Truyện ngắn: Ông già tây bắc

Truyện ngắn: Ông già tây bắc
TP - Tôi có việc cùng đi với Binh về quê của cậu ta. Hai chúng tôi xuống tầu hoả ở ga Thiên Thuỷ, tỉnh Cam Túc rồi lên xe khách đi huyện Thanh Thuỷ. Từ bến xe về quê Binh còn những hơn hai mươi dặm đường đất. Đến nơi thì bụng đói cồn đói cào, nhưng ngó lên thì mặt trời đã đứng bóng, đành bấm bụng bảo nhau đi cho kịp độ đường.
Truyện ngắn: Ông già tây bắc ảnh 1 Minh họa: Vũ Xuân Tiến.
Nhưng đi độ bốn năm dặm thì đói không chịu được nữa, tôi mới bàn với Binh tìm một quán ăn xem có gì nhét vào bụng, nhưng Binh nói rằng suốt con đường này ban ngày đốt đuốc cũng tìm chẳng ra một quán ăn. Biết làm sao được, đành phải vào xóm nhờ cậy vậy.

Gia đình chúng tôi vào chỉ có hai ông cháu ở nhà. Đứa cháu chừng sáu bẩy tuổi, lem lấm đất cát vì nghịch. Ông già mặc chiếc áo da dê, đang phơi sa nhân. Chúng tôi nói với ông già ý định của mình. Ông dẫn chúng tôi vào nhà, rót nước cho uống rồi bưng lên mấy chiếc bánh bao và một đĩa củ đậu xào, nói:

- Bữa trưa còn lại có thế này thôi.

Tôi sờ thử thấy nguội lạnh, bèn nói:

- Ông ơi, ông có thể hâm nóng giúp được không?

Ông lão nhìn tôi, do dự:

- Hâm nóng thì phải trả tiền đấy.

Tôi nói:

- Ông yên tâm đi, chúng con không để ông phải thiệt đâu.

Ông già dường như vẫn còn băn khoăn, một lát nói:

- Các anh có ăn được thịt dê không?

Tôi đáp:

- Được, ông làm cho anh em chúng con mỗi người một bát canh thịt dê.

Thấy tôi đáp có vẻ hào hứng, xem ra ông già không yên tâm, nói tiếp:

- Thịt dê không rẻ đâu nhé.

Tôi nói:

- Được mà, ông cứ làm cho chúng con.

Ông già bảo “được”, rồi dắt tay đứa cháu ra ngoài. Đi được mấy bước ông lão lại ngoái lại hỏi:

- Làm thêm hai cái bánh nướng nữa nhé?

Tôi có cảm giác ông lão này hơi lắm lời, bèn nói:

- Được rồi, được rồi. Chúng con phó thác cho bố đấy, bố làm thế nào cũng được.

Ông già nói với chúng tôi “thế thì được”, rồi mới dắt cháu vào nhà bếp.

Chừng nửa giờ đồng hồ, ông già bưng lên cho chúng tôi hai bát canh thịt dê đầy tràn và hai chiếc bánh nướng to tổ bố. Chúng tôi đói ngấu rồi, bèn vồ lấy xì xụp ăn. Ông già ngồi bên cạnh móc túi thuốc rê nhồi một điếu, liếc nhìn chúng tôi ăn rồi quay đi lim dim mắt rít lấy rít để. Được chừng mươi hơi, đột nhiên ông già cao giọng hỏi chúng tôi:

- Canh dê có hợp khẩu vị không?

Chúng tôi nói canh ngon lắm. Ông già rít tiếp mấy hơi nữa, vẫn lim rim mắt, nói:

- Canh của tôi chắc không sánh được với ở trên chợ huyện, nhưng cũng đủ các thứ gia vị đấy.

Ngừng một lát, mắt vẫn lim rim, ông già hỏi tiếp:

-  Thịt dê có được không?

Chúng tôi đáp thịt tươi ngon lắm. Ông già vẫn không ngó chúng tôi:

- Thịt dê các anh ăn, ở chợ huyện làm hai bát vẫn còn thừa đấy.

Một lát sau ông già lại hỏi:

- Bánh ăn có được không?

Tôi chợt hiểu, ông già lòng vòng thế là để bàn đến số tiền mà chúng tôi phải trả. Tôi bảo:

- Ông ơi, ông vòng vo thế làm gì, đáng bao nhiêu thì ông nói một tiếng đi.

Ông lão nhoẻn cười, gõ gõ chiếc tẩu vào ống giầy, nói:

-Thế thì tốt, một người muốn đòi tiền, một người sẵn sàng trả tiền vậy lão khỏi phải khách sáo, tất cả là sáu đồng.

