Nghệ An:

Trưởng phòng giáo dục từ chối luân chuyển làm Bí thư phường

Trụ sở phường Nghi Thu (thị xã Cửa Lò).
Trụ sở phường Nghi Thu (thị xã Cửa Lò).
TPO - Sau khi có quyết định điều chuyển về làm Bí thư Đảng ủy phường nhưng Trưởng phòng Giáo dục thị xã Cửa Lò viết 'tâm thư' trình bày nguyện vọng được tiếp tục ở lại. Lãnh đạo thị ủy thị xã Cửa Lò cho biết sẽ xem xét kỷ luật vị trưởng phòng này nếu không chấp hành.

Vừa qua, UBND Thị Xã Cửa Lò (Nghệ An) có quyết định luân chuyển ông Nguyễn Văn Tuân, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) sang làm Bí thư Đảng ủy phường Nghi Thu, đồng thời điều chuyển ông Phùng Đức Nhân, Bí thư Đảng ủy phường Nghi Thu sang làm Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Cửa Lò từ ngày 27/11.

Sau khi có quyết định trên, ông Nguyễn Văn Tuân có đơn gửi cơ quan chức năng bày tỏ nguyện vọng được công tác trong ngành giáo dục để phát huy mặt mạnh của bản thân và để hoàn thành tốt nhiệm vụ chứ “không có nguyện vọng phát triển chức vụ cao hơn trong quy hoạch đã được phê duyệt“.

Chiều 3/12, trao đổi với Tiền Phong về việc “lạ” khi cán bộ bị luân chuyển không chịu chấp hành quyết định, ông Lê Thanh Long, Phó bí thư thường trực Thị ủy thị xã Cửa Lò cho biết, không chỉ dư luận thấy lạ mà cả Ban thường vụ Thị ủy thị xã Cửa Lò cũng vô cùng ngạc nhiên. 

'Việc điều chuyển cán bộ của thị xã đã được chúng tôi đem ra họp bàn vài tháng nay chứ không phải đột xuất, hoặc có bất cứ một lý do cá nhân nào trong đó. Điều quan trọng nhất là xuất phát từ nguyện vọng của hầu hết tập thể ngành giáo dục thị xã, các trường và giáo viên mấy năm liền đề xuất thay thế vị Trưởng phòng Giáo dục cho một đồng chí lãnh đạo khác công minh hơn”, ông Long cho biết.

Theo ông Long, ngành giáo dục Cửa Lò phát triển rất mạnh hàng chục năm nay, được các thế hệ lãnh đạo của thị xã rất quan tâm chứ không riêng gì cá nhân nào gây dựng nên. 

“Chiều nay, Ban thường vụ Thị ủy tiếp tục họp bàn lần cuối rồi sẽ quyết định sau cùng về việc điều chuyển đồng chí Nguyễn Văn Tuân. Việc đồng chí không chấp hành quyết định cũng sẽ được Ban tổ chức quyết định mức kỷ luật thích đáng”, ông Long nói.

Trong khi đó, ông Doãn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò cho hay: “Việc điều chuyển cán bộ đã được Ban tổ chức họp bàn rất kỹ trước khi nghe nguyện vọng của đồng chí Tuân. Việc điều chuyển vị trí này không phải là lần đầu, không ngoại lệ (trước đây đã có trường hợp tương tự như ông Tuân – PV), không trái quy định.

“Là một Đảng viên hiểu quá rõ về Điều lệ của Đảng mà không chấp hành thì chúng tôi cứ theo điều lệ Đảng mà xem xét mức độ kỷ luật đối với Đảng viên đó”, ông Dũng khẳng định.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Đình Hùng, Trưởng Phòng Nội vụ thị xã Cửa Lò cho biết: “Trong công tác cán bộ, thì một cán bộ không thể ở một vị trí mãi mà phải qua nhiều vị trí khác nhau. Việc điều động anh Tuân từ Trưởng phòng GD&ĐT thị xã về sinh hoạt tại Ban chấp hành Đảng bộ, Ban thường vụ Đảng ủy phường, giữ chức vụ Bí thư phường Nghi Thu là điều hoàn toàn bình thường, đúng quy trình, quy định của pháp luật”. 

Được biết, ông Tuân tốt nghiệp Đại học Vinh ngành Sư phạm Vật Lý, về công tác tại trường THPT bán công thị xã Cửa Lò năm 2000. Cuối năm 2005, ông được bầu làm Bí thư Đoàn TN thị xã; từ 2009 đến nay giữ chức vụ Trưởng phòng GD&ĐT.

Thông tin riêng của Tiền Phong có được, ông Tuân được quy hoạch cán bộ nguồn làm Phó chủ tịch văn xã UBND thị xã Cửa Lò trong tương lai. Ngoài ra, ông Tuân có nêu, việc bổ nhiệm ông Nhân từ chức Bí thư sang làm Trưởng phòng GDĐT là không hợp lý vì không phải là thầy giáo, chưa từng công tác trong ngành giáo dục, không có nghiệp vụ sư phạm…

Thầy giáo Võ Như Cương, Hiệu trưởng trường THCS Nghi Hương (Cửa Lò – Nghệ An): “Một người lãnh đạo đầu ngành không nhất thiết phải có chuyên môn ngay lập tức, bên cạnh đó thì đội ngũ chuyên môn của ngành rất hùng hậu để hỗ trợ khi người mới được giao nhiệm vụ. Cái mà ngành giáo dục cần chính là sự công tâm, sáng suốt và là một vị lãnh đạo vì quyền lợi của tập thể lên hàng đầu”.

MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.