Truyền hình trả tiền: Cạnh tranh khốc liệt

Truyền hình trả tiền: Cạnh tranh khốc liệt
TP - Việc các đại gia như VNPT, Viettel và FPT Telecom chính thức nhảy vào cuộc chơi sẽ giúp thị trường truyền hình trả tiền thay đổi. Người xem sẽ được tiếp cận với truyền hình giá rẻ thay vì liên tục phải chịu việc tăng giá như trước đây.

Thêm lính mới, đón bão giảm giá

Theo các chuyên gia, với hơn 6 triệu thuê bao hiện có cùng 20 triệu thuê bao tiềm năng, thị trường truyền hình trả tiền được đánh giá là thị trường béo bở với bất cứ doanh nghiệp nào. Tuy nhiên, sức hút lớn hơn cả chính là số tiền mà thị trường này có thể đem lại cho các doanh nghiệp.

Số liệu ước tính của Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho thấy, tổng doanh thu của toàn thị trường truyền hình trả tiền trong nước đạt gần 2 tỷ USD vào năm 2011. Con số này tăng lên 2,5 tỷ USD (tương đương 54.000 tỷ đồng) vào 2012. Trong đó, doanh thu từ quảng cáo lên tới khoảng 850 triệu USD trong năm 2011 và hơn 1 tỷ USD vào năm ngoái. Đây là một khoản tiền lớn với bất cứ đại gia nào, kể cả với VNPT, Viettel và FPT Telecom.

Dù có khoảng 40 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đang hoạt động nhưng, đến hết năm 2013, thị phần chủ yếu nằm trong tay hai nhà đài lớn là VTV và HTV. Trong đó, SCTV chiếm khoảng 40%, tiếp theo là VTVCab với 30%. Kế đến là HTVC với 15%. Các doanh nghiệp khác chia đều 15% ít ỏi còn lại.

Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện FPT Telecom cho biết, trong quý II năm nay sẽ triển khai dịch vụ truyền hình trả tiền bằng công nghệ số tại 8 tỉnh, TP (Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Bình Dương, Cần Thơ, Khánh Hòa, Lâm Đồng và Đăk Lắk). Các địa phương khác sẽ được cung cấp bằng công nghệ analog. Doanh nghiệp này sẽ nghiên cứu công nghệ mới giúp người xem có thể theo dõi các chương trình truyền hình trên smartphone, máy tính bảng… khi đang di chuyển.

Cùng thời điểm này đại diện VNPT khẳng định sẽ sớm gia nhập thị trường. Hiện hồ sơ xin cấp phép đang được lãnh đạo Bộ TT-TT xem xét. Thông tin từ Viettel cho biết, sẽ chính thức tham gia thị trường với chiến lược “lấy nhiều bù ít”.

Đại diện Viettel cho biết, từ giữa tháng 3/2013, Viettel đã đưa vào thử nghiệm dịch vụ truyền hình cáp tại Hà Nội, TPHCM và Hà Nam. Dự kiến đến tháng 4/2014, Viettel sẽ đồng loạt triển khai cung cấp dịch vụ tại 15 tỉnh, thành lớn trong cả nước.

Áp lực giảm cước

Trao đổi với PV Tiền Phong, Tổng giám đốc VSTV (đơn vị sở hữu thương hiệu truyền hình số vệ tinh K+), ông Cao Văn Liết thừa nhận các doanh nghiệp đang phải cạnh tranh rất gay gắt để tồn tại.

Truyền hình trả tiền: Cạnh tranh khốc liệt ảnh 1

Sau 5 năm, năm 2013 lần đầu tiên dịch vụ truyền hình vệ tinh của VTC có lãi

Bản thân K+, theo ông Liết, từ đầu tháng 3 phải giảm cước, cơ cấu lại 3 gói kênh hiện tại. Theo đó, gói Access+ có phí thuê bao là 85.000 đồng/tháng và Premium HD là 220.000 đồng/tháng. Giá thiết bị cũng được giảm mạnh. Trọn bộ đầu thu SD giá chỉ còn 990.000 đồng/tháng, trọn bộ đầu thu HD chỉ còn 1,8 triệu đồng.

“Những năm qua, do có thị phần lớn, VTV luôn “một mình một chợ” trong việc mua và chia sẻ bản quyền các kênh truyền hình độc quyền cũng như thỏa sức tăng giá cước. Các tân binh mới tham gia sẽ giúp thị trường xuất hiện khái niệm mới “truyền hình giá rẻ”. 