Nói rồi ông lão dùng chiếc tẩu vẽ một vòng lên không trung, ý như là chuyện phải thế, kẻ mua người bán mà.

-Sáu đồng?

Bỗng nhiên tôi cảm thấy khó xử. Vừa nãy tôi đã nghĩ, ông già này thật là thạo buôn bán, do đó đã chuẩn bị để sẵn sàng bị “chém”. Nào ngờ cái con số “trời ơi” mà tôi chưa biết ông già sẽ hét bao nhiêu lại chỉ có sáu đồng. Nói thật lòng, cái giá sáu đồng thật quá bèo bọt, đúng giá mỗi bát canh thịt dê như thế phải trên mười đồng. Tôi đang mở miệng định nói, thì Binh lấy chân đá đá vào chân tôi, ra ý bảo, bây giờ chúng tôi là bên mua, ông lão là bên bán.

Ăn xong bát canh, bụng no căng, người nóng toát mồ hôi nhưng lại không có tiền lẻ, bèn lấy tờ mười đồng để ông lão trả lại. Ông lão cầm tờ bạc, xăm soi lên trời. Ông già soi cái gì, tôi lờ mờ chẳng rõ, nhưng không nhịn được cười. Đại khái ông lão tin rằng đó là tờ bạc thật rồi, bèn nhét vào túi áo trong, sau đó lục tìm khắp các túi to túi nhỏ trên người, nhưng không tìm ra tiền lẻ để trả lại. Cuối cùng ông lão bèn mở chiếc bao tải gai để ở góc nhà lấy ra một hộp đựng đầy sa nhân đưa cho chúng tôi. Ông lão nói:

-Tiền bố thằng cháu nó bỏ tủ khoá mất rồi, các anh cầm tạm cái này thay tiền được không?
Tôi bỗng cảm thấy ngượng. Tiền của tôi làm sao lại có giá đến thế, mười đồng ăn một bữa no nê, lại còn được cả một hộp sa nhân, một vị thuốc mà ở cửa hiệu người ta bán đến trăm đồng nửa kí. Tôi sợ ông lão nhầm tờ mười đồng thành tờ một trăm bèn nói:

-Con đưa cho ông tờ mười đồng mà.

Ông lão có vẻ ngượng, cúi đầu nói nhỏ:

-Lão biết, lão biết mà. Lão tính các anh cũng chẳng thiệt bao nhiêu, chỉ một hai đồng. Vậy lão đánh xe lừa kéo đưa các anh đi một đoạn là được chứ gì?

Tôi cảm thấy có phần kinh ngạc, mở miệng định nói nhưng Binh đứng sau véo vào lưng tôi một cái. Thằng cha này, tôi muốn đập chết gã. Nhưng cũng có thể, chúng tôi đúng đang là một bên mua và một bên bán.

Ngồi xe lừa kéo, tôi với ông lão chuyện trò thật say sưa. Binh cũng đùa vui xả láng với đứa cháu ông già. Thấy ông lão một tay cứ thu vào trong ngực áo, đoán là ông lạnh, tôi bèn tháo chiếc bao tay đưa cho ông. Ông lão không nhận, rút bàn tay bỏ ra ngoài. Nhưng một lát sau lại luồn vào trong áo. Lần này khi rút ra, ông cũng rút luôn ra tờ mười đồng, rồi nhét và túi tôi. Ông nói:
- Không lấy tiền đâu, đã thành bạn bè rồi sao lại lấy tiền.

Tôi không làm sao phán đoán theo cái lý thông thường được, vội cầm tiền nhét lại túi ông già như một phản xạ tự nhiên, nói:

- Ông ơi, không có biếu thêm ông, sao có thể nhận lại được. Ông cầm lấy đi.

Nhưng ông già nhanh nhẹn hẳn lên, cầm tờ giấy bạc nhét lại vào túi tôi:

- Không được, không được, sao lại lấy tiền của bạn bè?

Tôi lại nhét tiền vào túi ông lão, ông lại lôi ra nhét trở lại túi tôi, giằng co như thế cho đến khi tôi nhét được tiền vào túi ông và giữ chặt tay ông lại, ông mới thôi. Tuy nhiên miệng ông cứ lẩm bẩm mãi:

- Thật ngượng quá, ngượng quá. Đã là bạn bè còn lấy tiền của nhau…

Còn tôi, tôi chẳng biết nói thế nào nữa.

Hà Phạm Phú (dịch)
MỚI - NÓNG