Trước đàm phán Mỹ - Triều, Hàn Quốc công bố báo cáo ảm đạm về Triều Tiên

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un trong cuộc gặp tại khu phi quân sự giữa Triều Tiên và Hàn Quốc vào cuối tháng 6. (Ảnh: AP)
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un trong cuộc gặp tại khu phi quân sự giữa Triều Tiên và Hàn Quốc vào cuối tháng 6. (Ảnh: AP)
TPO - Kinh tế Triều Tiên chưa từng rơi vào tình trạng xấu như hiện nay kể từ nạn đói khủng khiếp cướp đi 10% dân số của nước này trong những năm 1990.

Đó là thông tin trong báo cáo thường niên của ngân hàng trung ương Hàn Quốc về kinh tế Triều Tiên, dự kiến sẽ được công bố vào cuối tháng này. Báo cáo sẽ đưa ra cái nhìn mới về tác động của chiến dịch gây sức ép của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với kinh tế Triều Tiên, khi hai bên đang chuẩn bị nối lại đàm phán. 

Triều Tiên hạn chế cung cấp số liệu và thông tin về tình hình kinh tế - xã hội của họ, khiến việc ước tính trở nên khó khăn. Theo báo cáo của Hàn Quốc, kinh tế của Triều Tiên có thể đã giảm 5% trong năm ngoái, ông Kim Byung-yeon, một giáo sư về kinh tế tại ĐHQG Seoul, cho biết. 

“Chừng nào cấm vận vẫn được duy trì, thời gian thuộc về phía Mỹ”, ông Kim Byung-yeon nói. Ông cũng là tác giả một cuốn sách về Triều Tiên có tựa đề “Vén màn kinh tế Triều Tiên”.

“Các biện pháp trừng phạt là cách hiệu quả nhất để đưa Triều Tiên vào bàn đàm phán, vì thế không nên nới lỏng hay dỡ bỏ nếu không có tiến triển lớn trong phi hạt nhân hóa”, ông Kim nói. 
Mức giảm 5% nghĩa là các biện pháp quốc tế nhằm thắt chặt thương mại của Triều Tiên khiến nền kinh tế nước này rơi xuống mức yếu nhất kể từ năm 1997. 

Ngân hàng trung ương Hàn Quốc ước tính kinh tế Triều Tiên giảm 3,5% trong năm 2017, khiến quy mô kinh tế nước này chỉ tương đương bang Vermont của Mỹ. 

Nhưng có một điều các biện pháp trừng phạt không làm được: ngăn nhà lãnh đạo Kim Jong Un phát triển kho vũ khí hạt nhân để tăng quyền mặc cả với Mỹ. Chi phí để phóng hơn 30 tên lửa đạn đạo kể từ khi ông Kim Jong Un lên nắm quyền năm 2011 là khoảng 100 triệu USD, theo ước tính của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc. 

Tuy nhiên, ông Trump đang dựa vào sức ép kinh tế để buộc nhà lãnh đạo Triều Tiên thỏa hiệp, sau khi hai người có cuộc gặp lịch sử tại khu vực phi quân sự vào tháng trước và thống nhất sẽ khôi phục đàm phán cấp làm việc. Ông Trump trước đó gạt bỏ để xuất của phía Triều Tiên về việc dỡ bỏ tổ hợp hạt nhân ở Yongbyon để đổi lấy việc bỏ các biện pháp trừng phạt cứng rắn nhất. 

Triều Tiên phụ thuộc nặng nề vào Trung Quốc, khi nước láng giềng này chiếm hơn 90% thương mại của Triều Tiên. Việc Bắc Kinh ủng hộ các biện pháp trừng phạt quốc tế cứng rắn hơn với Bình Nhưỡng sau vụ thử hạt nhân lần thứ 6 của nước này vào tháng 9/2017 đã gây sức ép ghê gớm lên kinh tế Triều Tiên. 

Năm 2018, nhập khẩu của Trung Quốc từ Triều Tiên giảm khoảng 90% so với năm trước, theo số liệu của Hội thương mại quốc tế Hàn Quốc. Trong khi đó, xuất khẩu lương thực và nhiên liệu từ Trung Quốc sang Triều Tiên cũng giảm mạnh. 

Trước khi bị áp các biện pháp thắt chặt trừng phạt, Triều Tiên nhập khoảng 3,9 triệu thùng dầu năm 2015, theo số liệu của Cục điều tra liêng bang Mỹ. Trừng phạt khiến Triều Tiên chỉ mua được 500.000 thùng dầu trong năm ngoái. 

Nhưng Mỹ và các đồng minh cho rằng Triều Tiên đã tìm ra cách lách trừng phạt, sử dụng cách chuyển dầu và hàng trên biển. Các cảng của nước này tiếp nhận ít nhất 263 tàu chở dầu đã tinh chế, tương đương khoảng 3,78 triệu thùng nhiên liệu, theo số liệu ước tính của Mỹ. 

Bị hạn chế mua nhiên liệu càng khiến kinh tế Triều Tiên khó khăn. Tiêu thụ dầu của Triều Tiên giảm khoảng 80% từ năm 1991 đến 2017, theo Chương trình lương thực thế giới của Liên Hợp quốc. 

Ít nhiên liệu hơn nghĩa là người Triều Tiên có ít dầu diesel hơn để chạy máy cày và bơm nước tưới tiêu, khiến sản lượng nông nghiệp Triều Tiên càng khó khăn sau khi hứng chịu hạn hán vào mùa hè năm ngoái. 

Các biện pháp trừng phạt cũng gây ra tình trạng thiếu những dụng cụ nông nghiệp cơ bản khác, như máy móc và linh kiện thay thế, đánh giá của Liên Hợp quốc đưa ra vào tháng 5 năm nay cho biết. 

Sản lượng lúa giảm ít nhất 17% trong năm ngoái ở 2 tỉnh Nam Hwanghae và Bắc Pyongan, những nơi đóng góp khoảng một nửa tổng lượng lúa sản xuất ở Triều Tiên.

Theo theo SMCP
MỚI - NÓNG