Trưởng Ban tổ chức TƯ tán thành tố cáo bằng tin nhắn, thư điện tử

Trưởng Ban tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính
Trưởng Ban tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính
TPO - Theo Trưởng Ban tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính, việc nhắn tin tố cáo qua điện thoại thường có đăng ký đàng hoàng, việc xác minh rất dễ. Nhưng thực tế cũng có người ngại, giấu, nhưng rất nhiều cuộc nhắn tin mình chỉ đạo làm và bắt quả tang luôn.   

Cho ý kiến về Luật Tố cáo (sửa đổi) sáng 8/11, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính cho biết, cái gì cũng có hai mặt, trên thực tế chúng ta khai thác chính quyền điện tử ở nhiều mặt, nếu không sử dụng các công cụ này để phục vụ cho tất cả hoạt động của chính quyền, nhà nước và người dân là “không bình thường”.

Trên cơ sở đó, ông Phạm Minh Chính tán thành quy định vào luật cả hai hình thức tố cáo đang nhận được nhiều ý kiến khác nhau, là tố cáo bằng thư điện tử và tin nhắn.

Cụ thể, tố cáo bằng nhắn tin, theo ông Chính, thường thì người đứng đắn bao giờ cũng có đăng ký đàng hoàng, việc xác minh rất dễ. Nhưng thực tế cũng có người ngại, họ giấu, nhưng rất nhiều cuộc nhắn tin mà mình chỉ đạo làm và bắt quả tang luôn. 

Cũng có nhắn tin với tên tuổi, địa chỉ rõ ràng nhưng dùng sim rác, mà nội dung vẫn hoàn toàn chính xác. Các tội phạm liên quan đến an toàn xã hội người ta ngại lộ danh tính, nên người tiếp nhận thông tin phải biết phân loại, sàng lọc để chỉ đạo, xử lý cho phù hợp với điều kiện cụ thể. 

“Rõ ràng thực tiễn đã có tác dụng, ta phát triển công nghệ thông tin, Chính phủ điện tử, từ xu hướng này nên ghi vào Luật là hoàn toàn phù hợp với tình hình hiện nay. Nhưng cũng không loại trừ có trường hợp lợi dụng nên quy định cho chặt chẽ hơn, và người xử lý thông tin phải phân định được cái này”, ông Phạm Minh Chính đề nghị.

Về hình thức tố cáo bằng thư điện tử, theo ông Phạm Minh Chính, cần phải kết hợp giữa kinh nghiệm, các phương tiện và sự nhạy bén của người cán bộ. Trên cơ sở đó, ông Chính ủng hộ đưa vào Luật hình thức tố cáo bằng thư điện tử.

“Đa số người tố cáo muốn phát hiện giúp nhà nước, chính quyền và các cơ quan có trách nhiệm. Họ ít nghĩ đến lợi ích, và chỉ muốn có sự công minh, trong sạch, xã hội công bằng. Họ tố cáo tội phạm với mục tiêu trong trong sáng. Nếu chúng ta có được những nội dung tố cáo này thì rất tốt. Cái quan trọng nhất là bảo vệ được danh tính người tố cáo, nên cần có cách thể hiện thế nào đó để bảo vệ được danh tính cho họ”, ông Chính lưu ý.

MỚI - NÓNG