Đìu hiu chợ chiều
Tính đến thời điểm hiện tại, khoảng hơn 100 trường ĐH thông báo xét tuyển bổ sung sau khi kết thúc đợt 1 tuyển sinh. Trong số này có nhiều trường ĐH địa phương (trực thuộc UBND các tỉnh/TP, đóng tại địa bàn tỉnh/TP đó). Trường ĐH Nông lâm Bắc Giang xét tuyển bổ sung năm 2023 với tổng 750 chỉ tiêu cho 15 ngành đào tạo. Chỉ tiêu tuyển bổ sung của Trường ĐH Nông lâm Bắc Giang bằng với chỉ tiêu tuyển sinh năm 2023 đã được công bố trong Đề án Tuyển sinh. Như vậy, gần như trường không tuyển sinh được trong đợt 1.
Tân sinh viên làm thủ tục nhập học năm học 2023-2024. Ảnh: Thanh Tùng |
Khi còn thi 3 chung (trước 2015, chung đề, chung đợt, chung kết quả. Kỳ thi do Bộ GD&ĐT tổ chức), các trường ĐH địa phương luôn lấy điểm chuẩn bằng điểm sàn của Bộ GD&ĐT, thậm chí còn được hưởng chính sách đặc thù 3 Tây (Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ), lấy điểm sàn thấp hơn điểm sàn của Bộ 1 điểm. Tuy nhiên, kết quả tuyển sinh vẫn khó khăn. Từ năm 2015 đến nay, các trường được sử dụng triệt để xét học bạ THPT, xét điểm thi THPT quốc gia, kết hợp các phương thức xét tuyển khác... nhưng thực tế vẫn không sáng sủa.
Trường ĐH Lương Thế Vinh, Nam Định thời gian gần đây dường như “biến mất” khỏi bản đồ các trường ĐH của Việt Nam. Nguyên nhân do sự tồn tại của trường luôn lập lờ ở top dưới, không thu hút được thí sinh. Trong đề án tuyển sinh năm 2023, Trường ĐH Lương Thế Vinh cho biết, năm 2022, tổng chỉ tiêu tuyển sinh của trường là 2.172 nhưng chỉ tuyển được 288 thí sinh, đạt trên 13% chỉ tiêu.
Tương tự, năm 2021, trường ĐH này có 409 thí sinh nhập học trong tổng số 2.203 chỉ tiêu. Điều đáng nói là các ngành của trường điểm chuẩn chỉ 15 điểm/tổ hợp.
“Tại Việt Nam thì các trường ĐH nhìn chung rất bé, rất ít trường ĐH có khuôn viên đạt được tính chất môi trường sư phạm”.
GS.TS Vũ Văn Yêm, ĐH Bách khoa Hà Nội
Thuê chỗ học khắp thành phố
Trường ĐH Mở Hà Nội được thành lập từ năm 1993 nhưng đến nay vẫn chưa “an cư” để phát triển. Với 18 ngành đào tạo, hằng năm trường đào tạo khoảng 30.000 sinh viên các hệ chính quy, tại chức và đào tạo từ xa. Trường ĐH Mở Hà Nội có trụ sở chính là nhà B101 phố Nguyễn Hiền, phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội với diện tích đất là trên 1.400m2, diện tích xây dựng là trên 4.000m2. Địa chỉ cơ sở tại Long Hưng, Văn Giang, Hưng Yên có diện tích trên 53.000m2 và diện tích xây dựng trên 17.000m2. Tuy nhiên, thực tế, sinh viên của trường vẫn học tập tại các địa điểm được trường thuê tại Hà Nội.
Tương tự, Trường ĐH Kinh tế- ĐH Quốc gia Hà Nội hiện cũng thuê 4 địa điểm cho sinh viên học. Là một trong những cơ sở giáo dục ĐH công lập được thành lập sớm tại Việt Nam nhưng đến nay, cơ sở vật chất của ĐH này vẫn manh mún và bị xé lẻ thành nhiều địa điểm.
Trường ĐH Mở Hà Nội hay ĐH Quốc gia Hà Nội đều là các cơ sở giáo dục ĐH công lập. Đầu tư cơ sở vật chất phần lớn phụ thuộc vào ngân sách của nhà nước. Đại diện Trường ĐH Mở Hà Nội cho biết đã nhiều lần kiến nghị lên cơ quan quản lý nhưng dự án xây dựng cơ sở vật chất của trường vẫn đang tắc. Còn ĐH Quốc gia Hà Nội hiện đã đi vào hoạt động tại cơ sở Hòa Lạc. Tuy nhiên, hiện ĐH này mới chỉ đưa sinh viên năm thứ nhất một số trường lên học, từ năm thứ 2 lại về cơ sở chính ở Hà Nội.
Sinh viên tứ tán các nơi để học do cơ sở vật chất đi thuê, rất khó khẳng định chất lượng đào tạo được đảm bảo; chạy theo chỉ tiêu tuyển sinh bất chấp chất lượng mà hệ lụy là sinh viên ra trường khó kiếm việc làm hoặc phải làm trái ngành để đảm bảo cuộc sống.