Đại diện một đài truyền hình nói

“Thị trường truyền hình trả tiền đang có cạnh tranh rất mạnh với sự hiện diện của nhiều đối thủ mới, buộc K+ phải có những điều chỉnh để phù hợp với thị hiếu khách hàng và thích ứng với thị trường đang có cuộc cạnh tranh rất mạnh này”, ông Liết cho biết.

Nhiều doanh nghiệp khác cũng thực hiện các chương trình khuyến mãi cho các thuê bao của mình. Hiện, Truyền hình cáp Saigontourist (SCTV) có mức phí thuê bao thấp nhất, 60.000 đồng/tháng. Truyền hình cáp Hà Nội (HCATV), trên 80.000 đồng/tháng trong khi VTVcab có mức giá cao nhất 110.000 đồng/tháng cho tivi thứ nhất và 33.000 đồng/tháng cho tivi thứ hai trở đi.

Đại diện một nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền khẳng định, nhìn bề ngoài tưởng dễ ăn. Thực tế hoàn toàn khác. Các số liệu cho thấy, thị trường đang cạnh tranh rất khốc liệt và hầu hết các nhà cung cấp đều phải đối mặt với tình trạng thuê bao rời mạng, thuê bao ảo gia tăng. Có doanh nghiệp bị tới hơn 30% thuê bao rời mạng trong năm 2013, con số thuê bao ảo cũng lên tới 32%. Nhiều doanh nghiệp đến ngay vẫn phải chịu mức lỗ rất lớn.

“Như K+ các năm trước đều lỗ. Năm 2013 kinh doanh tốt hơn nhưng vẫn chưa có lãi. Hay như VTC, năm 2013 lần đầu tiên dịch vụ truyền hình vệ tinh có lãi nhưng lợi nhuận chỉ đạt 50 tỷ đồng. Việc phát triển thuê bao rất khó khăn, thị trường không dễ ăn chút nào. Các năm trước có những doanh nghiệp kinh doanh truyền hình trả tiền mỗi ngày lỗ cả tỷ đồng”, vị này cho biết.

Cũng theo ông Liết, K+ đang nghiên cứu việc cho phép một thuê bao chỉ phải trả tiền một lần và có thể xem cùng lúc nhiều kênh trên nhiều ti vi khác nhau thay vì phải trả tiền thuê bao theo đầu ti vi như hiện nay.

Ông Lê Đình Cường, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPayTV) cho biết, Hiệp hội mới đây đã có văn bản kiến nghị với Bộ Thông tin và Truyền thông để đặt mức giá sàn đối với dịch vụ truyền hình trả tiền để tránh sự cạnh tranh không lành mạnh.

Việc, Viettel, FPT Telecom và VNPT tham gia thị trường chắc chắn sẽ giúp người dùng giảm chi phí thuê bao hàng tháng. Với Viettel, các đài truyền hình sẽ rất thận trọng. “Viettel hoàn toàn có thể tung ra các gói cước giá rẻ để thu hút khách hàng. 

Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất với doanh nghiệp này chính là nội dung các chương trình. Các doanh nghiệp sẽ rất khó chia sẻ nội dung với Viettel. Thực tế từ thị trường viễn thông cho thấy, việc chia sẻ nội dung sẽ giúp Viettel phát triển rất nhanh. Nhưng đồng nghĩa, các nhà đài sẽ bước vào cửa tử. Còn về phía người xem, chắc chắn là có lợi”, ông Cường phân tích.

MỚI - NÓNG
Công nương Nhật Bản qua đời
Công nương Nhật Bản qua đời
TPO - The Japan Times đưa tin Công nương Yuriko của Hoàng gia Nhật Bản vừa qua đời ở tuổi 101 vì bệnh viêm phổi. Bà không xuất hiện trước công chúng kể từ sự kiện chào năm mới 2024. 
Giá vàng nhẫn tiếp tục giảm mạnh
Giá vàng nhẫn tiếp tục giảm mạnh
TPO - Sáng nay (15/11), giá vàng trong nước tiếp tục giảm mạnh theo giá thế giới. Giá vàng nhẫn giảm từ 500.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng/lượng về mốc 81 - 82 triệu đồng/lượng, tuỳ từng thương hiệu vàng.