Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Nga Evgeny Fedosov, Giám đốc khoa học Viện nghiên cứu hệ thống hàng không nhà nước (GosNIIAS), cho biết việc phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu đang được Nga triển khai.
Dự án đầy tham vọng này liên quan đến việc tạo ra một nền tảng hàng không có khả năng đáp ứng những thách thức của các cuộc xung đột vũ trang trong tương lai, đồng thời duy trì mô hình có người lái và được bổ sung thêm hệ thống trí tuệ nhân tạo.
"Chúng tôi đang nghĩ đến khái niệm máy bay thế hệ thứ sáu. Một chiếc máy bay như vậy có khả năng sẽ xuất hiện vào năm 2050", Viện sĩ Fedosov cho biết trong cuộc phỏng vấn hãng thông tấn TASS.
Giám đốc khoa học GosNIIAS cũng chỉ ra rằng, máy bay chiến đấu đang trở nên phức tạp hơn từ thế hệ này sang thế hệ khác, kích thước và trọng lượng có xu hướng tăng lên, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến giá thành.
Một đặc điểm của máy bay chiến đấu thế hệ sáu là khả năng phối hợp với máy bay không người lái, cho phép giải quyết hiệu quả các nhiệm vụ chiến đấu trong khu vực của hệ thống phòng không, giảm thiểu rủi ro đến tính mạng của phi công.
Viện sĩ Evgeny Fedosov không tiết lộ liệu máy bay mới có được phát triển trong một chương trình mới hay không. Tuy nhiên, trước đó có thông tin cho biết Nga được cho là đang tham gia chương trình Mikoyan PAK DP, nhằm tạo ra máy bay đánh chặn thế hệ tiếp theo kế nhiệm Mikoyan MiG-31.
Máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu là một khái niệm mới bao gồm khả năng và công nghệ tiên tiến. Những máy bay này được thiết kế chiếm ưu thế trên không với hiệu suất được nâng cao trong chiến đấu không đối không.
Trong những năm gần đây, nhiều quốc gia đã bày tỏ ý định bắt tay vào phát triển các chương trình máy bay thế hệ thứ sáu, cho thấy nỗ lực toàn cầu hướng tới nâng cao năng lực hàng không quân sự. Trong đó, Mỹ được là nước tích cực thúc đẩy việc phát triển máy bay thông qua chương trình máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ tiếp theo (NGAD).
Các sáng kiến đa quốc gia cũng đã xuất hiện, phản ánh cách tiếp cận chiến lược nhằm tận dụng các nguồn lực và kiến thức chuyên môn được chia sẻ đồng thời giảm thiểu chi phí phát triển.
Theo đó, Nhật Bản, Anh và Italy công bố kế hoạch hợp tác để phát triển máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo vào năm 2035. Trong khi Pháp, Đức, Tây Ban Nha đang hợp tác phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 thông qua dự án Hệ thống Không quân chiến đấu tương lai (FCAS).
Trung Quốc cũng được cho là đang trong quá trình phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu. Được biết, nước này cũng đã chứng tỏ khả năng của mình với việc chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm J-20.