VIỆT NAM SAU TRẬN THUA AUSTRALIA:

Trước khi nghĩ về chiến thắng, hãy học cách quen với thất bại

0:00 / 0:00
0:00
Trước khi nghĩ về chiến thắng, hãy học cách quen với thất bại
TPO - Một thất bại nữa nhắc nhở ĐT Việt Nam về sự khắc nghiệt của sân chơi World Cup. Chiến thắng sẽ không đến dễ dàng và thất bại là thứ mà chúng ta bắt buộc phải làm quen.

Bóng đá là môn thể thao cạnh tranh, dĩ nhiên ai cũng muốn giành chiến thắng. Việt Nam cũng không ngoại lệ. Thậm chí còn hơn thế, bởi chúng ta là một đất nước cuồng bóng đá, đầy khát khao và ý chí vươn lên mạnh mẽ.

Nhưng cũng vì đây là bóng đá, nó có sự phân cấp rõ ràng. Vòng loại cuối FIFA World Cup đương nhiên khác xa với những đấu trường quen thuộc như SEA Games hay AFF Cup ở Đông Nam Á mà người ta thường gọi là vùng trũng. Và một đội đứng thứ 35 thế giới và 5 lần dự World Cup như Australia đương nhiên ở một đẳng cấp khác so với Malaysia hay Thái Lan.

Vì vậy, dù không mong muốn nhưng phải thực tế. Thất bại trước họ, hay Saudi Arabia, là điều dễ hiểu. Đó là cách bóng đá diễn ra, với các đội có thực lực mạnh hơn sẽ giành chiến thắng. Cái gọi là câu chuyện cổ tích đôi khi cũng xuất hiện, nhưng không quá nhiều.

Trước khi nghĩ về chiến thắng, hãy học cách quen với thất bại ảnh 1

Các cầu thủ Việt Nam có màn trình diễn đáng khen trong trận đấu với Australia ảnh Mạnh Thắng

Trong khoảng 4 năm qua chúng ta say sưa trong men say chiến thắng, huy chương, danh hiệu và các kỳ tích khó tin. Đội tuyển Việt Nam đã lột xác ngoạn mục và vươn mình ra thế giới. Nhưng chừng ấy là chưa đủ để xóa nhòa khoảng cách với các nền bóng đá hàng đầu châu lục. BXH FIFA không phải lúc nào cũng phản ánh chính xác, nhưng ít nhất vị trí thứ 92 cũng cho biết chúng ta đang đứng ở đâu. Ở hai kỳ World Cup gần nhất, đội tham dự có thứ hạng thấp nhất là 65.

Sẽ là vô lý nếu đòi hỏi những chàng trai áo đỏ phải giành chiến thắng ở mọi trận đấu. Trong những năm tốt nhất của mình, Thái Lan đã 2 lần vào đến vòng loại cuối FIFA World Cup (2002 và 2018) nhưng cũng không thể kiếm được 1 chiến thắng bất kỳ.

Trên fanpage chính thức của ĐT Australia, một người hâm mộ xứ sở Kangaroo đã bình luận rất chân tình, rằng “Việt Nam đã có màn trình diễn tốt, nhưng đây là lúc các bạn nên chấp nhận một điều, để thành công các bạn phải trải qua hàng thập kỷ thất bại như chúng tôi đã từng”. Trước khi trở thành vị khách quen thuộc ở VCK World Cup, Australia đã không thể có được tấm vé ở 7 kỳ vòng loại liên tiếp kéo dài suốt 32 năm.

Thế nên thay vì kỳ vọng lớn, sau đó thất vọng và đổ lỗi, hãy nhìn vào các mặt tích cực. Như tất cả đã thấy, đội quân của HLV Park Hang-seo đã có một buổi tối xuất sắc ở Mỹ Đình không khán giả. Như mọi lần, các tuyển thủ luôn nhập cuộc với quyết tâm cao nhất. Không có dấu hiệu nào của sự sợ hãi, họ dám mạo hiểm và luôn mưu cầu chiến thắng.

Trước khi nghĩ về chiến thắng, hãy học cách quen với thất bại ảnh 2

Các chỉ số sút bóng, sút trúng cầu môn của đội tuyển Việt Nam đều cao hơn Australia

Chính Việt Nam chứ không phải Australia tung ra nhiều cú sút hơn, tạo nên các cơ hội rõ ràng hơn. Có những thời điểm đội khách đã sống trong lo lắng, như trước pha phản công kết thúc bằng cú sút của Quang Hải, hay tình huống hậu vệ Rhyan Grant để bóng chạm tay trong vòng cấm. Sự khác biệt về đẳng cấp hay hình thể cũng không rõ ràng. Nếu Australia chiến thắng 40 pha tranh chấp và 12 tình huống bóng bổng thì con số tương ứng của Việt Nam là 34 và 9.

Một số cho rằng Australia chơi không đúng năng lực, nhưng cần phải đặt câu hỏi tại sao họ lại không thể? Đấu pháp hợp lý với hệ thống phòng ngự chặt chẽ, khả năng áp sát nhanh của Việt Nam đã không cho đối thủ không gian để hoạt động. Những nỗ lực lên bóng của đội khách liên tục bị đẩy ra vùng ngoại vi. Các cú tạt của Australia chỉ thành công duy nhất một lần, trong thoáng mất tập trung của hàng thủ Việt Nam.

Mọi thứ chưa kết thúc ở đây. Những chiến binh áo đỏ sẽ không bỏ cuộc, tiếp tục gạt nỗi buồn thất bại sang một bên để tiếp tục săn tìm chiến thắng. Còn với người hâm mộ, hãy tiếp tục cổ vũ thay vì gây áp lực. Đừng biến những người hùng thành nạn nhân của thành công do chính họ từng tạo ra.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.