Trung ương tiết kiệm, địa phương lãng phí?

Trung ương tiết kiệm, địa phương lãng phí?
TP - Cả nước đang cắt giảm đầu tư công, nhưng nhiều địa phương lại tăng. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần sớm có đề án tái cấu trúc đầu tư công.

> Nhà vệ sinh cấp 4 gần nửa tỷ đồng
> Chính phủ yêu cầu kiểm tra nhà vệ sinh 'dát vàng'

Tổng cục Thống kê cho biết, trong 7 tháng đầu năm, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước đạt 106,8 nghìn tỷ đồng (bằng 54,4% kế hoạch năm). Trong khi vốn thuộc diện trung ương quản lý giảm 14% so với cùng kỳ, vốn địa phương tăng 1,4% (đạt 83,9 nghìn tỷ đồng).

Trao đổi với PV Tiền Phong, Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho biết, xảy ra tình trạng này, xuất phát từ chính sách phân cấp, địa phương có quyền quyết định đối với một số công trình, dự án nhất định. Theo ông Doanh, việc 2 “đầu tàu” kinh tế Hà Nội (tăng 24,4%) và TPHCM (tăng 6,2%) có thể thông cảm được vì dù sao vẫn có thu. Vấn đề là những dự án đầu tư phải mang lại hiệu quả.

Một chuyên gia kinh tế khác (giấu tên) cho biết, nếu nhà nước và các thành phố dùng vốn nhiều sẽ dẫn đến doanh nghiệp không có nguồn. “Tập trung vốn cho các dự án, công trình cấp thiết, được ưu tiên. Chứ đầu tư công theo kiểu bỏ ra 200 tỷ đồng để xây dựng sân vận động như trường hợp ở huyện Hoài Đức (Hà Nội) mà Tiền Phong phản ánh vừa qua là quá lãng phí. Sân vận động không phải là dự án cấp bách”, vị chuyên gia nói.

Để đầu tư công hiệu quả, theo ông Lê Đăng Doanh, nhà nước phải có đề án tái cấu trúc. “Nhà nước nên tập trung vốn cho các dự án thuộc lĩnh vực giáo dục, y tế...”, ông Doanh nói.

Để siết đầu tư công, mới đây, Bộ KH&ĐT có văn bản hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch đầu tư giai đoạn 2014-2015. Theo TS. Võ Trí Thành (Phó Viện trưởng Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương): “Cần đưa ra được chương trình về tái đầu tư công, tạm gọi đó như một cẩm nang để có định hướng thực hiện. Trong tình cảnh dầu sôi lửa bỏng hiện nay, việc thực hiện tái cấu trúc đầu tư công phải có các nhân tố quyết đoán”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG