Poulsen cũng tuyên bố nước này có kế hoạch chuyển máy bay chiến đấu F-16 đầu tiên cho Ukraine vào mùa hè năm nay.
F-16 là máy bay chiến đấu hạng nhẹ đa năng thế hệ thứ tư do tập đoàn Lockheed Martin sản xuất. Máy bay được thiết kế để có thể thực hiện các nhiệm vụ ném bom mục tiêu mặt đất lẫn đánh chặn trên không.
F-16 được trang bị một động cơ phản lực Pratt&Whitney F100-PW-200, lực đẩy tối đa 106 kN có đốt sau. Động cơ này giúp F-16 đạt tốc độ tối đa Mach 2 (tương đương 2.400 km/h), tầm bay khoảng 4.200 km.
Chiến đấu cơ này được trang bị 11 giá treo để mang vũ khí các loại như tên lửa không đối không, không đối đất, cùng nhiều loại bom dẫn đường thông minh.