> Trung Quốc sẽ thôi dùng nội tạng tử tù
Đối với một người dẫn chương trình truyền hình bình thường, tỷ lệ người xem là mối quan tâm số một. Nhưng ông Yu Jiaqing không phải lo lắng về việc thu hút khán giả, vì khán giả của ông là hơn 10.000 tù nhân ở Bắc Kinh.
“Tỷ lệ người xem của tôi là 100%. Đó là điều cuối cùng mà tôi phải lo lắng”, ông Yu đùa. Với người dẫn chương trình 58 tuổi này, thất bại lớn nhất là khi không thể khiến người phỏng vấn bật khóc.
“Một số tội phạm có vẻ ngoài khinh khỉnh, dù có đối mặt án tử hình. Họ che giấu cảm xúc thật sự của mình. Khi họ chảy nước mắt khi đáp lại câu hỏi của tôi, tôi biết rằng mình đã vượt qua hàng rào phòng vệ của họ và từ lúc đó trở đi, họ sẽ nói thật”, ông Yu nói.
Cục Nhà tù Bắc Kinh chú trọng việc cải tạo phạm nhân. Cơ quan này ra mắt tờ báo nhà tù đầu tiên tên là Tái sinh Bắc Kinh vào năm 1987. Tù nhân được khuyến khích viết bài cho tờ báo.
Năm 2005, Cục Nhà tù Bắc Kinh khai trương một đài truyền hình và bắt đầu phát sóng ở 14 nhà tù ở thủ đô. Tám cảnh sát trại giam, trong đó có ông Yu, được tuyển dụng.
“Thông qua việc phát các chương trình, chúng tôi muốn đem đến cho tù nhân một kênh giao tiếp với thế giới bên ngoài”, ông Zheng Zhaolin, Giám đốc Trung tâm Tin tức của Cục Nhà tù Bắc Kinh nói.
Những người mà ông Yu phỏng vấn gồm quan chức, lính gác nhà tù và tù nhân. Làm việc với tù nhân hơn hai thập kỷ, ông Yu, nguyên phóng viên báo Tái sinh Bắc Kinh, nói các chương trình TV chủ yếu được coi là công cụ giúp cải tạo phạm nhân. Một số chương trình phổ biến gồm có đọc tin tức báo chí, đối thoại với cảnh sát, giải thích luật hình sự và quy định liên quan.
Những giọt nước mắt cuối cùng
Một trong những chương trình nổi tiếng nhất, Tâm điểm, tập trung vào những người bị kết án tử hình. “Tổ chức đối thoại với tử tù và nghe những lời cuối cùng của họ có thể cảnh báo những tù nhân khác. Họ sẽ xem xét có nên tái phạm sau khi mãn hạn tù”, ông Yu nói.
Ông nhớ lại một vụ khiến các tù nhân thảo luận sôi nổi. Wang Lihua cùng hai đồng phạm bị kết án tử hình vì tội bắt cóc và tàng trữ vũ khí trái phép. Ông Yu thu xếp được một cuộc phỏng vấn 15 phút với Wang trước khi tù nhân này bị thi hành án tử hình.
“Rất khó để bảo Wang nói sự thật. Báo chí miêu tả Wang là một tên côn đồ luôn cười đầy vẻ khinh miệt, thậm chí khi nghe tuyên án tử hình”, ông Yu nói. Sau khi nghiên cứu, ông tìm ra điểm yếu của tù nhân này.
“Wang có mối quan hệ rất gần gũi với chị gái. Khi tôi nói chuyện với Wang về chị gái, điệu cười thường trực trên khuôn mặt ông ta biến mất. Ông ta bắt đầu chảy nước mắt. Sau đó, ông ta nói mình sẽ không bao giờ phạm tội nếu có cơ hội thứ hai”, ông Yu kể. Sau khi xem chương trình, nhiều tù nhân hỏi nhau “Nếu có cơ hội làm lại từ đầu, bạn có phạm tội không, có tái phạm sau khi được tha tù không”, ông Zheng nói.
Với chương trình Trở về nhà, tù nhân có thể đăng ký để có cơ hội nhìn thấy những thay đổi trong ngôi nhà cũ của họ.
Nhóm phóng viên truyền hình thăm nhà, quay video rồi phát trên truyền hình. “Chương trình khuấy động niềm khao khát trở về với gia đình của tù nhân, kích thích họ cư xử tốt trong tù”, ông Zheng nói.
Một chương trình khác ghi lại cảnh lính gác nhà tù giúp đỡ gia đình tù nhân khi họ có vấn đề. “Điều này giúp tăng cường mối quan hệ hài hòa giữa lính gác và tù nhân. Tù nhân có thể hợp tác hơn trong việc cải tạo, sau khi biết lính gác đã làm những gì vì họ”, ông Zheng nói.
Đài truyền hình mini
Yu Jiaqing (phải) phỏng vấn tù nhân ở một nhà tù Bắc Kinh. Nguồn: Global Times. |
Ông Yu kiêm nhiệm nhiều việc: vừa sản xuất, viết kịch bản, vừa dẫn chương trình của chính mình. Nhóm 8 người của ông có một phòng thu 60m2 và một số phòng biên tập ở phía nam Bắc Kinh.
Họ phát tổng cộng 13 chương trình khác nhau. Cứ nửa tháng họ lại quay 2-3 chương trình. Do thiếu mạng nước truyền hình nên các chương trình TV (dài khoảng 1 giờ) phải ghi lên DVD rồi hằng tuần được gửi tới từng nhà tù.
