Trường đại học 'khát' sinh viên: Lo cạn nguồn tuyển sinh

TP - Mở thêm nhiều ngành mới, tăng chỉ tiêu là nguyên nhân dẫn đến quy mô tuyển sinh hằng năm tăng. Chỉ tiêu “phình” nhanh nhưng số lượng thí sinh ổn định, nhu cầu học đại học của thí sinh giảm, dẫn đến thực trạng nhiều trường đại học “khát” thí sinh.

Không còn thí sinh để “lọt”

Chưa kết thúc nhập học đợt 1, một loạt trường đại học (ĐH) đã thông báo tuyển bổ sung. Trường ĐH Kinh tế - Công nghệ, ĐH Thái Nguyên thông báo tuyển sinh đợt bổ sung năm 2024 với 2 phương thức là tuyển sinh dựa vào kết quả kì thi THPT quốc gia năm 2024; tuyển sinh dựa vào kết quả học tập ghi trong học bạ THPT. Đối với xét tuyển dựa vào kết quả thi THPT quốc gia, nhà trường yêu cầu thí sinh có kết quả tổ hợp môn thi đạt ngưỡng điểm từ 15 điểm trở lên (trung bình 5 điểm/môn thi).

Trường đại học 'khát' sinh viên: Lo cạn nguồn tuyển sinh ảnh 1

Thí sinh nhập học tại trường ĐH năm 2024 Ảnh: Nghiêm Huê

Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Nam Định xét tuyển bổ sung 280 chỉ tiêu với 3 phương thức xét là xét tuyển kết quả kì thi tốt nghiệp THPT năm 2024 với điểm nhận hồ sơ 16/30 điểm/tổ hợp trở lên; xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT năm lớp 12 đạt từ 18 điểm/tổ hợp trở lên; xét tuyển dựa vào kết quả kì thi đánh giá năng lực học sinh THPT của ĐH Quốc gia Hà Nội, tổng điểm đạt từ 75/150 điểm trở lên; xét tuyển dựa vào kết quả kì thi đánh giá tư duy do ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức đạt từ 50/100 điểm trở lên. Một số ngành của trường tuyển sinh đợt 1 gần như đạt rất ít như ngành Công nghệ Kĩ thuật cơ khí xét tuyển bổ sung tới 10/15 chỉ tiêu; Công nghệ kĩ thuật cơ điện tử tuyển bổ sung 10/10 chỉ tiêu; Công nghệ Kĩ thuật Điện, Điện tử tuyển bổ sung 100/100 chỉ tiêu.

Trường ĐH Hòa Bình tuyển bổ sung 760. Trường ĐH Công nghiệp Việt - Hung thông báo xét tuyển bổ sung đợt 1 năm 2024 với 480 chỉ tiêu. Trong đó với phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp, điểm nhận hồ sơ là 16 điểm/tổ hợp, phương thức xét học bạ, điểm nhận hồ sơ là 18 điểm/tổ hợp. Phân hiệu ĐH Thái Nguyên tại Lào Cai, điểm nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung là 15 điểm/tổ hợp.

Ghi nhận cho thấy, nhiều ngành học gần như không tuyển sinh được đợt 1 hoặc tuyển được rất ít nên phải xét tuyển bổ sung.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, năm 2024, cả nước có trên 730 nghìn thí sinh đăng kí xét tuyển ĐH trên hệ thống. Sau khi lọc ảo, có trên 673 nghìn thí sinh trúng tuyển đợt 1, đạt trên 91%. Tỉ lệ này có nghĩa cứ 10 thí sinh đăng kí xét tuyển ĐH thì có hơn 9 thí sinh trúng tuyển. Tuy nhiên, trong số thí sinh trúng tuyển có trên 122 nghìn thí sinh không xác nhận nhập học. Như vậy, các trường ĐH sẽ phải tuyển bổ sung thêm trên 122 nghìn chỉ tiêu.

Bóp méo bức tranh tuyển sinh

Trước đây, việc xét tuyển ĐH được thực hiện theo hướng “lọt sàng xuống nia”, các trường top trên sẽ tuyển lớp “váng”, những học sinh giỏi, tiếp đến là các trường top giữa và các trường top dưới. Nhưng từ khi thực hiện tự chủ, trường ĐH được phép mở ngành, xác định chỉ tiêu tuyển sinh và tự lo tài chính nên chỉ tiêu từ trường top trên đến trường top dưới đều phình to đáng kể.

