Trước giờ mở cửa du lịch 15/3: Ngổn ngang trăm mối

0:00 / 0:00
0:00
TP - Ba ngày trước thời điểm mở cửa du lịch chính thức từ 15/3 thế nhưng những người làm du lịch vẫn thấy ngổn ngang trăm mối lo lắng, thậm chí dự đoán nguy cơ không đón được khách quốc tế.

Lo “ế”

Lo lắng là tâm trạng của ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam chia sẻ trong diễn đàn Luồng xanh cho du lịch cất cánh sáng 11/3 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức. “Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, gắn bó chặt chẽ với xã hội vì thế khi du lịch mở cửa không phải là ban phát quyền lợi cho riêng du lịch mà còn kéo theo các hoạt động khác. Vừa qua chúng tôi đi khảo sát ở nhiều địa phương, nhiều nơi không gian vắng lặng như tờ, hỏi ra vì không có khách nên không mở cửa”, ông Vũ Thế Bình bày tỏ.

Trước giờ mở cửa du lịch 15/3: Ngổn ngang trăm mối ảnh 1

Cần thông tin minh bạch về phương án đón khách quốc tế

Ông Bình nêu vấn đề khó đầu tiên của mở cửa-vướng mắc về chính sách miễn visa. Ông phân tích, trong lúc Việt Nam đang khó khăn, quá hai phần ba doanh nghiệp không hoạt động chúng ta lại đưa ra các chế độ thực hiện theo quy định mới gây khó cho doanh nghiệp-miễn visa cần song phương có đi có lại. “Thực tế tất cả các nước hiện nay không làm như thế. Indonesia miễn thị thực cho 157 nước. Thái Lan, Singapore, Malaysia đều miễn visa nhiều hơn ta rất nhiều. Chúng tôi không đòi hỏi Nhà nước phải hỗ trợ thêm gì cho ngành du lịch mà chỉ mong chúng ta khôi phục lại những gì đã có trước năm 2020. Đó cũng là kiến nghị của tất cả doanh nghiệp du lịch hiện nay. Những đề xuất thêm lúc này là chưa cần thiết, chúng ta hãy làm tốt những gì đã có. Chính sách ban hành cần dễ hiểu, dễ thực hiện”, ông Bình nói.

Vấn đề cách ly y tế cũng đang là mối quan tâm hàng đầu của những người làm du lịch. Chuyên gia đưa ra quan điểm rõ ràng là lây bệnh đến đâu xử lý đến đó, làm phạm vi hẹp nhất có thể để không ảnh hưởng tới toàn bộ xã hội. Bộ Y tế cũng mới có đề xuất mới nhất về việc không cần cách ly (dù tuần trước đó yêu cầu cách ly 3 ngày đối với khách quốc tế), thậm chí không cần quan tâm tới “hộ chiếu vắc xin”. Quan điểm của ông Bình là mở cửa nhưng cần khoa học, không đến mức vội vàng quá bởi quốc tế vẫn coi “hộ chiếu vắc xin” là chìa khóa để mở cửa du lịch trở lại.

Từ phía doanh nghiệp đón khách quốc tế, ông Phạm Hà, CEO Lux Group lo lắng về nguy cơ không đón được vị khách quốc tế nào. “Hằng ngày chúng tôi vẫn phải trả lời các câu hỏi của khách xem đến Việt Nam có cách ly không, nhưng không biết trả lời thế nào”, ông Hà nói. Thời điểm mở cửa được công bố, nhưng phương án đón khách do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện vẫn ở dạng đề xuất, chưa có quyết định cuối cùng của Chính phủ. Doanh nghiệp khát khao sự minh bạch về thông tin để sớm có kế hoạch đón khách. Đồng quan điểm, ông Trần Đoàn Thế Duy, TGĐ Vietravel mong muốn có sự minh bạch, rõ ràng về thông tin mở cửa như cách các nước xung quanh đã thực hiện. Ông cũng cho rằng sau khi mở cửa, cần phải có thời gian để xúc tiến quảng bá điểm đến sau đại dịch để hút khách.

Tạo luồng xanh

Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhận định, trước bối cảnh dịch bệnh ở Việt Nam đang trong tầm kiểm soát chính là điều kiện tiên quyết để khôi phục du lịch. Để tạo “luồng xanh” cho du lịch, ông Khánh nhắc tới vấn đề quan trọng về đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Mới đây Bộ Ngoại giao Mỹ công bố gần 160 quốc gia, vùng lãnh thổ ở danh sách mức độ 4 “Không đi lại” trong đó có Việt Nam. Phục hồi du lịch gắn liền với hàng không, tăng cường khai thác các đường bay thương mại quốc tế. “Việt Nam dỡ bỏ hạn chế về tần suất khai thác các chuyến bay quốc tế, tuy nhiên vấn đề đặt ra là làm sao để các hãng hàng không phối hợp với doanh nghiệp du lịch tăng cường khai thác các đường bay quốc tế kết nối với thị trường trọng điểm với các điểm đến du lịch tại Việt Nam”, ông Khánh nói.