Cứ đến thứ bảy, các tù nhân lại tập trung để xem các chương trình của ông Yu. “Người ta có thể trầm cảm, tuyệt vọng sau khi bị ném vào tù. Chúng tôi muốn cho họ một chút hy vọng”, ông Yu nói.
Ông mới dẫn chương trình đối thoại với quản lý một nhà tù ở Bắc Kinh, giải thích Luật Tố tụng Hình sự sửa đổi được Quốc hội thông qua hồi tháng 3.
“Chúng tôi cố gắng cung cấp nhiều thông tin liên quan tù nhân”, ông nói. Để tù nhân cảm thấy gần gũi, người dẫn chương trình nhà tù mặc thường phục, thay vì đồng phục như ở hầu hết chương trình khác.
Nhiều nhà tù, trong đó có Qinghe ở ngoại ô Bắc Kinh cũng thành lập đài truyền hình của riêng họ. Lính gác và tù nhân cùng nhau sản xuất các chương trình.
Chương trình ăn khách
Ngôi sao truyền hình Ding Yu. Nguồn: BB. |
Tại tỉnh Hà Nam ở miền trung Trung Quốc, hàng triệu người hằng tuần háo hức chờ xem chương trình trò chuyện đặc biệt mang tên Phỏng vấn trước giờ hành quyết, trong đó phóng viên phỏng vấn những sát nhân bị kết án tử hình. Chương trình phát sóng được 5 năm và kết thúc tháng trước.
Mỗi sáng thứ hai, nữ phóng viên Ding Yu cùng đồng nghiệp sàng lọc tài liệu của tòa án để tìm người phù hợp cho chương trình. Họ phải hành động nhanh vì tù nhân có thể bị thi hành án tử hình trong vòng một tuần sau khi bị kết án.
“Một số người xem có thể coi phỏng vấn tội phạm chuẩn bị bị hành quyết là độc ác. Nhưng nhiều tội phạm muốn mọi người nghe họ nói. Một số tội phạm mà tôi từng phỏng vấn nói với tôi: “Tôi thực sự rất vui. Giờ đây, tôi nói cho cô biết nhiều thứ giữ trong tim. Trong tù, tôi chẳng sẵn lòng nói cho ai nghe về những chuyện đã qua”, bà Ding kể.
Phỏng vấn trước giờ hành quyết được phát sóng lần đầu vào tháng 11-2006 trên Kênh Pháp lý Hà Nam, một trong 3.000 đài truyền hình nhà nước ở Trung Quốc.
Mỗi tuần bà Ding phỏng vấn một tù nhân. Khẩu hiệu chạy phía trên chương trình kêu gọi thức tỉnh bản tính lương thiện trong mỗi người và hiểu được giá trị của cuộc sống.
Ở Trung Quốc, có tới 55 tội danh mang án tử, từ giết người, phản quốc, nổi dậy có vũ trang đến hối lộ, buôn lậu. Tuy nhiên, chương trình chỉ tập trung vào những vụ giết người một cách bạo lực.
Được phát sóng vào các tối thứ bảy, chương trình thường xuyên được xếp trong Tốp 10 của Truyền hình Hà Nam, với gần 40 triệu người xem trong tổng số 100 triệu dân của tỉnh này.
Vì thế, bà Dinh trở thành ngôi sao truyền hình với danh hiệu “Người đẹp với ác thú”.
Nhiều vụ được nêu trong chương trình có động cơ tiền bạc. Bà Dinh ấn tượng với vụ kẻ thủ ác là một cặp tình nhân trẻ đã tốt nghiệp đại học.
Bộ đôi lập kế hoạch cướp nhà ông bà của cô gái nhưng mọi việc diễn biến không như kế hoạch. Kết quả là chàng trai Zhang Peng 27 tuổi giết cả hai ông bà. “Họ quá trẻ.
Họ không bao giờ có cơ hội để nhìn thế giới này hay tận hưởng cuộc sống, nghề nghiệp, công việc và tình yêu gia đình. Họ đã lựa chọn sai và cái giá phải trả là cuộc sống của họ”, bà Ding nói.
Đồng tính luyến ái vẫn còn là vấn đề cấm kị ở Trung Quốc. Năm 2008, khi chương trình đề cập trường hợp Bao Ronting, người đàn ông đồng tính giết hại mẹ mình, tỷ lệ người xem tăng vọt.
Đó là lần đầu tiên bà Ding gặp một bóng lộ. “Anh ta hỏi Bà có cảm thấy lúng túng khi nói chuyện với tôi? Thực sự tôi cảm thấy rất lúng túng”, bà Ding kể.
Bà và đồng nghiệp làm 3 tập về Bao Ronting. Một lần, Bao hỏi: “Tôi sẽ lên thiên đường chứ?”. Bà Dinh đáp: “Tôi chứng kiến việc chuyển đổi từ sống sang chết”.
Bao Ronting bị dẫn ra pháp trường trên xe tải với tấm biển treo quanh cổ nói rõ tội trạng. Việc làm này là trái luật ở Trung Quốc hiện đại.
Thẩm phán Lui Wenling, người làm việc với những phóng viên của chương trình Phỏng vấn trước giờ hành quyết, nói rằng, hệ thống pháp luật Trung Quốc đang thay đổi.
“Chính sách hình sự hiện nay ở Trung Quốc là tử hình ít và thận trọng, trong khi kết hợp khoan hồng và nghiêm minh”, ông Lui nói.
Thái An
theo Global Times, People’s Daily, News Online