Dải điểm chuẩn của nhiều trường top đầu trải rộng từ mức khá đến mức giỏi nên các trường top giữa, top dưới dù điểm chuẩn chỉ trung bình 5 điểm/môn thi cũng không còn thí sinh.

Thực tế năm nay, giữa số lượng thí sinh trúng tuyển và thí sinh đăng kí xét tuyển đã cho thấy nguồn tuyển gần như cạn. ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường ĐH Công thương TPHCM cũng thừa nhận tình trạng này.

“Chúng tôi lo lắng khoảng 5 năm nữa thôi, nguồn tuyển sinh sẽ không được dồi dào như trước kia. Từ bây giờ, trường ĐH cần có phương án cho 5 năm sắp tới”, ông Sơn nói và chia sẻ thêm Trường ĐH Công thương TPHCM có ý định phát triển công tác nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp để lấy kinh phí bù đắp cho khoản thiếu hụt do sinh viên giảm. Trường tập trung phát triển đội ngũ giảng viên. Hiện trường có khoảng 40% giảng viên có trình độ tiến sĩ, PGS, GS. Phấn đấu tới năm 2027, có 60% giảng viên là tiến sĩ, trong số đó là 10% giảng viên sẽ trở thành người có kinh nghiệm về nghiên cứu khoa học mạnh.

Tại Hội nghị giáo dục ĐH năm 2024 do Bộ GD&ĐT vừa tổ chức, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định nguồn tuyển hiện dồi dào, các trường uy tín không phải lo lắng, không nên “chen lấn xô đẩy”. Trường ĐH được phép tự chủ cao trong vấn đề tuyển sinh nhưng phải trong khuôn khổ các quy định. Vì vậy, Bộ GD&ĐT có thể gia tăng một số khung, chế tài để điều tiết tuyển sinh năm sau.

Thực tế cho thấy nhiều trường cao đẳng có chất lượng đang tuyển sinh tốt, điểm chuẩn cao hơn trường ĐH như Trường CĐ Kĩ thuật Cao Thắng, có hơn 2.000 thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển bằng phương thức điểm thi THPT.

Tuy nhiên, nhà trường chỉ có khoảng 1.125 chỉ tiêu cho phương thức tuyển sinh này. Trong đó điểm chuẩn cao nhất là ngành Kĩ thuật Ô tô, 21/30 điểm/tổ hợp. Mức điểm này cao hơn một số trường ĐH có tuyển sinh ngành Kĩ thuật Ô tô như Trường ĐH Lâm nghiệp (15,2/30 điểm), Trường ĐH Kĩ thuật Công nghiệp - ĐH Thái nguyên (19/30 điểm).

Theo nhận định của chuyên gia, sở dĩ các trường CĐ tuyển sinh tốt vì chất lượng đào tạo và cơ hội việc làm thuận lợi hơn. Hiện nay, đối với nhóm ngành kĩ thuật, khi mở ngành, các trường CĐ thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phải đáp ứng yêu cầu chuẩn thiết bị tối thiểu.

Trong khi đó, đối với bậc ĐH, trừ nhóm ngành Y do Bộ Y tế quy định, Bộ GD&ĐT chưa yêu cầu chuẩn thiết bị tối thiểu đối với các nhóm ngành còn lại. Việc mở ngành dễ, chỉ cần đáp ứng yêu cầu về con người, cơ sở vật chất mà không có những quy định cụ thể về thiết bị tối thiểu dẫn đến việc chất lượng đào tạo bị thả nổi.

Như vậy bên cạnh nguyên nhân khách quan do nhóm ngành khó tuyển sinh thì nguyên nhân chủ quan do chất lượng đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu đã khiến bức tranh tuyển sinh ĐH hằng năm méo mó, tình trạng vơ bèo vạt tép sẽ tiếp tục diễn ra khi nguồn tuyển gần tương đương với chỉ tiêu tuyển sinh như hiện nay.

MỚI - NÓNG
Chiều nay, TPHCM có nơi mưa rất to
Chiều nay, TPHCM có nơi mưa rất to
TPO - Những ngày giữa tháng 10, thời tiết TPHCM và các tỉnh, thành Nam bộ phổ biến có mưa, mưa rào rải rác đến nhiều nơi. Khả năng sẽ có những đợt mưa trên diện rộng với một vài nơi có mưa vừa, mưa to đến rất to kéo dài một vài ngày.