Thời điểm mở cửa của Việt Nam không hề sớm. Đó là ý kiến của ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch. Việt Nam có quá trình thí điểm đón khách quốc tế với các điều kiện khắt khe, kiểm soát y tế chặt chẽ nên số khách chỉ dừng lại ở con số hơn 9 nghìn khách từ tháng 11/2021 đến đầu năm nay. Con số quá khiêm tốn so với gần 500 nghìn du khách quốc tế đến Singapore khi họ mở cửa. Ông kiến nghị các bộ ngành cần chung tay tháo gỡ, tìm ra phương án mở cửa an toàn, linh hoạt để tạo điều kiện thật sự cho doanh nghiệp. Việt Nam cần tạo môi trường cho du khách, bởi họ đều có nhận thức, có các biện pháp bảo vệ an toàn, cùng với sự nỗ lực của chính quyền để đảm bảo an toàn trong quá trình du lịch.

Ông Đỗ Trọng Hậu, PTGĐ Cty CP đầu tư khai thác nhà ga quốc tế Đà Nẵng mong muốn Bộ Y tế cùng các bộ ngành tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện chủ trương của Chính phủ để Việt Nam thực sự là điểm đến mới, tăng khả năng cạnh tranh. Ông Hậu nói, theo hướng dẫn của Cục Hàng không Việt Nam, đơn vị này thực hiện hành lang xanh bao gồm quy trình xanh, con người xanh, trang thiết bị xanh và cố gắng hạn chế tiếp xúc của khách hàng với nhân viên hàng không và các chuỗi cung ứng dịch vụ.

Trước dấu mốc mở cửa hoàn toàn, ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) nêu, các vấn đề về thị trường, xu hướng du khách, nhu cầu và quan tâm của du khách đã thay đổi về mặt sản phẩm, các phương thức tham gia du lịch đều thay đổi. Vì vậy, các doanh nghiệp phải nắm bắt ngay các xu thế để có phương án marketing phù hợp, có sản phẩm mới hấp dẫn với nhu cầu thay đổi của khách.

Trong khi đó, ông Phạm Hà phân tích thực tế Việt Nam vẫn đang loay hoay trong câu chuyện định vị thương hiệu trong mắt khách quốc tế. Việt Nam có thế mạnh về di sản thiên nhiên, di sản văn hóa nhưng không thể “ăn mày” di sản mà phải làm mới, sáng tạo dựa trên di sản thậm chí tạo nên một nền kinh tế văn hóa khác biệt. Ông Hà đề xuất Tổng cục Du lịch xem xét làm mới lại bộ nhận diện thương hiệu du lịch quốc gia để mang lại thông điệp mới mẻ hơn gửi tới khách quốc tế, cũng như có chiến dịch thu hút khách du lịch cao cấp để nâng tầm Việt Nam như điểm đến chất lượng, cao cấp.

Hàng không liên thông với du lịch

Ông Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không nhận định, với gói giải pháp phục hồi du lịch, có thể có giải pháp vừa giảm chi phí vừa thu hút khách. Hàng không và du lịch có mối quan hệ khăng khít, tác động và thúc đẩy lẫn nhau nên cần có chính sách hỗ trợ, các gói tín dụng kích cầu đảm bảo cơ sở hạ tầng, giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn.

Trưởng Ban Kế hoạch và Phát triển Vietnam Airlines Nguyễn Quang Trung kiến nghị một số giải pháp phục hồi du lịch và hàng không: Tăng cường quảng bá hình ảnh Việt Nam là điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn và nên tập trung thị trường Đông Bắc Á, châu Âu, Mỹ, Úc; đẩy nhanh tiến độ triển khai “hộ chiếu vắc xin”, tham gia các hệ thống chung của quốc tế nhằm đơn giản hóa thủ tục cho khách; ban hành quy định, thủ tục, hướng dẫn khách quốc tế và liên tục cập nhật trên các phương tiện thông tin đại chúng; cần sự phối hợp để xây dựng lộ trình phát triển điểm đến Việt Nam; triển khai hệ thống kết nối, chia sẻ dữ liệu hành khách giữa hàng không, khách sạn, công ty du lịch để nâng cao trải nghiệm cho khách và phục vụ nghiên cứu thị trường.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.